Nội địa hóa – bàn đạp giúp Hòa Phát dẫn đầu cuộc đua HRC
Trong khi chính sách thuế phòng vệ thương mại đang mở ra cơ hội tái lập trật tự cạnh tranh mới ở ngành thép, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được thời cơ ấy. Hòa Phát là một trong số ít tên tuổi tận dụng tốt cú hích từ thị trường nội địa để mở rộng vị thế, trong khi nhóm doanh nghiệp tôn mạ, vốn phụ thuộc sâu vào xuất khẩu lại đang bị đẩy lùi dưới áp lực thuế quan ngày một khắt khe.
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tổng sản lượng thép thành phẩm sau 5 tháng đạt hơn 13 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ.
Việc Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc đã vô tình trở thành tấm đệm nâng đà tăng trưởng cho Hòa Phát, một trong hai nhà sản xuất HRC nội địa cùng với Formosa Hà Tĩnh. Tận dụng thời điểm nhu cầu hồi phục và nguồn cung từ tổ hợp Dung Quất 2, Hòa Phát đã vươn lên chiếm lĩnh ngôi đầu thị phần HRC kể từ tháng 3/2025, vượt qua cả Formosa Hà Tĩnh, đối thủ vốn giữ thế thượng phong nhiều năm qua.
Không chỉ ở HRC, mảng thép xây dựng vốn là thế mạnh của Hòa Phát cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh về sản lượng nhờ làn sóng đầu tư công và hạ tầng lan rộng tại miền Bắc, miền Trung. Sau 5 tháng đầu năm, Hòa Phát tiêu thụ hơn 2,1 triệu tấn thép xây dựng, tương đương gần 40% thị phần, củng cố vững chắc vị thế số một toàn ngành.
Các dự báo từ khối phân tích cho thấy quý II/2025 sẽ tiếp tục là quý tăng tốc của tập đoàn này, với doanh thu có thể đạt 45.500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trên 4.000 tỷ – mức cao nhất kể từ đầu chu kỳ hồi phục năm 2023. Động lực chính đến từ giá bán ổn định, chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, và sản lượng tiêu thụ nội địa ngày càng lớn.
Xuất khẩu thu hẹp, tôn mạ quay về ‘sân nhà’ trong thế bị động
Trái ngược với đà tăng trưởng nhờ thị trường nội địa, nhóm doanh nghiệp chuyên về tôn mạ và ống thép đang rơi vào trạng thái bị động khi xuất khẩu, nguồn sống chủ lực bị bóp nghẹt bởi làn sóng phòng vệ thương mại lan rộng từ châu Âu, Mỹ đến Đông Nam Á.
Sau 5 tháng, sản lượng tôn mạ xuất khẩu toàn ngành giảm gần 40%. Riêng với Hòa Phát, mảng HRC xuất khẩu cũng giảm gần một nửa do tác động trực tiếp từ các biện pháp điều tra chống bán phá giá của EU.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp như Hoa Sen (HSG), Tôn Đông Á (GDA), Nam Kim (NKG) buộc phải dịch chuyển chiến lược, thu hẹp kênh xuất khẩu và tìm lại thị phần nội địa, nơi áp lực cạnh tranh chưa hề giảm sút.
Lợi nhuận của ba doanh nghiệp lớn trong nhóm tôn mạ đều ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt. HSG dù tăng nhẹ sản lượng nhưng lợi nhuận chỉ nhích 4%, đạt khoảng 285 tỷ đồng. Tôn Đông Á lùi sâu khi lợi nhuận ròng có thể giảm hơn 50%, trong khi Nam Kim chứng kiến mức giảm tới 59% so với cùng kỳ 2024.
Phòng vệ thương mại định hình lại ngành thép
Ngành thép Việt Nam năm 2025 đang bước vào một giai đoạn phân hóa nhanh và sâu. Những doanh nghiệp có thị trường nội địa đủ lớn, chủ động được chuỗi cung ứng và sản phẩm phù hợp với chính sách phòng vệ đang có cơ hội mở rộng quy mô, nâng biên lợi nhuận. Ở chiều ngược lại, các nhà xuất khẩu không chỉ chịu tổn thương từ thuế mà còn đối mặt với chi phí logistics và biến động tỷ giá.
Trong bức tranh đó, Hòa Phát nổi lên không chỉ vì sản lượng, mà còn vì chiến lược nội địa hóa, điều mà nhiều doanh nghiệp từng xuất khẩu mạnh nay đang nỗ lực quay lại. Tuy nhiên, với giá bán tôn mạ chưa hồi phục đáng kể và nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, việc tìm lại thế cân bằng sẽ không hề dễ dàng với nhóm doanh nghiệp tôn mạ.
Cú xoay trục thị trường năm 2025 vì thế có thể là điểm ngoặt lớn, đặt lại thế cờ cho toàn ngành thép trong giai đoạn hậu phòng vệ thương mại.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-chinh-thuc-vuot-qua-doi-trong-tai-mang-dang-chiu-suc-ep-phong-ve-thuong-mai-1390266.html