Hậu kiểm toán 2024: Doanh nghiệp kẻ đỉnh nóc vượt trần, người chịu lỗ chồng lỗ

Hậu kiểm toán 2024: Doanh nghiệp kẻ đỉnh nóc vượt trần, người chịu lỗ chồng lỗ

Thống kê từ VietstockFinance, tính đến 03/04/2025, 495 doanh nghiệp trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC kiểm toán 2024 cho thấy sự chênh lệch số liệu với báo cáo tự lập. Trong đó, 182 doanh nghiệp cải thiện được kết quả, và 313 doanh nghiệp chứng kiến kết quả tiêu cực hơn. Đáng chú ý, có đến 42 doanh nghiệp tăng lỗ, và 3 đơn vị chuyển lãi thành lỗ.

Những cái tên “đỉnh nóc kịch trần”

Top 10 doanh nghiệp tăng lãi mạnh nhất sau kiểm toán 2024

Hậu kiểm toán 2024, NHC (Gạch ngói Nhị Hiệp) dẫn đầu về mức tăng lợi nhuận. Dù chỉ tăng khoảng 500 triệu đồng nhưng so với trước kiểm toán, mức tăng lên tới hơn 1,000%. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty hạch toán nhầm bút toán điều chỉnh hợp nhất về khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, và được kiểm toán đề nghị điều chỉnh cho phù hợp.

Dù vậy, Hapaco (HOSE: HAP) mới là cái tên nổi bật nhất. Nằm trong nhóm các đơn vị tăng lãi bằng lần sau kiểm toán, Hapaco ghi nhận lãi ròng 102 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với báo cáo tự lập, chênh lệch tới 90 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, đơn vị kiểm toán đã đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Bệnh viện Quốc tế Green cũng như trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với một số khoản công nợ, qua đó kéo lợi nhuận tăng mạnh. Cũng nhờ vậy, bức tranh kinh doanh của Hapaco rực sáng, lãi ròng gấp gần 6 lần cùng kỳ.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, có 5 cái tên cũng ghi nhận mức tăng lãi bằng lần so với trước kiểm toán là SVG (529%), HEV (518%), FIR (173%), PLP (150%), và DTL (105%). Dù vậy, con số tăng thực tế không quá nhiều, cao nhất là PLP với mức chênh 5.3 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cải thiện mạnh nhất về giá trị sau kiểm toán 2024

Xét riêng về giá trị tăng thêm, một số doanh nghiệp dù tỷ lệ chênh lệch nhỏ nhưng thực tế được bổ sung tới hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Nổi bật nhất là Vietnam Airlines (HOSE: HVN) khi tăng lãi thêm 681 tỷ đồng (10%) so với trước kiểm toán, đạt gần 7.6 ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu nhờ điều chỉnh chi phí tài chính, do HVN hoàn thành thỏa thuận giảm trừ tiền lãi phải trả đối với một số đối tác; điều chỉnh giảm chi phí sửa chữa bảo dưỡng phân bổ cho đội tàu thuê được gia hạn thời gian trả tàu; và thay đổi dự tính các khoản mục chi phí khi nhận đủ hóa đơn và xác nhận công nợ.

Kế đến là Vinhomes (HOSE: VHM) chỉ tăng 1%, nhưng giá trị là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau kiểm toán đạt hơn 31.8 ngàn tỷ. Tương tự là Vingroup (HOSE: VIC) cũng tăng 168 tỷ đồng (1%), đạt lợi nhuận gần 12 ngàn tỷ đồng.

Trường hợp khác là SBB, giảm lỗ từ 513 tỷ còn 307 tỷ đồng, cải thiện 207 tỷ đồng.

Bốc hơi lợi nhuận

Chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận bốc hơi hậu kiểm toán. Trong đó, có những trường hợp chia hơn 2 lần lợi nhuận công bố trước đó.

Các doanh nghiệp giảm lãi mạnh sau kiểm toán 2024

Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) dẫn đầu nhóm giảm lãi về tỷ lệ. Doanh nghiệp đón nhận kết quả thấp kỷ lục 17 năm qua khi lãi ròng bốc hơi 73% hậu kiểm toán, còn 12 tỷ đồng. So với cùng kỳ, con số này giảm tới 86%.

Biến động chủ yếu do điều chỉnh tăng chi phí tài chính khi thay đổi cách hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của Dự án Unitex. Theo báo cáo chưa kiểm toán, khoản này được hạch toán vào tài sản chờ phân bổ trong 5 năm, nhưng kiểm toán tư vấn cần đưa vào chi phí tài chính theo quy định.

Cái tên đáng chú ý khác là Than Hà Tu (HNX: THT), giảm lãi tới 58% sau kiểm toán, còn hơn 22 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, việc quyết toán chi phí với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) khiến giá bán bình quân giảm, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại doanh thu và làm giảm lợi nhuận. So với cùng kỳ, Doanh nghiệp giảm lãi tới gần 70% (thay vì 26% như báo cáo tự lập).

Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) cũng chia 2 lần lợi nhuận hậu kiểm toán, còn 6.2 tỷ đồng, do ghi nhận chi phí vốn thực tế theo trị giá quyết toán đơn hàng. Ngoài ra, một số cái tên giảm lãi sâu có thể kể đến là E12, VID, ABC, PVY, đều giảm vượt mức 50%.

Lỗ chồng lỗ

Hậu kiểm toán, một số doanh nghiệp như bị cứa thêm vào vết thương rỉ máu khi chứng kiến khoản lỗ công bố gia tăng. Trong đó, LDG là trường hợp “lỗ chồng lỗ” nặng nhất.

Các doanh nghiệp “lỗ chồng lỗ” sau kiểm toán 2024

Sau kiểm toán, LDG lỗ 1.5 ngàn tỷ đồng, tức âm thêm 728 tỷ đồng so với  báo cáo tự lập. Thực tế, khoản lỗ trên báo cáo tự lập đã là mức kỷ lục của Doanh nghiệp kể từ 2017 tới nay.

Trong năm 2024, LDG ghi nhận doanh thu âm do hàng bán bị trả lại, trong khi các chi phí tăng mạnh. Không chỉ vậy, đơn vị kiểm toán thực hiện điều chỉnh trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi, đồng thời ghi nhận bổ sung giá vốn hàng bán từ 2012-2023 và hoàn nhập toàn bộ tài sản thuế thu nhập hoãn lại. BCTC của LDG cũng nhận ý kiến nhấn mạnh, liên quan đến các dự án, giá vốn, việc cựu Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố, vấn đề liên quan đến quyết định mở thủ tục phá sản, và khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Novaland (HOSE: NVL) xếp thứ 2 về giá trị tăng lỗ, âm thêm 43 tỷ đồng sau kiểm toán. Nhưng trên thực tế, sự biến động là không đáng kể, xét trên việc khoản lỗ 2024 của Doanh nghiệp là gần 6.5 ngàn tỷ đồng (sau kiểm toán). Đây là năm đầu tiên NVL báo lỗ, chủ yếu vì tăng chi phí, tiền phạt chậm nộp thuế hơn 1.6 ngàn tỷ đồng dẫn đến lỗ khác gần 1.9 ngàn tỷ đồng.

Nhìn chung, ngoài LDG, các doanh nghiệp còn lại có biến động không  đáng kể. Ví dụ như VNE lỗ thêm 36 tỷ đồng, tổng lỗ 255 tỷ; TDH lỗ thêm 17 tỷ đồng, tổng lỗ 305 tỷ; hay TMT lỗ thêm 10 tỷ đồng, tổng lỗ 325 tỷ…

Châu An

FILI

– 13:09 11/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/hau-kiem-toan-2024-doanh-nghiep-ke-dinh-noc-vuot-tran-nguoi-chiu-lo-chong-lo-737-1293633.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *