Kinh tế trưởng VCBF: Đàm phán sẽ giúp Việt Nam được giảm thuế đối ứng

Kinh tế trưởng VCBF: Đàm phán sẽ giúp Việt Nam được giảm thuế đối ứng

Trước vấn đề thuế quan đang rất nóng gần đây, chia sẻ tại Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2025 các quỹ mở của VCBF, Kinh tế trưởng Nguyễn Hoàng Linh kỳ vọng Việt Nam sẽ được giảm thuế, bởi con số 46% gần như mang tính cấm vận không cần thiết.

Các vòng đàm phán sẽ giúp Việt Nam được giảm thuế

Ngày 02/04/2025 đánh dấu sự kiện Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan đối ứng với việc áp dụng mức 10% lên tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cung cấp thêm danh sách 57 quốc gia bị đánh thuế cao hơn từ 11 – 50% và Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu mức thuế rất cao 46%.

Hiện tại, Việt Nam đang tích cực đàm phán và Kinh tế trưởng VCBF kỳ vọng sẽ được giảm thuế, bởi con số 46% gần như mang tính cấm vận và rõ ràng Mỹ không cần thiết phải làm như vậy.

Kinh tế trưởng Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ tại đại hội

Lý giải cho hành động đánh thuế của Chính quyền Donald Trump, ông Linh đưa ra 4 nguyên nhân, bao gồm giải quyết tình trạng bất cân xứng về thương mại; tạo nguồn thu cho Chính phủ để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách và tài trợ cho chương trình cắt giảm thuế thu nhập nội địa; khôi phục nền tảng sản xuất nội địa, từ đó giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, đặc biệt ở các ngành trọng yếu như luyện kim, cơ khí chế tạo, dược phẩm, điện tử và bán dẫn; duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới trong dài hạn.

Theo ông Linh, thuế quan đối ứng sẽ gây ra các rủi ro ngắn hạn gồm rối loạn chuỗi logistics, xuất khẩu sụt giảm từ nửa sau năm 2025 và dòng vốn đầu tư bị đình trệ. Về dài hạn, thương mại toàn cầu có thể suy yếu, thị trường lao động khó khăn, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam thực tế cũng có một số điểm sáng. Các cơ hội có thể kể đến như Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu cho chiến lược Trung Quốc +1; tăng cường mở rộng sang các thị trường khác, tận dụng 17 FTA đã ký kết; tạo động lực cải tiến quy trình, đầu tư công nghệ để tăng năng suất và tối ưu chi phí; nhiều dư địa cho chính sách tài khóa nhờ tỷ lệ nợ công thấp.

Kinh tế Mỹ khả năng chưa rơi vào suy thoái sau quý 2

Tại đại hội, trước câu hỏi của nhà đầu tư về cơ hội “xuống tiền” trong kịch bản nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kỹ thuật. Theo Kinh tế trưởng VCBF, định nghĩa về suy thoái kỹ thuật là GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, và thực tế với GDP quý 1 giảm 0.3% đã dẫn đến lo ngại rằng một kịch bản xấu sẽ xảy ra nếu quý 2 tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, ông Linh nhấn mạnh khả năng rất cao trong khoảng vài tuần tới – con số giảm 0.3% sẽ được điều chỉnh tăng. Với mỗi kỳ công bố GDP, Mỹ sẽ công bố ba lần và đây là lần ước tính đầu tiên với phần chi tiêu thường bị tính thiếu.

Về lý do GDP Mỹ giảm 0.3%, ông Linh cho biết do nhu cầu nhập khẩu để tránh thuế quan tăng lên đột biến, nhưng vấn đề là khi nhìn vào công thức tính GDP thì nhập khẩu tăng thì chi tiêu của doanh nghiệp sẽ tăng tương ứng, phản ánh ở hàng tồn kho, tuy nhiên do thời gian ngắn dẫn đến thống kê chưa đầy đủ.

Ông Linh cũng nhắc lại diễn biến trong năm 2022, khi Mỹ đã từng rơi vào suy thoái kỹ thuật, với GDP quý 1 và quý 2 đều tăng trưởng âm, nhưng sau đó GDP quý 2 được điều chỉnh tăng trở lại.

Nhưng bất chấp chuyện được điều chỉnh tăng, phải nhìn nhận rằng tiêu dùng của Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại tương đối nhiều. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% kim ngạch, rõ ràng chưa cần bàn tới câu chuyện về tác động của thuế quan thì việc Mỹ giảm tiêu thụ chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Mỹ chỉ chiếm 14% tổng nhập khẩu của thế giới, còn lại có đến 86% dư địa chúng ta cần phải khai thác, đặc biệt là thị trường châu Âu. Tuy nhiên, đặc điểm của thị trường châu Âu là những tiêu chuẩn về kỹ thuật rất cao, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những biện pháp đáp ứng tiêu chuẩn về ESG, môi trường lao động.

Chia sẻ về khả năng suy thoái của Mỹ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng không thể nào biết được Mỹ có rơi vào suy thoái hay không. Như JPMorgan từng dự báo xác suất Mỹ suy thoái khoảng 80%, nhưng gần đây xác suất giảm xuống chỉ còn 60%, hay một số ngân hàng khác ví dụ UBS không dự báo về nguy cơ suy thoái.

Rõ ràng việc đánh giá về khả năng đó rất khó và không nên đầu tư dựa vào các dự đoán thị trường, thay vào đó việc có thể làm là lựa chọn công ty.

Theo Tổng Giám đốc VCBF, điều kiện thị trường hiện tại là cơ hội tăng tỷ trọng phân bổ vào cổ phiếu và sẽ phân bổ thêm trong trường hợp thị trường tiếp tục giảm. Đối với những ai đã có tỷ lệ cổ phiếu cao đáp ứng khẩu vị rủi ro, thì không nên đầu tư tiếp mà hãy chờ đợi thời điểm tốt hơn để tăng tỷ trọng. Một phương pháp đầu tư hữu ích khác cũng được Tổng Giám đốc VCBF nhắc đến là đầu tư định kỳ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hằng Nga trả lời nhà đầu tư tại đại hội

* Đại hội nhà đầu tư VCBF: Đã có phương án trước bất định của thị trường, chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư nước ngoài

Huy Khải

FILI

– 11:55 10/05/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/kinh-te-truong-vcbf-dam-phan-se-giup-viet-nam-duoc-giam-thue-doi-ung-145-1307310.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *