Việt Nam không nằm trong diện chịu thuế
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chiều ngày 8/7 cho biết đã tiếp nhận thông báo từ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva về việc Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với thép cuộn chống ăn mòn nhập khẩu vào Khối Liên minh Hải quan Nam Phi (SACU). Tuy nhiên, Việt Nam được loại khỏi danh sách các quốc gia chịu thuế nhờ đáp ứng điều kiện về thị phần nhập khẩu thấp.
Cụ thể, Nam Phi cho biết sẽ áp thuế tự vệ tạm thời ở mức 52,34% trong vòng 200 ngày đối với sản phẩm thép cuộn chống ăn mòn – được phân loại theo các mã HS 7210.61.20, 7210.61.30, 7225.92.25 và 7225.92.35.
Tuy nhiên, Việt Nam được miễn áp thuế do được xếp vào nhóm quốc gia đang phát triển có thị phần nhập khẩu vào SACU dưới 3%, phù hợp với quy định loại trừ theo cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước đó, vụ việc này đã được khởi xướng điều tra vào ngày 27/12/2024 nhưng bị hủy bỏ và khởi động lại vào ngày 17/1/2025. Thời gian điều tra kéo dài từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024.
Tăng trưởng nhập khẩu đột ngột, ngành sản xuất SACU lao đao
Theo kết luận sơ bộ của ITAC, khối lượng nhập khẩu thép chống ăn mòn vào SACU đã tăng đáng kể, với mức tăng 17,16% chỉ trong một năm (từ 2022 đến 2023). Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này vào khu vực.
Báo cáo cũng cho thấy ngành sản xuất nội địa tại SACU chịu tổn thất nghiêm trọng, khi hàng loạt chỉ số như sản lượng, doanh số, lợi nhuận, thị phần, mức sử dụng công suất và lao động đều suy giảm. Mặc dù nhiều yếu tố như nhu cầu suy yếu, chi phí đầu vào tăng hay hạ tầng logistics hạn chế có thể ảnh hưởng đến ngành, ITAC xác định nguyên nhân chính là do làn sóng nhập khẩu tăng đột biến.
Việc dư thừa công suất ở Trung Quốc, kết hợp với chính sách bảo hộ ở nhiều quốc gia khác, đã đẩy dòng thép xuất khẩu Trung Quốc tràn sang các thị trường có mức thuế thấp hơn như SACU – tạo ra sức ép lớn lên ngành sản xuất thép khu vực này.
Cơ hội mở rộng thị trường cho thép Việt
Việc được miễn trừ khỏi biện pháp tự vệ giúp doanh nghiệp Việt tiếp tục xuất khẩu sản phẩm thép chống ăn mòn sang Nam Phi mà không bị áp thuế cao – một lợi thế không nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn cần theo dõi sát diễn biến vụ việc cho đến khi ITAC đưa ra kết luận cuối cùng.
Hiện chưa có số liệu chính thức về lượng thép chống ăn mòn Việt Nam xuất sang Nam Phi, song động thái miễn thuế này mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt khai thác sâu hơn thị trường khu vực Nam Phi, đặc biệt là khi nhiều đối thủ như Trung Quốc đang bị áp thuế cao.
Thép chống ăn mòn, hay còn gọi là thép mạ là vật liệu được thiết kế đặc biệt để chống lại sự phá hủy bởi nước, không khí, hóa chất hoặc điện hóa. Đây có thể là thép không gỉ hoặc thép carbon được phủ lớp mạ bảo vệ.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực này gồm:
• Tôn Hòa Phát (thuộc Hòa Phát Group): Sản xuất đa dạng từ thép cuộn tẩy gỉ, cán nguội đến tôn mạ kẽm, mạ hợp kim và mạ màu, phục vụ xây dựng và cơ khí.
• Tập đoàn Hoa Sen: Dẫn đầu ngành tôn mạ, sản phẩm bao gồm tôn kẽm (GI), tôn lạnh (AZ) và tôn màu xuất khẩu sang nhiều quốc gia Đông Nam Á.
• Thép Nam Kim: Với công suất mạ gần 1 triệu tấn/năm, sản phẩm thép mạ của Nam Kim đã có mặt tại hơn 65 thị trường toàn cầu.
• Tôn Phương Nam (SSSC): Liên doanh giữa Sumitomo và FIW Steel, nổi bật trong phân khúc tôn mạ kẽm, tôn nhôm–kẽm và tôn màu chất lượng cao.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-thoat-thue-hon-52-tai-mot-quoc-gia-la-thi-truong-lon-cua-trung-quoc-1389986.html