Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Công ty CP Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (SCID, UPCoM: SID) tổ chức ngày 16/5, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có những chia sẻ đáng chú ý liên quan đến vụ tranh chấp pháp lý với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) tại dự án An Phú.
Về tiến độ triển khai dự án, Tổng Giám đốc SCID – ông Phạm Trung Kiên – khẳng định rằng rủi ro bị thu hồi là không có, do đây là dự án do chính SCID trực tiếp thực hiện đền bù, giải tỏa. Nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ được ông Kiên lý giải là do các vướng mắc pháp lý phổ biến hiện nay tại TP.HCM, bao gồm quy trình thủ tục và các quy định của Nhà nước.
Một trong những khó khăn trước mắt là việc hoàn tất nghĩa vụ đóng góp hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, do đơn vị liên quan là Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nên SCID chưa thể xác định được khoản đóng góp cụ thể. Ngoài ra, mặc dù dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhưng quy hoạch phân khu 1/2000 của TP.HCM chưa được phê duyệt, dẫn đến việc thiếu cơ sở để thống nhất phương án triển khai tiếp theo.
Đề cập đến tranh chấp hợp tác đầu tư với Novaland, ông Kiên cho biết, hợp đồng hợp tác giữa hai bên được ký kết từ năm 2020 – thời điểm còn áp dụng khung pháp lý cũ. Do vậy, SCID đã chủ động đề xuất chấm dứt hợp đồng cũ để đàm phán một thỏa thuận mới, phù hợp với các quy định hiện hành. Dù đã thuyết phục đối tác nhưng phía Novaland không đồng thuận và quyết định khởi kiện SCID, với mong muốn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng cũ đã ký.
Phán quyết ban đầu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) không nghiêng về phía SCID. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã tiến hành các bước pháp lý tiếp theo bằng cách gửi đơn yêu cầu hủy bỏ phán quyết của VIAC lên Tòa án nhân dân TP.HCM – Tòa Kinh tế. Tòa đã chính thức thụ lý vụ việc vào ngày 14/5 vừa qua.
Ông Kiên khẳng định lập trường của SCID là giữ vững vai trò chủ đầu tư tại dự án An Phú, đồng thời nhấn mạnh mọi quan hệ hợp tác – dù với Novaland hay bất kỳ đơn vị nào – đều phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành. Dù dự án có thể mất thêm thời gian do liên quan đến yếu tố pháp lý phức tạp, SCID khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng.
Về phía Novaland, tập đoàn này cho biết ngày 11/03/2025, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phán quyết đối với vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Novaland và công ty con Công ty TNHH Nova An Phú, còn bị đơn là SCID.
VIAC chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Novaland và Nova An Phú, buộc SCID phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng hợp tác phát triển dự án được ký vào tháng 12/2016 giữa Novaland, Nova An Phú và SCID.
Trong trường hợp SCID không thực hiện đúng nghĩa vụ, bên nguyên đơn có quyền trực tiếp thực hiện các thủ tục cần thiết với cơ quan có thẩm quyền để cơ quan Nhà nước ban hành quyết định giao đất đối với khu đất hợp tác, đảm bảo quyền lợi của các nguyên đơn.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, một chuyên gia tài chính cho biết, tranh chấp giữa SCID và Novaland có thể coi là một ví dụ điển hình cho những bất đồng hợp tác giữa các chủ đầu tư trong bối cảnh pháp lý đất đai còn phức tạp và thay đổi nhanh chóng.
Việc SCID chọn con đường phản tố, trong khi Novaland quyết giữ quyền theo hợp đồng cũ, cho thấy xung đột này không đơn thuần chỉ là vấn đề thủ tục, mà còn phản ánh cách tiếp cận và kỳ vọng chiến lược khác biệt của hai bên.
Với tình hình hiện tại, dự án An Phú nhiều khả năng sẽ tiếp tục “nằm chờ” trong khi phán quyết cuối cùng từ tòa án chưa được đưa ra. Nhà đầu tư và thị trường sẽ cần thêm thời gian để biết được đâu là bên đủ kiên nhẫn và pháp lý để theo đuổi tới cùng dự án nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít rủi ro này.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/lai-nong-vu-tranh-chap-tuong-chung-da-co-hoi-ket-giua-novaland-va-scid-1379114.html