Lãi kỷ lục trong quý II/2025 nhờ giá heo cao và mở rộng tổng đàn
Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025, hé lộ bức tranh kinh doanh vô cùng khả quan với lợi nhuận ròng tăng vọt gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này chủ yếu đến từ việc giá heo duy trì ở mức cao từ đầu năm và chiến lược gia tăng mạnh tổng đàn, tập trung vào mảng chăn nuôi.
Trong quý II vừa qua, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.387 tỷ đồng, nhích nhẹ 1,6% so với con số 1.365 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp không còn ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động thương mại nông sản – mảng từng đóng góp đáng kể trong quá khứ.
Toàn bộ doanh thu hiện nay đều đến từ hoạt động chăn nuôi heo với sản lượng heo tiêu thụ vượt 175.000 con, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, heo thịt tiếp tục là sản phẩm chủ lực, đóng góp chính cho doanh thu.
Một điểm sáng lớn trong bức tranh tài chính là việc giá vốn hàng bán trong kỳ giảm mạnh 13,4% từ mức 1.207 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 1.044 tỷ đồng. Điều này giúp lợi nhuận gộp của BAF tăng mạnh lên 342,5 tỷ đồng – gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2024 (158 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp nhờ đó được cải thiện rõ rệt, tăng mạnh từ 11,6% lên mức 24,7%.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế quý II/2025 của BAF đạt 210 tỷ đồng – tăng gấp hơn 3 lần so với 68 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng vọt lên mức 196 tỷ đồng, tương đương mức tăng 445,6% – đánh dấu kỷ lục cao nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BAF đạt 2.510 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2024 do không còn đóng góp từ mảng thương mại nông sản (trong khi nửa đầu năm ngoái ghi nhận 1.180 tỷ đồng từ mảng này).
Mặc dù vậy, nhờ biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt, BAF báo lãi sau thuế 329,7 tỷ đồng – tăng 113% so với cùng kỳ, đồng thời hoàn thành 51,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Biên lợi nhuận sau thuế cũng được nâng từ 5,9% lên 13,1%.
Giải trình kết quả khả quan này, ban lãnh đạo BAF cho biết mức giá bán bình quân heo trong quý II dao động từ 65.000 đến 70.000 đồng/kg, trong khi sản lượng bán ra tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Giá nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi duy trì ổn định từ năm 2024 đến nay, qua đó giúp doanh nghiệp giữ được chi phí chăn nuôi ở mức cạnh tranh.
Đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận đạt được trong kỳ đều đến từ hoạt động chăn nuôi, không còn phụ thuộc vào thu nhập bất thường từ chuyển nhượng bất động sản như trước đây, phản ánh chất lượng lợi nhuận đang được nâng cao rõ rệt.
Tổng sản lượng heo tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt 330.000 con, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy BAF đang vận hành ổn định hệ thống chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và thực hiện thành công kế hoạch mở rộng quy mô đàn. Bên cạnh đó, thị trường heo hơi quý II tiếp tục duy trì ở mức giá cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như BAF.
Tài chính cải thiện vững chắc
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của BAF đạt 8.522 tỷ đồng, tăng 1.073 tỷ đồng so với đầu năm. Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.231 tỷ đồng, tăng nhẹ do chi phí sản xuất dở dang và nguyên liệu đầu vào gia tăng. Chi phí trả trước dài hạn cũng tăng 15%, lên mức 979,9 tỷ đồng sau 6 tháng.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại cuối quý II đạt 4.266,4 tỷ đồng, tăng 1.330,6 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 45,3%. Trong kỳ, BAF đã hoàn tất phát hành cổ phiếu và thu về 650 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận thặng dư vốn cổ phần 356,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng thêm 327 tỷ đồng, lên mức 725 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vay tài chính tại thời điểm 30/6 là 2.583 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.014 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.569 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản trái phiếu chuyển đổi chiếm 487 tỷ đồng, tương đương 18,9% tổng dư nợ vay. So với cuối năm 2024, tổng nợ vay tăng 1.141 tỷ đồng, tức tăng 79,2%.
Tuy nhiên, nhờ tăng vốn chủ sở hữu, hệ số nợ vay tài chính trên vốn chủ sở hữu giảm từ 0,9 lần xuống 0,6 lần; hệ số tổng nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 1,5 lần còn 1,0 lần, cho thấy tình hình tài chính của doanh nghiệp đang được cải thiện theo hướng an toàn hơn.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mot-quy-vang-cua-ong-lon-trong-lang-chan-nuoi-heo-1393364.html