Mỹ chốt thuế đối ứng: Nhận diện những nhóm ngành dễ bị tổn thương?

Theo đánh giá của các chuyên gia, các ngành như đồ gỗ nội thất, thủy sản (tôm, cá tra), nhựa gia dụng, xe đạp và thiết bị công nghiệp nhẹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Không phải tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng như nhau

Vừa qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ trong đợt đàm phán lần này, sau Vương quốc Anh và Trung Quốc.

Bình luận về tác động tới các ngành nghề, TS Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại RMIT Việt Nam cho rằng, không phải tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng như nhau.

Theo đó, một số lĩnh vực như dệt may và giày dép – vốn đã quen với mức thuế MFN 10 – 20% thì có thể hấp thụ thêm chi phí. Các doanh nghiệp lớn như Vinatex, TNG hay An Phước với mạng lưới khách hàng đa dạng và khả năng đàm phán tốt có thể thương lượng lại giá để chia sẻ chi phí thuế với đối tác Mỹ.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hoạt động với biên lợi nhuận mỏng và phụ thuộc vào thị trường Mỹ, sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì đơn hàng và lợi nhuận.

Ngành điện tử, đặc biệt là các nhà máy linh kiện và lắp ráp cho những tập đoàn lớn như Samsung, Apple hay LG… hiện vẫn duy trì được sự ổn định. Mặc dù thuế suất 20% có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn, nhưng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn giúp Việt Nam giữ được vị thế hấp dẫn với dòng vốn FDI công nghệ cao. Nhiều tập đoàn đã thiết lập hệ sinh thái sản xuất ổn định tại Việt Nam và khó có khả năng rút đi chỉ vì biến động thuế ngắn hạn.

Ngược lại, các ngành như đồ gỗ nội thất, thủy sản (tôm, cá tra), nhựa gia dụng, xe đạp và thiết bị công nghiệp nhẹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Những ngành này trước đây được hưởng mức thuế rất thấp khi vào thị trường Mỹ nên việc tăng lên 20% khiến lợi thế cạnh tranh không còn. Đặc biệt khi so với các nước được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định như Mexico (USMCA) hoặc các đối thủ mạnh như Ấn Độ và Ecuador, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần nỗ lực gấp nhiều lần để giữ chân khách hàng.

Thêm vào đó, nhiều ngành, như nhựa và xe đạp, vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào linh kiện nhập khẩu. Nếu không tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, các doanh nghiệp này có nguy cơ bị xếp vào diện “trung chuyển”, phải chịu thuế 40% và mất trắng thị phần tại Mỹ.

Cũng bình luận về các ngành nghề cụ thể, PGS.TS Trần Việt Dũng, Học viện Ngân hàng cho rằng ngành điện tử, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 35 tỷ USD năm 2024, là trụ cột kinh tế của Việt Nam, nhờ sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung và Intel.

“Mức thuế đối ứng 20% giúp Việt Nam vượt trội so với Thái Lan (36%) và Malaysia (25%), nhưng nguy cơ từ thuế ngành 25-50% là rất lớn, đặc biệt với các sản phẩm linh kiện bán dẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Nếu không minh bạch hóa chuỗi cung ứng, giá sản phẩm điện tử Việt Nam có thể tăng, khiến các tập đoàn chuyển đơn hàng sang Thái Lan, nơi có tỷ lệ nội địa hóa linh kiện cao hơn nhờ các cụm công nghiệp phát triển. Malaysia, với nền tảng sản xuất chip bán dẫn mạnh, cũng là mối đe dọa nếu Việt Nam không nâng cấp năng lực sản xuất”, ông Dũng nói.

Ngành dệt may, ông chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (khoảng 19 tỷ USD năm 2024), đang cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Bangladesh, và Campuchia. Thuế đối ứng 20% giúp Việt Nam vượt xa Campuchia (36%), nhưng sự phụ thuộc vào 60% nguyên liệu vải nhập khẩu khiến ngành này dễ bị áp thuế ngành hoặc thuế trung chuyển. Điều này có thể làm tăng giá sản phẩm, đẩy các đơn hàng sang Ấn Độ – quốc gia có nguồn cung vải nội địa và lao động giá rẻ, với kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt 7 tỷ USD năm 2024. Bangladesh, dù không thuộc ASEAN, cũng là đối thủ mạnh nhờ chi phí sản xuất thấp. Nếu Việt Nam không giảm phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc, thị phần dệt may có nguy cơ bị thu hẹp.

Ngành gỗ, theo ông Dũng với Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sang Mỹ (sau Trung Quốc), hưởng lợi từ thuế đối ứng thấp hơn Indonesia (32%). Tuy nhiên, yêu cầu minh bạch nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam nhập một phần gỗ hoặc các nguồn không rõ ràng, khiến ngành này dễ bị áp thuế ngành. Ấn Độ, với nguồn gỗ nội địa dồi dào và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng 15% năm 2024, đang nổi lên như một đối thủ lớn. Thái Lan, dù quy mô nhỏ hơn, cũng có lợi thế nhờ các đồn điền cao su bền vững, có thể thu hút các đơn hàng nếu Việt Nam không kiểm soát tốt nguồn gốc gỗ.

Ngành thủy sản, đặc biệt tôm và cá tra, là thế mạnh của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 14 tỷ USD năm 2024. Thuế đối ứng 20% giúp Việt Nam vượt xa Thái Lan và Indonesia, nhưng thuế ngành có thể làm tăng giá sản phẩm, tạo cơ hội cho Ấn Độ – quốc gia đang mở rộng thị phần thủy sản tại Mỹ với tốc độ tăng trưởng 12% mỗi năm. Việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và minh bạch nguồn gốc sẽ là yếu tố quyết định để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Khoảng đệm quý giá giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế quan

Để ứng phó với các biến động thuế quan, TS Tuấn đưa ra bốn khuyến nghị trọng tâm cho doanh nghiệp Việt Nam: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ; đẩy mạnh nội địa hóa và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng; số hóa toàn bộ hồ sơ chứng từ để sẵn sàng cho hậu kiểm; và chủ động thương lượng với khách hàng Mỹ về giá cả, thời gian giao hàng và chia sẻ chi phí thuế quan.

Ông Tuấn cũng lưu ý rằng thỏa thuận lần này đã phần nào làm dịu lo ngại của giới đầu tư. VN-Index phục hồi nhẹ sau tuyên bố từ ông Trump, và một số tập đoàn FDI cho biết sẵn sàng nối lại kế hoạch mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, tâm lý tích cực này sẽ không kéo dài nếu các chi tiết của thỏa thuận không sớm được làm rõ.

“Các nhà đầu tư không muốn một hiệp định mang tính chính trị tạm thời. Họ cần một cam kết lâu dài, có hiệu lực pháp lý và thực thi được trong thực tế”, ông Tuấn nói.

Dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, ông cho rằng thỏa thuận lần này là khoảng đệm quý giá, giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế quan trừng phạt và mở ra thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát rủi ro về xuất xứ và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.

“Chúng ta chưa thắng,” ông Tuấn nói và kết luận: “Nhưng ta đã giữ được cửa. Và nếu tận dụng tốt khoảng thời gian này, Việt Nam vẫn có thể bước vào kỷ nguyên thương mại mới với vị thế vững vàng hơn.”

Kỳ Thư-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/my-chot-thue-doi-ung-nhan-dien-nhung-nhom-nganh-de-bi-ton-thuong/33645049

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *