Muốn góp mặt đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ông lớn này từng khiến mạng lưới giao thông quốc gia tỷ dân “lột xác” ngoạn mục

Tàu cao tốc, điện khí hóa và bảo trì số hóa

Siemens – tập đoàn công nghệ hàng đầu của Đức – đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa hệ thống đường sắt của Ấn Độ thông qua các giải pháp tín hiệu, điện khí hóa và số hóa tiên tiến. Từ tuyến tàu cao tốc đầu tiên đến các tuyến metro và vận tải hàng hóa xuyên núi, công nghệ của Siemens đang góp phần cải thiện độ an toàn, tốc độ và tính bền vững trong vận hành.

đường sắt cao tốc bắc nam Siemens
Tập đoàn Siemens (Đức) “thay da đổi thịt” cho hạ tầng giao thông Ấn Độ

Đáng chú ý, Siemens là đơn vị được lựa chọn triển khai hệ thống tín hiệu và viễn thông cho tuyến đường sắt cao tốc Mumbai – Ahmedabad. Đây là tuyến bullet train (tàu viên đạn) đầu tiên của Ấn Độ, với tốc độ thiết kế lên tới 350 km/h. Tập đoàn sẽ cung cấp hệ thống điều khiển tàu theo tiêu chuẩn châu Âu (ETCS Cấp 2), hỗ trợ giám sát tàu thời gian thực, truyền thông không dây liên tục và điều độ tập trung.

Song song, Siemens cũng tham gia vào dự án đường sắt Udhampur – Srinagar – Baramulla dài 272 km, được xem là một trong những sáng kiến hạ tầng phức tạp nhất của Ấn Độ. Các công nghệ áp dụng gồm ROCS (dây tiếp xúc cứng) phù hợp địa hình núi và SCADA giúp giám sát, điều khiển tài sản điện khí hóa theo thời gian thực. Toàn bộ hệ thống được thiết kế để hoạt động ổn định ngay cả trong điều kiện tuyết rơi, sạt lở và dốc cao.

1.200 đầu máy mới, nhà máy hoàn thiện trong chưa đầy 2 năm

Bên cạnh các tuyến đường hành khách, Siemens cũng đang sản xuất 1.200 đầu máy điện cho mạng lưới đường sắt hàng hóa của Ấn Độ. Dự án được triển khai tại các nhà máy của Siemens tại Nashik, Aurangabad, Mumbai và hoàn thiện lắp ráp tại nhà máy Dahod của Indian Railways – một cơ sở được xây dựng trong chưa đầy hai năm.

bullet train
Siemens hiện diện khắp mạng lưới tàu cao tốc Ấn Độ

Những đầu máy này có thể kéo tải trọng lên tới 5.800 tấn với tốc độ tối đa 120 km/h. Theo Siemens, đây là một trong những đầu máy vận tải mạnh nhất thế giới và sẽ giúp giảm hơn 800 triệu tấn khí CO₂ trong suốt vòng đời vận hành. Các đầu máy được trang bị nền tảng bảo trì dự đoán Railigent X, công nghệ đẩy xanh, hệ thống theo dõi kỹ thuật số và công nghệ an toàn Kavach.

Cùng với đó, Siemens đang phát triển mô hình số (digital twin) cho các hệ thống đường sắt, cho phép mô phỏng và giám sát tài sản vật lý theo thời gian thực. Điều này hỗ trợ chuẩn đoán dự đoán, tối ưu bảo trì và cải thiện độ tin cậy. Ngoài ra, một giải pháp bảo mật IoT chuyên dụng cũng đang được phát triển để đảm bảo an toàn cho hệ thống bảo trì số hóa từ xa.

Hiện diện trong các tuyến metro lớn tại Ấn Độ

Các dự án metro đô thị cũng là lĩnh vực Siemens đang hiện diện đậm nét. Tại Bengaluru, tập đoàn triển khai hệ thống điều khiển tàu dựa trên thông tin liên lạc (CBTC) và hệ thống viễn thông toàn diện. Tại Pune, Siemens là thành viên của liên danh phát triển tuyến metro số 3 dài 23,3 km, phụ trách toàn bộ phần điện khí hóa, tín hiệu, viễn thông và depot theo mô hình PPP.

Ngoài ra, tập đoàn Đức cũng cung cấp công nghệ cho hai tuyến metro lớn khác: Surat Metro (Giai đoạn 1) với 40 km, 38 ga và 2 depot; Ahmedabad Metro (Giai đoạn 2) dài 28 km, 23 ga và 1 depot. Các dự án này cho thấy sự tin tưởng ngày càng lớn của Ấn Độ vào các giải pháp hạ tầng đường sắt hiện đại từ Siemens.

Mong muốn tham gia đường sắt cao tốc Việt Nam

Bên cạnh những dấu ấn quốc tế, Siemens cũng đang thể hiện sự quan tâm rõ rệt đến các dự án giao thông chiến lược tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 25/6, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Peter Koerte – Giám đốc công nghệ và chiến lược, thành viên Hội đồng quản trị của Siemens.

Tại cuộc gặp, đại diện Siemens bày tỏ mong muốn tham gia sâu rộng vào các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt tốc độ cao. Tập đoàn hiện diện tại Việt Nam từ năm 1993 với ba văn phòng và một nhà máy, và đang định vị là đơn vị tiên phong về công nghệ công nghiệp và AI.

Thủ tướng đánh giá cao mong muốn hợp tác của Siemens và đề nghị tập đoàn làm việc cụ thể với các bộ, ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bàn thảo việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Ông cũng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng – đặc biệt qua mô hình hợp tác công tư (PPP) – với mục tiêu hiện đại hóa giao thông, năng lượng và hạ tầng số.

Siemens là tập đoàn công nghệ toàn cầu của Đức, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và y tế. Riêng mảng Siemens Mobility chuyên cung cấp các giải pháp toàn diện cho giao thông đường sắt – từ đầu máy, hệ thống tín hiệu, điều khiển, điện khí hóa đến bảo trì và phần mềm. Siemens hiện diện tại Việt Nam từ năm 1993, có 3 văn phòng và một nhà máy tại Bình Dương. Tập đoàn đang bày tỏ mong muốn tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và các sáng kiến hạ tầng lớn khác tại Việt Nam.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/muon-gop-mat-duong-sat-cao-toc-bac-nam-ong-lon-nay-tung-khien-mang-luoi-giao-thong-quoc-gia-ty-dan-lot-xac-ngoan-muc-1389682.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *