Loạt cổ phiếu trụ điều chỉnh, VN-Index gác lại chuỗi tăng

Sau những phiên giao dịch tích cực, thị trường đã có dấu hiệu chững lại trong ngày 22/5 khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. VN-Index đóng cửa giảm 9,21 điểm (-0,70%) về 1.313,84 điểm, dù trong phiên từng xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật.

Thanh khoản vẫn giữ ở mức cao với hơn 1,15 tỷ cổ phiếu khớp lệnh trên HOSE, tương ứng giá trị giao dịch 26.405 tỷ đồng. Tuy nhiên, lực cầu này không đủ mạnh để giữ vững đà tăng, cho thấy dòng tiền tuy không rút ra nhưng cũng đang dò xét thị trường trong trạng thái giằng co.

vn.jpg
Diễn biến các chỉ số phiên 22/5

Tương tự, chỉ số VN30 cũng giảm 9,80 điểm (-0,69%), xuống 1.409,56 điểm, với thanh khoản xấp xỉ 11.700 tỷ đồng, cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn tập trung mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tâm điểm của phiên vẫn là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số. Ở chiều tích cực, HVN tiếp tục tăng mạnh 6,04% lên 38.650 đồng/cp, đóng góp 1,21 điểm cho VN-Index. VHM cũng tăng 1,19%, hỗ trợ thêm 0,78 điểm. Một số mã như GAS, EIB, POW duy trì sắc xanh, đóng vai trò giữ nhịp thị trường.

Tuy nhiên, các nỗ lực này không thể bù đắp cho áp lực bán mạnh đến từ những mã trụ khác: VPL giảm sâu 6,12%, lấy đi 2,36 điểm khỏi chỉ số. VIC, CTG, TCB, MBB lần lượt điều chỉnh, đẩy VN-Index chìm sâu hơn về cuối phiên.

Áp lực điều chỉnh lan rộng, điểm sáng le lói từ điện và tài chính

Giữa bối cảnh thị trường lình xình, nhóm điện, nước và xăng dầu khí đốt nổi lên như điểm sáng rõ nét nhất khi dẫn đầu mức tăng toàn thị trường với +1,17%. Các cổ phiếu như DNH (+15%), BGE (+13,04%), PEG (+5%) và đặc biệt là POW (+3,42%) – một trong những mã giao dịch sôi động nhất phiên đã thu hút mạnh dòng tiền.

nn.jpg
Nhóm cổ phiếu điện và chứng khoán là điểm sáng hôm nay

Trái ngược với ngành năng lượng, ngành du lịch và giải trí lại lao dốc tới -2,03%, chịu ảnh hưởng từ loạt mã lớn giảm sâu như VPL (-6,12%), BSG (-5,59%), VJC (-1,25%). Mặc dù HVN (+6,04%) tiếp tục gây bất ngờ tích cực và góp phần giữ nhịp cho chỉ số chung, nhưng đà tăng đơn lẻ của mã này không đủ xoa dịu lo ngại về triển vọng ngành.

Tiếp đến là nhóm tài nguyên cơ bản, nơi áp lực chốt lời hiện diện rõ ràng với mức giảm -1,43%. Sau một chuỗi tăng ấn tượng trước đó, các cổ phiếu như MTA (-11,22%), HGM (-7,1%), MSR (-3,91%), KSB (-3,02%) đều quay đầu giảm mạnh.

Diễn biến tiêu cực tiếp tục kéo dài tại nhóm hóa chất, với mức giảm -0,72% trong phiên. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá đầu ra ngành phân bón và cao su có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo các mã như HRC (-6,06%), DPR (-1,6%), GVR giảm điểm. Trong khi đó, các cổ phiếu đầu ngành như DCM, LAS dù giữ được sắc xanh nhưng không đủ sức kéo toàn ngành vượt khỏi xu hướng điều chỉnh.

Ngành ngân hàng ghi nhận mức giảm -0,78%, với sắc đỏ bao phủ toàn bộ rổ cổ phiếu trụ. Các mã như CTG, TCB, MBB, STB, MSB đồng loạt điều chỉnh từ 1–2%, phản ánh lo ngại về triển vọng lợi nhuận khi biên lãi ròng bị thu hẹp trong môi trường lãi suất thấp kéo dài.

Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận chuyển động dòng tiền thông minh, khi một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa vừa và nhỏ như EIB (+4,2%), KLB (+4,62%), PGB (+2,94%) hút dòng tiền rõ rệt – cho thấy nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội trong các mã còn dư địa tăng trưởng.

Ngành bất động sản giảm nhẹ -0,43%, nhưng không diễn ra trên diện rộng. Các mã lớn như VHM (+1,19%), PRT (+4,3%) vẫn duy trì đà hồi phục, giúp phần nào giữ nhịp thị trường. Tuy nhiên, phần lớn nhóm mid-cap và small-cap như D2D, LSG, NBB lại quay đầu giảm sâu, cho thấy sự phân hóa rõ nét và rủi ro đối với các mã yếu về dòng tiền hoặc chưa có kế hoạch triển khai dự án rõ ràng.

Dịch vụ tài chính – giữ được sắc xanh nhưng thiếu sức lan tỏa
Trong số ít nhóm ngành giữ được sắc xanh, dịch vụ tài chính tăng nhẹ +0,12% nhờ sự dẫn dắt của các mã đầu cơ như EVF (+6,74%), TIN (+4,01%), VFS (+4,58%), VND (+1,62%). Tuy nhiên, phần còn lại của ngành – gồm các mã lớn như VCI, TVC, TVB vẫn chịu áp lực chốt lời.

Nhóm công nghệ thông tin cũng ghi nhận mức giảm đáng kể -1,29%, trong đó FPT (-1,27%) – cổ phiếu đầu ngành – là nhân tố kéo cả nhóm đi xuống. Các mã nhỏ như CMG, SAM, SGT tiếp tục suy yếu. Dù ELC tăng nhẹ +1,14%, nhưng không đủ cứu vãn xu hướng chung của nhóm ngành này trong phiên.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/loat-co-phieu-tru-dieu-chinh-vn-index-gac-lai-chuoi-tang-1380133.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *