Trong giai đoạn từ giữa năm 2024 đến quý 1/2025, MB đã vươn lên dẫn đầu toàn ngành ngân hàng về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Đồng thời khái niệm Big 5 cũng được thay thế khi MB từng bước chinh phục, vươn lên nhóm dẫn đầu.
Duy trì tỷ lệ CASA cao nhất toàn ngành
Theo dữ liệu tổng hợp từ 27 ngân hàng niêm yết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) ghi nhận tỷ lệ CASA đạt 37,21% vào cuối quý 2/2024 – cao nhất trong toàn hệ thống tại thời điểm đó. Từ mốc này, ngân hàng duy trì vị trí số một trong ba quý liên tiếp, lần lượt đạt 35,66% vào ngày 30/9/2024, 38,03% vào cuối năm và 34,82% tính đến ngày 31/3/2025. Dù tỷ lệ này giảm nhẹ so với quý trước, MB vẫn giữ ngôi đầu toàn ngành.
Techcombank đuổi sát nút phía sau, với tỷ lệ CASA đạt 35,1%. Vietcombank xếp vị trí thứ ba, với tỷ lệ CASA đạt 34,3%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái. Ba ngân hàng này đang duy trì khoảng cách đáng kể với phần còn lại về tỷ lệ CASA, nhờ lợi thế về hệ sinh thái tài chính toàn diện, khách hàng doanh nghiệp lớn, nền tảng số hóa mạnh mẽ và năng lực quản trị dòng tiền hiệu quả.
MB ghi nhận tỷ lệ CASA đạt 37,21% vào cuối quý 2/2024 – cao nhất trong toàn hệ thống tại thời điểm đó.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA lần lượt là MSB, VietinBank, ACB, TPBank, BIDV, Sacombank và OCB. Top 10 CASA toàn ngành ngân hàng có sự xuất hiện của OCB (từ vị trí thứ 12 lên vị trí thứ 10) sau khi ghi nhận mức tăng 0,9 điểm phần trăm so với đầu năm nay. Ngược lại, SeABank đã tụt khỏi Top 10 do ghi nhận tỷ lệ CASA đi xuống 8,8 điểm phần trăm trong quý 1/2025. Tính đến 31/3/2025, số dư tiền gửi khách hàng tại nhà băng này giảm gần 5% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ CASA giảm xuống 10,4% (từ mức 19,2% hồi đầu năm).
Các ngân hàng khác cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ CASA, như LPBank giảm 2,9 điểm phần trăm, HDBank giảm 2,2 điểm phần trăm, PGBank giảm 2,1 điểm phần trăm, MSB giảm 2 điểm phần trăm.
Trong nhóm thống kê, có đến 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA dưới 10%; trong đó, Bac A Bank có tỷ lệ CASA thấp nhất, ở mức 2,8%. Các vị trí kế trên là VietABank (4,3%), VietBank (5,4%), Nam A Bank (5,7%), BVBank (6,2%), KienlongBank và Saigonbank (6,7%), SHB (7%), NCB (8,4%), HDBank (9,7%)…
Hiện tượng CASA giảm trong quý 1/2025 không hoàn toàn bất ngờ đối với giới phân tích tài chính. Theo các chuyên gia, đây là diễn biến mang tính mùa vụ, thường xảy ra sau Tết Nguyên đán, khi nhu cầu rút tiền mặt tăng cao để phục vụ chi tiêu cá nhân, thanh toán lương thưởng và các khoản chi cuối năm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự sụt giảm CASA đặt ra một thách thức lớn cho các ngân hàng: nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn ngày càng thu hẹp, buộc các nhà băng phải chuyển sang huy động vốn từ tiền gửi có kỳ hạn hoặc đi vay với lãi suất cao hơn. Điều này trực tiếp đẩy chi phí vốn (COF) của các ngân hàng tăng và tạo áp lực lên biên lợi nhuận.
Về giá trị tuyệt đối, tiền gửi không kỳ hạn của MB tại ngày 31/3/2025 đạt 251.624 tỷ đồng – đứng thứ tư toàn ngành và chiếm hơn 1/3 tổng tiền gửi khách hàng của ngân hàng này. Dù giảm 7% so với cuối năm 2024 (271.580 tỷ đồng), quy mô vốn rẻ của MB vẫn vượt trội so với nhiều ngân hàng tư nhân khác.
Xu hướng giảm CASA trong quý đầu năm 2025 ghi nhận ở nhiều ngân hàng, phản ánh sự dịch chuyển tạm thời của dòng tiền trong bối cảnh lãi suất có kỳ hạn được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức giảm của MB vẫn ở mức kiểm soát, thấp hơn so với một số ngân hàng khác như TPBank (-13%) hay SeABank (-50%).
Điều này cho thấy nền tảng khách hàng ổn định và năng lực duy trì dòng vốn chi phí thấp tại MB tiếp tục được củng cố, giúp ngân hàng bảo vệ biên lợi nhuận trong bối cảnh áp lực cạnh tranh huy động vốn ngày càng gia tăng.
Vươn lên top Big 5 ngành ngân hàng
Trước nay khái niệm Big 4 ngành ngân hàng – từng là chuẩn mực chỉ nhóm bốn ngân hàng lớn nhất Việt Nam gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank, nhưng đang dần được thay thế bằng một khái niệm mới: Big 5 khi MB chính thức vươn lên nhóm dẫn đầu.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết, năm 2024, MB tiếp tục bám sát mục tiêu chiến lược, kiên định trở thành “Doanh nghiệp số, Tập đoàn tài chính dẫn đầu”. Ngân hàng hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra với những kết quả nổi bật khi trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ngoài các ngân hàng quốc doanh có quy mô tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng; giữ vững vị thế tốp 3 ngân hàng hiệu quả nhất với các chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận trên tài sản), NIM (tỷ suất lợi nhuận ròng) duy trì cao, CIR (chi phí trên thu nhập) dưới 30%; lợi nhuận trước thuế đạt 28.829 tỷ đồng, tiếp tục đưa MB vào nhóm ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống. Dư nợ tín dụng đạt hơn 811.000 tỷ đồng (tăng 24,5%), với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,6% đối với tập đoàn, dưới 1,4% đối với riêng ngân hàng.
Nhờ tập trung phát triển năng lực công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ, năm qua MB ghi nhận số lượng giao dịch kênh số đạt 6,2 tỷ giao dịch, lớn nhất trên thị trường, tăng 1,6 lần so với năm 2023, tỷ lệ giao dịch thành công đạt 99,97% với tính năng bảo mật cao. MB thu hút thêm 4,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng MB phục vụ đến hết năm 2024 lên 30,2 triệu người, cho thấy niềm tin vững chắc của khách hàng vào MB.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB phát biểu về chương trình hoạt động trọng tâm năm 2025.
Phát biểu về chương trình hoạt động trọng tâm năm nay, ông Phạm Như Ánh cho biết thêm, ngân hàng sẽ bám sát theo phương châm “Tăng tốc – Thực chất – Hiệu quả” với mục tiêu đến cuối năm 2025, MB sẽ phục vụ khoảng 35 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029, duy trì vị thế trong nhóm Big 5 ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng cũng sẽ tối ưu chi phí vốn, tiếp tục giữ vững vị thế tốp đầu về tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) trong toàn hệ thống. Phía lãnh đạo MB cũng cho biết thêm, một trong những vấn đề quan trọng trong năm nay là phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB.
Trong năm 2025, ngân hàng sử dụng gần 21,6 nghìn tỷ đồng chi trả cổ tức, với tổng tỷ lệ lên đến 35% thông qua hai hình thức: 32% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt. Đồng thời, phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng, phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua. Nếu hoàn thành việc tăng vốn, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Với loạt kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, từ quy mô tài sản, hiệu quả sinh lời đến năng lực chuyển đổi số, MB đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với nhóm Big 3 (không tính Agribank) và khẳng định vị thế vững chắc trong nhóm ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam.
Ngọc Diễm (t/h)
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/mbb-dung-dau-nganh-ve-ty-le-casa-tien-thang-vao-nhom-big-5/33685024