Một liên minh các “đại bàng” Việt có thể được thành lập cùng xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Tại buổi gặp mặt với đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu ngày 21/7, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến chiến lược phát triển quốc gia, trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc trao cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

duongsatcaotoc24.png
Đề xuất Vingroup, Hòa Phát lập liên minh doanh nghiệp nội xây đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD

Giáo sư Phan Tiến Đạt (Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức) nhận định, để tránh phụ thuộc vào công nghệ ngoại, Việt Nam cần tạo điều kiện để các tập đoàn trong nước như Vingroup (HoSE: VIC) hay Hòa Phát (HoSE: HPG) nắm vai trò chủ lực trong việc thi công và bảo trì tuyến đường sắt cao tốc. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò huyết mạch trong mạng lưới giao thông tương lai, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 67 tỷ USD.

Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao, thời gian thi công kéo dài, cùng với đó là chi phí bảo trì lớn và liên tục trong suốt quá trình vận hành. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, việc huy động khu vực tư nhân cùng tham gia là hướng đi tất yếu để bảo đảm tính khả thi và bền vững của công trình.

Tư nhân khởi động mạnh mẽ, sẵn sàng nguồn lực

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 6 doanh nghiệp đăng ký đề xuất đầu tư vào dự án, trong đó nổi bật là Vingroup – thông qua Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đường sắt Tốc độ cao VinSpeed, cùng với các tên tuổi như Tập đoàn Trường Hải (THACO), liên danh Mekolor – Great USA, Công ty CP Xây dựng Thăng Long Quốc gia và Công ty CP Vận tải Đường sắt Việt Nam (TRV).

Không chỉ dừng ở khâu đề xuất, nhiều tập đoàn xây dựng lớn cũng đang tích cực chuẩn bị lực lượng nhằm đón đầu gói thầu xây lắp trị giá lên đến 33 tỷ USD. Tập đoàn Đèo Cả, Vinaconex (HoSE: VCG) và FECON (HoSE: FCN) là những doanh nghiệp đã sớm định hướng tham gia sâu vào các công trình hạ tầng chiến lược, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường sắt.

Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát – đơn vị tiên phong trong sản xuất thép đã công bố kế hoạch cung cấp thanh ray dài 100m phục vụ dự án. Đây là một bước tiến lớn trong việc nội địa hóa vật liệu xây dựng cho tuyến đường sắt tốc độ cao.

Chuyển động chính sách mở đường cho PPP

Trước làn sóng nhập cuộc của doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cũng đã chủ động điều chỉnh định hướng đầu tư. Vào cuối tháng 6/2025, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất bổ sung hình thức đầu tư PPP (hợp tác công tư) và đầu tư kinh doanh vào dự án này. Động thái này được đánh giá là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bình luận về đề xuất trên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu lựa chọn mô hình PPP thì phải tiến hành đấu thầu minh bạch, không nên chỉ định một nhà đầu tư duy nhất. “Nếu chỉ có một doanh nghiệp tham gia và dự án xảy ra sự cố thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, ông Long đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh vai trò giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu.

Hiện tại, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được khởi động từ ngày 19/8/2025. Đây là một bước đi quan trọng để bảo đảm tiến độ toàn dự án, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương đã sẵn sàng phương án tái định cư. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cấu trúc giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng kinh tế trọng điểm và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mot-lien-minh-cac-dai-bang-viet-co-the-duoc-thanh-lap-cung-xay-duong-sat-cao-toc-bac-nam-1392216.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *