Khởi nghiệp theo cách “lạ mà quen”, chàng trai Việt mang cả hương vị quê hương đến xứ người, thu trăm triệu sau 2 ngày

Từ một thực tập sinh cơ khí, Lê Tuấn Đạt – chàng trai quê Bắc Ninh đã từng bước khẳng định mình trên đất Nhật với mô hình “bánh mì di động”. Nhờ sự kiên trì, linh hoạt và lòng đam mê ẩm thực quê hương, anh đã xây dựng một thương hiệu ẩm thực Việt giữa vùng đất Hokkaido lạnh giá, đạt doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Mang ẩm thực Việt ra phố Nhật bằng một cách rất riêng

Năm 2008, Lê Tuấn Đạt sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh ngành cơ khí. Nhờ nỗ lực và thái độ làm việc nghiêm túc, anh được phía công ty chủ quản đánh giá cao và mời ở lại làm việc lâu dài. Sau đó, anh chuyển sang diện visa kỹ năng cao và định cư tại Hokkaido – quê hương của người bạn đời anh Đạt.

st.png
Tình yêu ẩm thực đã thôi thúc anh Lê Tuấn Đạt theo đuổi con đường trở thành đầu bếp

Dù làm việc trong ngành kỹ thuật, tình yêu với ẩm thực Việt luôn âm ỉ trong Đạt. Anh quyết định chuyển hướng, dành nhiều năm làm việc tại các nhà hàng để tìm hiểu khẩu vị và thói quen tiêu dùng của người Nhật.

Đến tháng 5/2022, khi Nhật Bản nới lỏng các hạn chế đi lại sau đại dịch COVID-19, anh chính thức hiện thực hóa giấc mơ mở quán ăn Việt Nam, nhưng theo cách rất riêng.

Hokkaido – vùng đất lạnh nhất Nhật Bản, dân cư thưa thớt, khiến việc mở quán ăn cố định không khả thi. Vì thế, Tuấn Đạt chọn cách tiếp cận mới: bán bánh mì trên xe tải di động, có thể linh hoạt di chuyển đến các khu dân cư, hội chợ và lễ hội để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Anh lựa chọn bánh mì vì đây là biểu tượng độc đáo của ẩm thực Việt Nam, kết tinh giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. “Người Nhật đa phần biết đến bánh mì Việt Nam và luôn muốn thử khi có cơ hội”, anh Đạt chia sẻ.

Ngoài bánh mì, xe của anh còn phục vụ thêm nhiều món truyền thống như nem cuốn, gỏi cuốn, bánh cuốn, thịt kho tàu… nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho thực khách.

Xác định khẩu vị người Nhật là yếu tố then chốt, anh Đạt dành thời gian về Việt Nam học hỏi các công thức làm bánh mì, pate và gia vị. Đồng thời, anh cũng nghiên cứu kỹ thị trường tại Nhật Bản, đặc biệt là Hokkaido.

Khi gia vị Nhật hòa vị ẩm thực Việt

Sau 2 năm thử nghiệm và điều chỉnh, anh đã tạo ra công thức nước sốt độc quyền cho bánh mì và các món ăn kèm. Đặc biệt, anh mạnh dạn kết hợp tương miso (loại gia vị truyền thống Nhật Bản) vào nước chấm gỏi cuốn, mang đến trải nghiệm vị giác mới lạ nhưng hài hòa cho người bản xứ.

bánh mì
Từ một thực tập sinh cơ khí, anh Lê Tuấn Đạt rẽ sang làm chủ quán “bánh mì di động” tại Nhật

Để quảng bá thương hiệu, anh Đạt thường xuyên tham gia các lễ hội và sự kiện địa phương. Anh còn mở rộng dịch vụ như đặt tiệc và phục vụ nấu ăn tại nhà. Đồng thời, anh luôn lắng nghe phản hồi từ khách hàng để cải thiện chất lượng sản phẩm, từ hương vị đến cách đóng gói.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Chính phủ Nhật Bản triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm giảm lãi suất vay xuống chỉ từ 1,25% – 3%, cũng như cung cấp các gói tài trợ (Hojokin) nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển tại các vùng nông thôn.

Nhờ lập kế hoạch bài bản và ưu tiên sử dụng nguyên liệu địa phương, anh Đạt đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình này, giúp anh mở rộng quy mô kinh doanh và quảng bá ẩm thực Việt một cách bền vững.

Chỉ sau gần 2 năm, mô hình “bánh mì di động” của anh đã mang lại kết quả tích cực. Có những tháng, doanh thu đạt đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt trong những dịp lễ hội, xe bánh mì của anh đạt có khi doanh thu lên tới 100 triệu đồng chỉ sau 2 ngày hoạt động.

Hiện tại, cửa hàng của anh đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu – khoảng 200 man yên (tương đương 380 triệu đồng) và đang phát triển. Anh Đạt chuẩn bị mở thêm tiệm phở và lẩu để phục vụ nhu cầu trong mùa đông – bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa thực đơn và tăng khả năng phục vụ theo mùa.

Khởi nghiệp nơi đất khách không dễ dàng, đặc biệt tại vùng nông thôn Nhật Bản – nơi được xem là “khó sống” đối với người nước ngoài. Tuy vậy, chính những thử thách ấy đã giúp Tuấn Đạt khẳng định được bản lĩnh và sáng tạo của người trẻ Việt.

Anh nhắn gửi đến những ai có ý định khởi nghiệp ẩm thực tại Nhật: “Đừng chỉ đến Nhật để kiếm tiền, mà hãy đến để học hỏi. Hãy thấu hiểu văn hóa, nắm bắt cơ hội và kiên trì theo đuổi đam mê của mình”.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/khoi-nghiep-theo-cach-la-ma-quen-chang-trai-viet-mang-ca-huong-vi-que-huong-den-xu-nguoi-thu-tram-trieu-sau-2-ngay-1389133.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *