Sau quý đầu năm hồi phục mạnh, tình hình kinh doanh của nhóm các CTCK trong quý 2/2025 tiếp tục khởi sắc. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ, bứt phá về cả điểm số và thanh khoản bình quân cũng tăng vọt.
Thống kê từ BCTC 80 công ty chứng khoán, quý 2 vừa qua, tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của nhóm CTCK đạt khoảng 10.030 tỷ đồng, tương đương tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng hơn 30% so với quý 1 liền trước. Đây là mức lãi lớn nhất ngành chứng khoán từng ghi nhận, vượt cả mức đỉnh lợi nhuận thiết lập hồi quý 4/2021 (~9.900 tỷ đồng).
Trong bức tranh tổng thể này, TCBS (Chứng khoán Techcombank) tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu toàn ngành khi ghi nhận 1.733 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 2, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS đạt 3.043 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 17% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Cái tên gây chú ý nhất quý này là Chứng khoán VIX khi bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai toàn ngành về lợi nhuận. VIX báo lãi 1.603 tỷ đồng, tăng đột biến tới 935% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, công ty thu về 2.068 tỷ đồng lợi nhuận, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Sự bứt phá này chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh hiệu quả trong bối cảnh thị trường hồi phục, đồng thời mở rộng dư nợ margin trong quý.
SSI tiếp tục cho thấy phong độ ổn định với 1.144 tỷ đồng lợi nhuận quý 2, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng cộng 6 tháng đầu năm, SSI lãi 2.161 tỷ đồng, tăng 11%.
Tổng cộng mức lãi của 3 công ty dẫn đầu chiếm tới 45% lợi nhuận toàn ngành.
Một số công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng như VPS với 878 tỷ đồng trong quý 2 (tăng 34% so với cùng kỳ), VPBankS lãi trước thuế 549 tỷ đồng (tăng 73%).
Đặc biệt, một số CTCK vừa và nhỏ đã có cú bứt phá ngoạn mục về tăng trưởng lợi nhuận. Điển hình là Chứng khoán LPBank ( LPBS ) khi ghi nhận 262 tỷ đồng lợi nhuận quý 2, tăng tới 1.451% so với cùng kỳ, qua đó nâng mức lãi lũy kế 6 tháng lên con số 309 tỷ đồng, tăng 1.800%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành trong kỳ này. Cùng với đó, Chứng khoán Vietinbank (CTS) cũng báo lãi quý 2 gấp gần 9 lần cùng kỳ năm trước, đạt 217 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận toàn ngành cũng xuất hiện mảng xám khi hàng chục công ty tiếp tục báo lỗ trong quý 2/2025. Đáng chú ý nhất là Chứng khoán Tiên Phong (ORS) với khoản lỗ lên tới 102 tỷ đồng – mức lỗ lớn nhất toàn ngành, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty này vẫn lãi 126 tỷ đồng.
Chứng khoán BOS cũng tiếp tục chuỗi lỗ khi báo lỗ 38 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, tương tự Chứng khoán Trí Việt lỗ 27 tỷ đồng trong quý 2. Đặc biệt, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC ) bất ngờ ghi nhận lỗ 13 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với mức lãi 147 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung, có 61 công ty chứng khoán báo lãi trong quý 2/2025, trong khi 19 công ty báo lỗ. Sự phân hóa rõ rệt này đến từ năng lực quản trị danh mục đầu tư, chiến lược mở rộng margin cũng như khả năng nắm bắt cơ hội từ thị trường. Các công ty có nền tảng công nghệ, nguồn vốn dồi dào hoặc thừa hưởng hệ sinh thái hỗ trợ từ ngân hàng mẹ đang chiếm ưu thế, trong khi các CTCK quy mô nhỏ, hoạt động đơn lẻ, ít năng lực cạnh tranh đang ngày càng bị đào thải.
Không chỉ lợi nhuận, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán cũng đạt mức cao kỷ lục trong quý 2 vừa qua, ước tính vào khoảng 300.000 tỷ đồng (~11,5 tỷ USD), tăng 20.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 292.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ so với cuối quý 1 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Triển vọng thị trường chứng khoán tích cực trong những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kinh doanh của nhóm các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh VN-Index tiến lên phá đỉnh, thanh khoản cải thiện quanh ngưỡng tỷ USD và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, hoạt động tự doanh thuận lợi hơn, nguồn thu từ môi giới hay lãi vay margin cũng dồi dào hơn.
Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng tạo đà tăng trưởng cho nhóm các CTCK. Trong báo cáo gần đây, VNDirect kỳ vọng FTSE công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ review tháng 9, theo đó nhóm hưởng lợi trực tiếp là ngành chứng khoán và một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, biên lợi nhuận từ mảng môi giới đang giảm dần, đòi hỏi các CTCK phải chuyển dịch sang mô hình kinh doanh đa năng hơn, tích hợp các dịch vụ đầu tư, tư vấn và quản trị tài sản mới có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Nguồn: https://cafef.vn/lan-dau-tien-tong-loi-nhuan-nganh-chung-khoan-vuot-10000-ty-trong-mot-quy-3-cong-ty-chiem-toi-45-lai-xuat-hien-muc-tang-truong-tren-1400-188250723231337187.chn