Mỹ áp thuế 46% lên Việt Nam: Trong nguy có cơ?
Mức thuế 46% của Mỹ là một cú sốc, nhưng không phải là thảm họa. Việt Nam cần tận dụng cơ hội để định hình lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào Mỹ, mở rộng thị trường mới, và nâng cấp chuỗi giá trị.
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là một cú sốc lớn, nhưng không phải là dấu chấm hết. Khi có đến 180 quốc gia chịu chung đợt áp thuế này, xu hướng chung sẽ là sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác thương mại song phương và đa phương, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường mới.
Việt Nam đứng trước thời khắc quan trọng để chuyển dịch mô hình kinh tế, nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cú sốc này cũng đặt ra những cơ hội đầu tư quan trọng trong thị trường chứng khoán, khi một số nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực, trong khi một số ngành khác có thể hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Để hiểu rõ hơn tác động thuế quan, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính ngân hàng – Trường đại học Nguyễn Trãi.
Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính ngân hàng – Trường đại học Nguyễn Trãi
|
Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất cho các thị trường khác ngoài Mỹ
Thưa ông, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng như thế nào khi Mỹ áp thuế 46% vào 90% hàng nhập khẩu từ Việt Nam?
Ông Nguyễn Quang Huy: Những tác động tiêu cực trước mắt có thể thấy là giá hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt giảm sút, đặc biệt trong các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử.
Khi xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, dòng USD về Việt Nam có thể giảm, gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Sẽ có những lo ngại về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Việt Nam sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường mới, đặc biệt là EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP).
Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nâng cao chuỗi giá trị, chuyển từ sản xuất gia công sang thương hiệu và công nghệ cao, giảm lệ thuộc vào Mỹ.
Thứ hai, dòng vốn đầu tư FDI có thể bị xáo trộn, nếu các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại rủi ro chi phí cao khi sản xuất tại Việt Nam. Dù vậy, mức dịch chuyển dòng vốn FDI sẽ không quá mạnh, vì Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến sản xuất hấp dẫn với chi phí cạnh tranh và hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Trong dài hạn, sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở ra cơ hội hợp tác thương mại mới giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất cho các thị trường khác ngoài Mỹ, thay vì chỉ là “công xưởng gia công” cho các tập đoàn xuất khẩu sang Mỹ.
Sự phát triển của kinh tế số, logistics, tài chính, công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam có hướng đi bền vững hơn.
Theo ông, những doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất?
Nhóm doanh nghiệp chịu tác động mạnh từ mức thuế 46% là dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất… Mức thuế mới này sẽ khiến các đơn hàng giảm sút, ảnh hưởng lợi nhuận.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất điện tử xuất khẩu có thể mất lợi thế cạnh tranh.
Về ngành sắt thép, việc Mỹ áp thuế cao sẽ làm giảm xuất khẩu thép Việt Nam, dù thị trường nội địa vẫn có sức tiêu thụ tốt.
Liệu các doanh nghiệp FDI có thể rút khỏi Việt Nam không?
Lo ngại về sự rút lui của các tập đoàn FDI là có, nhưng không quá đáng ngại. Việt Nam vẫn có lợi thế về chi phí lao động thấp, vị trí địa lý chiến lược và môi trường đầu tư hấp dẫn.
Nhà đầu tư cần thận trọng với nhóm cổ phiếu xuất khẩu, nhưng không nên hoảng loạn. Các ngành công nghệ, logistics, tài chính, bất động sản khu công nghiệp và nông sản chế biến sẽ là điểm sáng trong thời gian tới. |
Nếu FDI rời đi, họ cũng không thể quay lại Trung Quốc vì mức thuế tại đây còn cao hơn.
Các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, LG, Intel… có thể tìm cách tối ưu chuỗi cung ứng thay vì rời bỏ Việt Nam hoàn toàn. Thay vì rút lui, nhóm doanh nghiệp FDI sẽ tái cấu trúc sản xuất, tối ưu chi phí, và mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.
Việt Nam không chỉ đối phó, mà phải bứt phá!
Vậy theo ông, liệu có ngành nào có thể hưởng lợi trong bối cảnh này?
Đầu tiên là công nghệ, AI, chip bán dẫn. Nếu Việt Nam tập trung vào R&D và sản xuất chip bán dẫn, AI, các doanh nghiệp công nghệ sẽ hưởng lợi lớn, có cơ hội phát triển mạnh nếu đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai là nhóm logistics và cảng biển. Nếu doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang thị trường mới, nhu cầu logistics sẽ tăng mạnh. Các doanh nghiệp vận tải, cảng biển sẽ hưởng lợi từ sự tái cơ cấu thương mại.
Thứ ba là nông sản chế biến, thủy sản nếu chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị. Các doanh nghiệp thủy sản có thể tìm kiếm thị trường mới thay vì quá phụ thuộc vào Mỹ.
Thứ tư, nhóm bất động sản khu công nghiệp. Dù FDI có thể chững lại trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối cùng là ngành tài chính, ngân hàng. Nếu Việt Nam tập trung vào phát triển trung tâm tài chính khu vực, ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi lớn từ dòng vốn đầu tư.
Chúng ta không chỉ vượt qua thách thức này, mà còn tận dụng nó để vươn lên mạnh mẽ.
Xin cảm ơn ông.
– 11:20 03/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/my-ap-thue-46-len-viet-nam-trong-nguy-co-co-145-1290565.htm