Mua cổ phiếu vượt đỉnh hay cổ phiếu chưa “về bờ”?

Tuần qua, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup và Gelex tiếp tục “làm mưa làm gió” trên sàn chứng khoán, cho thấy các cổ phiếu dẫn dắt thị trường năm nay có sự thay đổi, nhưng lặp lại câu chuyện năm trước.

Năm 2024, các cổ phiếu họ FPT và Viettel liên tục tăng giá, bất chấp những cảnh báo rằng định giá đã quá cao. Dòng tiền tập trung vào hai nhóm cổ phiếu này, đặc biệt các quỹ đầu tư dẫn dắt dòng tiền cá nhân đã đẩy giá cổ phiếu lập đỉnh mới như FPT đạt trên 150.000 đồng/cổ phiếu, VGI đạt 110.000 đồng/cổ phiếu, CTR đạt 157.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cho đến nay, dù các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, nhưng thị giá cổ phiếu lại giảm tới 40 – 50% so với đỉnh và dòng tiền không còn tạo ra sự sôi động như trước.

Sau đó, dòng tiền chảy sang nhóm Vingroup (VIC, VHM, VPL, VRE) và nhóm Gelex (GEE, VGC, GEX, VIX, EVF, VSC). Trong quá khứ, các nhóm cổ phiếu này từng tăng giá mạnh, nhưng rồi rớt sâu trong giai đoạn cuối năm 2024 khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ và dè dặt khi quay trở lại.

Chẳng hạn, mã VIC từng vượt hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, rồi rớt xuống trên 30.000 đồng/cổ phiếu (3x). Tương tự, mã GEX giảm từ 5x xuống 1x; mã VIX giảm từ 3x xuống dưới mệnh giá.

Do tâm lý “chim sợ cành cong” và các thông tin trái chiều về triển vọng kinh doanh, nhất là tình hình vay nợ của các doanh nghiệp trong các nhóm trên nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ sóng những tháng đầu năm 2025. Trong nhiều hội nhóm đầu tư, không ít nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng lớn bày tỏ tiếc nuối khi không giải ngân vào cổ phiếu họ Vingroup.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư khác kỳ vọng, hầu hết cổ phiếu dẫn dắt thời gian qua có thể giữ được vị thế trong nửa cuối năm 2025. Khi thị trường chung điều chỉnh vào đầu tháng 4, họ đã mua cổ phiếu VIC ở mức giá 5x và chỉ sau một tháng, mức sinh lời đã lên tới 60%.

Kỳ vọng, nhóm bất động sản, ngân hàng và bán lẻ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, dư địa tăng của những cổ phiếu dẫn dắt vẫn còn, nhất là khi xem xét các chỉ báo kỹ thuật. Đơn cử, với VIC, khi nào cổ phiếu này mất đường MA50 thì mới có thể xác lập đỉnh. Hiện tại, mức giá 120.000 đồng/cổ phiếu hay cao hơn hoàn toàn phụ thuộc vào xu thế thị trường.

Ông Đức dự báo, những cổ phiếu đã vượt đỉnh cũ có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm nay, đặc biệt nhóm bất động sản (VIC, VHM, VRE), ngân hàng (TCB, ACB, HDB) và bán lẻ (MWG, VNM).

Tất nhiên, có những nhà đầu tư sớm hiện thực hóa lợi nhuận. Nhà đầu tư Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, khi giá cổ phiếu tăng nóng, anh chọn cách chốt lãi dần, chia thành ba lần. Dù không bán được đúng đỉnh, nhưng cách làm này đảm bảo lợi nhuận, đồng thời có cơ hội tiếp tục hưởng lợi, mà không quá lo ngại sẽ mất lãi nếu cổ phiếu đảo chiều.

Với một số nhà đầu tư, họ nhìn vào chính sách vĩ mô và phản ứng vi mô của doanh nghiệp để phân tích xu hướng dòng tiền, tập trung vào những cổ phiếu nào. Theo đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, một trong những thông tin đáng chú ý là Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp đạt quy mô khu vực và toàn cầu. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp tư nhân lớn có thể sẽ được trao cơ hội để phát triển, tạo ra tác động tích cực đến sự xuất hiện của các cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường.

Sau giai đoạn VN-Index tăng hơn 200 điểm từ đáy tháng 4/2025, biến số lớn nhất mà giới đầu tư theo dõi sát sao là tiến trình đàm phán thuế quan Việt – Mỹ. Theo ông Nguyễn Việt Đức, khi câu chuyện thuế quan qua đi, thị trường sẽ duy trì xu hướng tích cực. Nếu đánh giá thuế quan không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh kinh tế, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để mua vào cổ phiếu dẫn dắt, chẳng hạn nhóm ngân hàng.

Về dài hạn, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chứng khoán vẫn là tăng trưởng cung tiền M2. Tại Mỹ cũng như Việt Nam, biến động M2 luôn đi sát với diễn biến thị trường. Với việc Việt Nam tiếp tục mở rộng tín dụng và chính sách tài khóa, định giá P/E hiện tại của VN-Index quanh mức 12 – 13 lần là hợp lý, không quá thấp so với lịch sử, nhưng cũng chưa rơi vào vùng quá nóng (P/E 17 – 18 lần).

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/mua-co-phieu-vuot-dinh-hay-co-phieu-chua-ve-bo-post369923.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *