Không chỉ là đích đến, nâng hạng được kỳ vọng mở cánh cửa lớn cho chứng khoán Việt Nam

Không chỉ là đích đến, nâng hạng được kỳ vọng mở cánh cửa lớn cho chứng khoán Việt Nam

Tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính – Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 23/07, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, nâng hạng thị trường không chỉ là đích đến mà mục tiêu là cải cách thị trường ngày càng minh bạch, ổn định, vận hành hiệu quả, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.

Các lãnh đạo cơ quan quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” diễn ra sáng 23/07

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ sự tự hào về kết quả 25 năm xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK), từ việc đi vận động doanh nghiệp cổ phần niêm yết trên thị trường đến nay có quy mô vốn hoá trên 60%, có lúc gần 75% GDP, con số gần 10 triệu tài khoản nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, hay việc vận hành hệ thống KRX…

Theo Thứ trưởng: “Chúng ta đã cùng nhau xây dựng và tích luỹ một lượng đáng kể về mọi mặt, để bàn với nhau đã đến lúc phát triển thị trường lên một tầm cao mới”.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại tọa đàm

Ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cho biết không khỏi ngỡ ngàng, khi từ chỗ chỉ có 2 – 3 doanh nghiệp niêm yết trong buổi đầu, đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp niêm yết sở hữu vốn hoá tỷ đô. Tuần vừa qua, thanh khoản của TTCK Việt Nam đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thậm chí vượt qua Thái Lan.

Nâng hạng thị trường mở ra cánh cửa lớn chứ không phải đích đến

Chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách trong thời gian qua, trong đó có nhiều cải cách mạnh mẽ cho TTCK. Cơ quan quản lý đã tháo gỡ nhiều rào cản, điểm nghẽn của thị trường. Theo Phó Chủ tịch UBCKNN, hiện các tiêu chí cứng để nâng hạng lên thị trường mới nổi đã đáp ứng được, trong khi các tiêu chí mềm còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh, thời gian qua, UBCKNN đã duy trì trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư… và nhận về thái độ tích cực, đánh giá cao khuôn khổ pháp lý và mức độ phát triển của TTCK Việt Nam.

Tín hiệu tích cực nữa là từ cuộc gặp FTSE Russell với Thủ tướng Chính phủ, UBCKNN đề cập nhiều lần về mong mỏi nâng hạng. Tuy nhiên, đây không phải là đích đến, mà mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính là cải cách thị trường để ngày càng minh bạch, ổn định, vận hành hiệu quả, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.

“Dù mục tiêu nâng hạng TTCK có đạt được trong tháng 9 tới hay không thì những cải cách vừa qua và quyết tâm cải cách tiếp theo sẽ khiến thị trường và các nhà đầu tư hưởng lợi” – ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ.

Ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Trần Anh Đào – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho rằng, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài tìm được bến đỗ và sẽ mang lại hiệu quả cho thị trường và nền kinh tế. Hệ thống KRX là nền tảng mà HOSE sẽ tận dụng khi nâng hạng thị trường, cùng với CCP cũng như những tiện ích khác của hệ thống để phục vụ tốt hơn cho thị trường.

Lãnh đạo HOSE cũng cho biết UBCKNN cùng Bộ Tài chính, các thành viên thị trường đang xây dựng nền tảng tiếp theo của thị trường, nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến thủ tục, gắn hoạt động IPO với niêm yết… Những điều này đáng mong chờ cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài các tiêu chí cứng về thời gian hoạt động, cổ đông, quản trị công ty, minh bạch, HOSE đang tập trung để khối doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoạt động, có mặt bằng so sánh với các thị trường trong khu vực, từ đó thu hút được dòng vốn nước ngoài.

Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE chia sẻ tại tọa đàm

Theo bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital, từ quyết tâm chính sách, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam đã được cả hệ thống chuyển hóa thành chiến lược, đường lối chặt chẽ, dựa trên ba trụ cột chính, gồm cải cách về thể chế; tính tiếp cận dễ dàng; chủ động trong việc trao đổi, kết nối với các tổ chức xếp hạng thị trường.

Với những quyết tâm như vậy, bà Minh tin tưởng việc nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell sẽ đạt được vào tháng 9 tới, thậm chí có thể đạt mục tiêu nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI trong vòng 18 – 24 tháng tiếp theo. Đặc biệt, TTCK đang có chất xúc tác quan trọng là nhiều doanh nghiệp lớn có kế hoạch IPO trong giai đoạn năm 2026 – 2027.

Như vậy, TTCK Việt Nam đang có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài là hết sức đáng kể.

Nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng là cánh cửa thu hút dòng vốn ngoại

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Trịnh Quỳnh Giao – Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ PVI (PVI AM) cho rằng, để thu hút dòng vốn ngoại, ngoài việc nâng hạng thị trường thì một yếu tố khác cũng rất quan trọng là nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Khi tăng tín nhiệm lên mức đầu tư, sẽ có hai tác dụng, thứ nhất là vốn vay của doanh nghiệp với nước ngoài sẽ thấp hơn và thứ hai là dòng vốn ngoại vào Việt Nam sẽ mang tính dài hạn hơn.

Với vốn nội, Tổng Giám đốc PVI AM bày tỏ quan điểm rằng không phải thu hút, mà là khơi thông. Thống kê cho thấy có 76 triệu tỷ đồng trong ngân hàng, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước khác, Việt Nam cũng đang đứng thứ hai thế giới về nắm giữ tài sản số, bên cạnh việc nắm giữ vàng… Có thể thấy, vốn trong dân rất nhiều.

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để khơi thông nguồn vốn này vào doanh nghiệp, các kênh đầu tư, bà Trịnh Quỳnh Giao cho rằng cần tăng cường giáo dục kiến thức tài chính cho người dân.

UBCKNN và các thành viên thị trường đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính cho nhà đầu tư, nhưng cần tích hợp hơn nữa vào chương trình giáo dục cho học sinh phổ thông. UBCKNN có thể quan tâm nhiều hơn và việc đào tạo cần triển khai trên đa dạng các kênh như online, talkshow…

Bà Trịnh Quỳnh Giao – Tổng Giám đốc PVI AM chia sẻ tại tọa đàm

Một vấn đề quan trọng nữa là kênh phân phối các sản phẩm đầu tư chưa có sự kết hợp toàn diện.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Phan Dũng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cũng đồng tình với việc yêu cầu về nâng hạng và tín nhiệm quốc gia vẫn luôn là yếu được đặt lên hàng đầu khi nhà đầu tư muốn tham gia vào TTCK Việt Nam.

Theo ông Dũng, cả dòng vốn nội và ngoài đều còn nhiều dư địa. Nói riêng về vốn nội, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư rất quan trọng, nhất là chính sách thuế.

Ở nhiều quốc gia, các chính sách thuế hướng tới dòng vốn dài hạn. Các nhà đầu tư dài hạn, đầu tư qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể được giảm thuế, thậm chí miễn thuế. Các quốc gia có hoạt động đầu tư đột phá chính là các quốc gia có chính sách thuế hướng tới đầu tư dài hạn. Đây là điểm cực kỳ quan trọng, nhất là khi Việt Nam đang ở thời điểm bổ sung các luật thuế.

Về dòng vốn ngoại, khi nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ không quá lớn trong giai đoạn đầu, khoảng 1 – 2 tỷ USD. Dòng vốn thông qua các quỹ đầu tư khoảng 5 – 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể. Ông Dũng cho rằng, để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin, thực hành ESG…

Ông Nguyễn Phan Dũng – Phó Tổng Giám đốc SSIAM chia sẻ tại tọa đàm

Huy Khải

FILI

– 18:00 23/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/khong-chi-la-dich-den-nang-hang-thi-truong-duoc-ky-vong-mo-canh-cua-lon-cho-chung-khoan-viet-nam-145-1331871.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *