Một doanh nghiệp may ưu tiên dùng vốn trả lương, giảm hơn 900 nhân sự sau 18 năm

Một doanh nghiệp may ưu tiên dùng vốn trả lương, giảm hơn 900 nhân sự sau 18 năm

Từng có gần 1,100 nhân viên khi cổ phần hóa, CTCP May Thanh Trì hiện còn chưa tới 150 người. Công ty vừa điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ chào bán riêng lẻ để trả lương quý 3/2025 thay vì nâng cấp nhà xưởng như kế hoạch ban đầu.

May Thanh Trì hiện chỉ còn 147 lao động, giảm gần 90% so với thời điểm cuối năm 2008.

HĐQT CTCP May Thanh Trì (UPCoM: TTG) vừa thông qua thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2024, căn cứ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2025.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2024, TTG đã chào bán riêng lẻ thành công 1.4 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp, thu về 14 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 34 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, số tiền huy động được dùng để thanh toán nợ bảo hiểm xã hội (3.4 tỷ đồng), chi trả lương lao động quý 3/2024 (4.3 tỷ đồng), cải tạo nhà xưởng (4 tỷ đồng) và thanh toán tiền thuê mặt bằng từ tháng 4/2024-4/2025 (2.3 tỷ đồng). Thời gian giải ngân dự kiến trong quý 3/2024.

Tuy nhiên, đến ngày 13/02/2025, Công ty mới hoàn tất 2 khoản: Thanh toán nợ bảo hiểm xã hội và trả lương quý 3/2024. Hai mục còn lại được đề xuất thay đổi. Cụ thể, 4 tỷ đồng sẽ được chuyển sang trả lương cho quý 3/2025 và 2.3 tỷ đồng chi phí thuê mặt bằng cho giai đoạn từ tháng 9/2024-9/2025. Thời gian giải ngân dời sang quý 3/2025.

Lý giải việc điều chỉnh, Công ty cho biết không đạt được thỏa thuận với nhà cung cấp về chủng loại hàng hóa và đơn giá, nên chưa thể triển khai nâng cấp nhà xưởng như kế hoạch. Khoản chi thuê mặt bằng cũng cần điều chỉnh vì Công ty đã ứng vốn trước để kịp thanh toán tiền thuê kho từ tháng 4-8/2024, sau đó mới sử dụng vốn huy động để chi trả phần còn lại từ tháng 9/2024-4/2025.

Giảm sở hữu công ty con vì thiếu dòng tiền

Áp lực dòng tiền còn thể hiện qua việc HĐQT thông qua giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con – CTCP May Thanh Trì TTG – từ 60% xuống 49% vào cuối năm 2024, do chưa thu xếp đủ vốn góp theo cam kết ban đầu (5.94 tỷ đồng). Công ty cũng phải cân đối chi thưởng Tết nên nguồn lực tài chính hạn chế.

Đây là 1 trong 2 công ty con được TTG thành lập trong năm 2024. Với công ty còn lại – CTCP May Thanh Trì Phú Thọ, TTG đã rút vốn chỉ sau vài tháng, vì cho rằng định hướng phát triển không còn phù hợp.

Tuy vậy, ĐHĐCĐ 2025 vẫn thông qua chủ trương thành lập công ty con để xin giao đất thực hiện dự án đầu tư tại các tỉnh. Công ty con hoặc liên kết sẽ hoạt động trong lĩnh vực dệt và ngành liên quan, vốn góp không quá 20 tỷ đồng.

Song song đó, cổ đông cũng đồng ý miễn chào mua công khai cho CTCP Sông Đà 19 (UPCoM: SJM) – cổ đông lớn hiện nắm 11.76% vốn TTG – khi nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 1.5 triệu cp, tương ứng 44.28% vốn từ 9 cổ đông hiện hữu (trong đó 5 cổ đông lớn sẽ thoái hết vốn). Nếu giao dịch hoàn tất, SJM sẽ trở thành công ty mẹ TTG với tỷ lệ sở hữu 56.04%.

Dự kiến lãi 2025 gấp 5.5 lần năm trước

May Thanh Trì (TTG) tiền thân là Xí nghiệp may xuất khẩu Thanh Trì, thành lập năm 1992 tại Hà Nội, cổ phần hóa từ năm 2008. Thời điểm cổ phần hóa, Công ty từng có gần 1,100 lao động, nhưng đến cuối năm 2024 chỉ còn 147 người.

Doanh nghiệp không công bố BCTC quý, nhưng theo BCTC năm, TTG từng có 3 năm lỗ liên tiếp từ 2020-2022, trước khi có lãi trở lại 1.8 tỷ đồng năm 2023 và 2.2 tỷ đồng năm 2024. Dù vậy, Công ty vẫn còn lỗ lũy kế 13.3 tỷ đồng cuối năm 2024.

Kế hoạch năm 2025 khá tham vọng với mục tiêu doanh thu 60 tỷ đồng và lãi ròng 12 tỷ đồng, gấp 5.5 lần năm trước. Tuy nhiên, TTG vẫn không chia cổ tức, lần gần nhất cổ đông nhận cổ tức là năm 2018.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2019-2024 của TTG

Đáng chú ý, đến cuối 2024, TTG đã tất toán toàn bộ vay nợ tài chính (đầu năm còn 1.3 tỷ đồng). Tổng nợ phải trả chưa đến 3 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí phải trả người lao động (1.2 tỷ đồng), khoản phải trả ngắn hạn khác và nghĩa vụ thuế.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTG đang giao dịch quanh mức 10,900 đồng/cp, giảm hơn 30% từ đầu tháng 4/2025 – giai đoạn xuất hiện thông tin tiêu cực về thuế quan và mất gần 60% so với vùng đỉnh 27,000 đồng/cp cuối tháng 11/2024.

Hiện, giá cổ phiếu đã về vùng đáy tương đương cuối tháng 9/2024, thời điểm bắt đầu đợt tăng mạnh kéo dài đến cuối tháng 11. Trong 1 năm qua, TTG đã giảm gần 29% giá trị, với thanh khoản bình quân chỉ hơn 3,800 cp/ngày.

Diễn biến giá cổ phiếu TTG trong 1 năm qua

Thế Mạnh

FILI

– 15:13 19/05/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/mot-doanh-nghiep-may-uu-tien-dung-von-tra-luong-giam-hon-900-nhan-su-sau-18-nam-737-1309875.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *