Ngày 14/5/2025, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed – một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup chính thức gửi đề xuất đầu tư vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Theo đề xuất, VinSpeed cam kết thu xếp 20% tổng vốn đầu tư (khoảng 312,33 nghìn tỷ đồng) từ nguồn lực tự có và vay thương mại. Phần vốn còn lại, chiếm 80%, công ty đề xuất được vay từ nguồn vốn Nhà nước không tính lãi suất trong thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Ngay sau khi thông tin được công bố, dư luận không khỏi xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều. Một trong những nghi vấn nổi bật là liệu đằng sau đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao có phải là chiến lược “gom đất vàng” tại các vị trí quanh nhà ga hay không.
VinSpeed phản bác nghi vấn “gom đất”
Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, bà Đào Thụy Vân – Phó Tổng Giám đốc VinSpeed – bác bỏ hoàn toàn các nghi ngờ này. Theo bà Vân, nếu mục tiêu chỉ là gom đất, VinSpeed đã không lựa chọn tham gia một dự án có rủi ro tài chính và thời gian hoàn vốn kéo dài hàng thập kỷ.
“Ngay hai địa điểm có giá trị cao nhất là Hà Nội và TP.HCM đều không còn dư địa để phát triển bất động sản quanh nhà ga. Các khu vực còn lại nằm ở vùng ven, thậm chí là đất nông nghiệp, ít giá trị sử dụng. Chúng tôi đi đầu tư hạ tầng là đi ‘khai hoang’, không phải thu gom đất vàng như một số người lầm tưởng”, bà Vân nói.
Bà cũng khẳng định, việc VinSpeed đề xuất phát triển khu đô thị quanh các nhà ga là một phần trong giải pháp tạo nguồn thu để hoàn vốn, đồng thời công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất một cách công khai và đầy đủ như mọi nhà đầu tư khác.
Mô hình tham chiếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc
VinSpeed cho biết, chiến lược phát triển đô thị gắn với hạ tầng đường sắt được tham khảo từ kinh nghiệm các quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại đây, khai thác quỹ đất quanh tuyến đường sắt là một phần không thể thiếu để đảm bảo vận hành hiệu quả và tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Theo tài liệu đề xuất, VinSpeed không xin hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Thay vào đó, doanh nghiệp cam kết đứng ra huy động gần 50 tỷ USD từ nguồn vốn quốc tế cho các hạng mục đầu tư liên quan đến tuyến đường sắt.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông – cho rằng: “Nếu doanh nghiệp tư nhân dám chịu trách nhiệm tài chính, trả tiền đất minh bạch và thực hiện đúng cam kết, thì việc phát triển đô thị quanh nhà ga là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề không phải là gom đất, mà là khai thác hạ tầng hiệu quả”.
Đường sắt cao tốc: Cơ hội cho cả quốc gia
Thực tế cho thấy, phần lớn tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp, nhiều vùng đất nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả. Việc phát triển đô thị vệ tinh quanh các nhà ga có thể mở ra chuỗi giá trị mới, từ bất động sản công nghiệp, logistics cho đến du lịch và thương mại dịch vụ.
Với định hướng rõ ràng, VinSpeed không giấu tham vọng biến những vùng đất hiện hữu thành các cực tăng trưởng mới, góp phần vào quá trình đô thị hóa và phân bố lại dòng vốn đầu tư. Đây cũng là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước châu Á trong bối cảnh hạ tầng giao thông giữ vai trò “kiềng ba chân” cho phát triển vùng.
Tuy nhiên, dự án cũng không thiếu thách thức. Với quy mô vốn khổng lồ và thời gian hoàn vốn dự kiến lên tới 35 năm, dự án này sẽ là bài kiểm tra thực sự về năng lực quản trị, dòng tiền và tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh các dự án hạ tầng trước đây thường gắn liền với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ là một “liều thuốc thử” cho sự chuyển đổi mô hình đầu tư công – tư tại Việt Nam.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/lanh-dao-vinspeed-khang-dinh-khong-gom-dat-vang-khi-lam-duong-sat-cao-toc-bac-nam-1378821.html