Báo cáo giải trình vừa được Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC(HOSE: SMC) công bố cho thấy doanh nghiệp đã làm rõ hai điểm được kiểm toán viên nhấn mạnh trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024. Dù có lưu ý, song SMC khẳng định các điểm này không ảnh hưởng đến độ tin cậy và tính hợp lý của báo cáo.
Nội dung đầu tiên liên quan đến khoản phải thu từ Tập đoàn Novagroup và các công ty có liên quan, với tổng giá trị lên tới hơn 1.115 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2024. Theo đó, cả hai bên đã ký xác nhận công nợ và cam kết thanh toán vào cuối tháng 12/2024. Tuy nhiên, do trùng thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, các tài liệu pháp lý chưa kịp hoàn tất, dẫn đến ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán.
Đến ngày 26/4/2025, toàn bộ hồ sơ bổ sung bao gồm hợp đồng mua bán, chứng thư định giá tài sản đảm bảo, thỏa thuận cấn trừ công nợ và văn bản nội bộ đã được hoàn thiện và cung cấp đầy đủ. Qua đó, SMC xác định tài sản đảm bảo cho khoản phải thu này đạt gần 730 tỷ đồng, tương đương hơn 65% tổng giá trị công nợ.
Dựa trên các chứng cứ bổ sung này, doanh nghiệp đã hoàn nhập 335,2 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, góp phần cải thiện lợi nhuận năm 2024. Điều này được thực hiện đúng theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 23 (VAS 23).
Một lưu ý khác từ kiểm toán là về khả năng hoạt động liên tục của SMC khi doanh nghiệp đang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 139,6 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm 508 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 622 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Trước nghi ngại này, SMC nhấn mạnh đã triển khai hàng loạt biện pháp để duy trì khả năng hoạt động, gồm: Thu gọn mô hình vận hành, thanh lý tài sản không hiệu quả, tập trung vào hai lĩnh vực cốt lõi là thương mại và gia công, đồng thời thương lượng gia hạn nợ vay để giảm áp lực dòng tiền.
Sau khi điều chỉnh báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế năm 2024 của SMC được ghi nhận đạt 65,5 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ hơn 269 tỷ đồng trước đó. Kết quả tích cực này chủ yếu nhờ hai yếu tố: Hoàn nhập dự phòng khoản phải thu từ Novagroup và việc thanh lý tài sản đầu năm, trong đó có dây chuyền sản xuất thu về 303 tỷ đồng.
Để củng cố hoạt động kinh doanh, SMC đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như: Giảm hàng tồn kho bằng cách bán nguyên liệu dư thừa, khuyến khích khách hàng thanh toán sớm thông qua chính sách chiết khấu, tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ cải tiến kỹ thuật, và cơ cấu lại tài chính để giải quyết triệt để các khoản nợ cũ, đặc biệt là với Novaland. Trong 4 tháng đầu năm 2025, SMC đã bán một phần dây chuyền thép Sendo và chuyển nhượng dây chuyền cán mạ tại nhà máy Thép SMC Phú Mỹ.
Trong quý I/2025, SMC đạt doanh thu thuần 1.847 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Tuy vậy, công ty vẫn lãi ròng 127 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đây vẫn là sự chuyển động tích cực trong bối cảnh trước đó SMC đã liên tiếp thua lỗ trong ba quý.
Từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu SMC đã tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào sự hồi phục tài chính của doanh nghiệp. Chốt phiên ngày 27/5, giá cổ phiếu đứng tại 10.450 đồng/cp, đi ngang so với phiên trước, với khối lượng giao dịch đạt 333.300 đơn vị. So với mức giá hồi đầu tháng 4, cổ phiếu SMC đã tăng hơn 75%, tương đương khoảng 4.540 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của công ty hiện đã đạt trên 769 tỷ đồng.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mot-doanh-nghiep-dao-chieu-loi-nhuan-sau-chuyen-dong-tich-cuc-voi-novaland-1381140.html