Một cổ phiếu ngành gạo tăng ấn tượng ngay khi lãnh đạo “ra tay”

Trong phiên giao dịch ngày 11/7, cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR) bất ngờ tăng hết biên độ lên 5.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 13,64%. Thanh khoản cũng bật tăng mạnh với hơn 600.000 cổ phiếu được khớp lệnh, trong khi bên bán gần như trống trơn – cho thấy lực cầu chủ động đang trở lại. Đây là một trong những phiên giao dịch hiếm hoi TAR có thanh khoản vượt trội kể từ khi bị hạn chế giao dịch.

gao2.png
Song song với các biện pháp tài chính, Trung An khẳng định sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là xuất khẩu gạo

Cần lưu ý, cổ phiếu TAR hiện nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch vào các ngày thứ Sáu hàng tuần. Tính từ đỉnh gần 41.000 đồng/cp cuối năm 2021, TAR đã “bốc hơi” hơn 80% thị giá. Do đó, phiên tăng trần hôm nay gây bất ngờ với không ít nhà đầu tư.

Động lực chính đến từ thông tin bà Nguyễn Lê Bảo Trang – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trung An lần đầu tiên đăng ký mua vào cổ phiếu TAR. Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bà Trang sẽ mua 1,2 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận, từ ngày 14/7 đến 8/8/2025. Trước đó, bà Trang không nắm giữ cổ phiếu nào tại công ty. Nếu giao dịch thành công, bà sẽ sở hữu hơn 1,5% vốn điều lệ Trung An. Với thị giá 5.000 đồng/cp hiện tại, tổng giá trị mua ước tính khoảng 6 tỷ đồng.

Việc lãnh đạo doanh nghiệp lần đầu tiên mua vào cổ phiếu thường được giới đầu tư đánh giá là tín hiệu tích cực về niềm tin nội tại. Tuy nhiên, thương vụ này diễn ra trong bối cảnh Trung An đang đối mặt với hàng loạt thách thức.

Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 6, ban lãnh đạo Trung An cho biết nguyên nhân cổ phiếu TAR bị hạn chế giao dịch là do sự chênh lệch số liệu giữa hai đơn vị kiểm toán kế tiếp nhau. Công ty cam kết sẽ xử lý dứt điểm vấn đề này trong năm nay để sớm được khôi phục giao dịch bình thường.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, Trung An ghi nhận doanh thu 4.236 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 58 tỷ đồng – kết quả kém tích cực so với kỳ vọng. Đà giảm tiếp diễn sang quý I/2025 với doanh thu giảm 63% so với cùng kỳ, chỉ đạt 327 tỷ đồng, và lỗ sau thuế 18 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Trung An đặt kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 8,8 tỷ đồng cho năm 2025 – một chỉ tiêu khiêm tốn nhưng đầy thách thức trong bối cảnh hiện tại. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Bình lý giải, chi phí tài chính quá lớn là nguyên nhân khiến doanh nghiệp đi xuống. Để khắc phục, công ty đang thực hiện tái cấu trúc tài chính, giảm dư nợ vay và thu hẹp ngân hàng giao dịch từ 7 xuống còn 2 để tối ưu lãi vay.

Song song với các biện pháp tài chính, Trung An khẳng định sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp hiện đang tham gia “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” và đang triển khai vùng trồng lúa 15.000 ha tại Phú Yên, cũng như lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu 50.000 ha tại Kiên Giang.

Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng phiên tăng trần ngày 11/7 cùng tín hiệu mua vào từ lãnh đạo cấp cao phần nào phản ánh kỳ vọng mới từ thị trường vào khả năng hồi phục của TAR – một trong những doanh nghiệp gạo có quy mô lớn và định hướng chiến lược rõ ràng trong dài hạn.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mot-co-phieu-nganh-gao-tang-an-tuong-ngay-khi-lanh-dao-ra-tay-1390313.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *