Nhiều nút thắt được tháo gỡ
Tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính ngày 2/7/2025, ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc lại, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng hạng thị trường trong năm nay.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Thu cho biết, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong kỳ đánh giá của FTSE vào tháng 9 tới.
Cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài và đáp ứng các tiêu chí đánh giá của tổ chức xếp hạng. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kỹ thuật, tiếp xúc với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ về thực trạng, trình độ phát triển của thị trường hiện nay.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC về hoạt động giao dịch không ký quỹ, được các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đánh giá cao. Đây cũng là tiền đề để thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP). Đồng thời, Bộ cũng có Thông tư 18/2025/TT-BTC sửa đổi Thông tư 119/2020/TT-BTC và Thông tư 96/2020/TT-BTC để tương thích với mục tiêu nâng hạng.
Bước tiến lớn khác đã được triển khai là hệ thống KRX đã vận hành an toàn, thông suốt. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2025/TT-NHNN nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong khâu mở tài khoản giao dịch.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là bước đi chiến lược để phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang sửa Nghị định 155/2020/NĐ-CP nhằm quy định rõ các nội dung mới theo tinh thần của Luật Chứng khoán 2024. Trong đó, điểm mấu chốt là khẳng định mô hình thanh toán bù trừ trung tâm không chỉ áp dụng cho chứng khoán phái sinh mà cả với thị trường chứng khoán cơ sở.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Nghị định 155/2020/NĐ-CP (sửa đổi) dự kiến điều chỉnh quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức niêm yết. Theo lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán, việc sửa đổi nhằm thể hiện rõ sự cởi mở, minh bạch của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, theo định hướng chiến lược của Chính phủ. Về mặt kỹ thuật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai các giải pháp hỗ trợ như thiết kế tài khoản tổng trong thanh toán bù trừ để tạo thuận lợi cho hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Hoàn tất xử lý các vướng mắc trước ngày 15/7/2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo văn bản, Bộ Tài chính cần khẩn trương thực hiện các giải pháp cải thiện nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán theo khuyến nghị từ các tổ chức xếp hạng, đồng thời tập trung xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Kết quả triển khai phải được tổng hợp, báo cáo trong tháng 7/2025.
Bộ chủ trì làm việc cụ thể với tổ chức xếp hạng FTSE Russell và các tổ chức đầu tư để thống nhất về thời gian, thành phần và nội dung buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ động phối hợp, làm việc trực tiếp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để thống nhất xử lý các nội dung liên quan đến tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán, đảm bảo Việt Nam được xem xét và nâng hạng theo đúng tiến độ. Các cơ quan liên quan được yêu cầu chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các nội dung vượt thẩm quyền, hoàn tất toàn bộ công việc trước ngày 15/7.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, xét về các yếu tố định lượng, thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như đáp ứng được các điều kiện của FTSE. Tuy nhiên, hội đồng đánh giá FTSE còn căn cứ theo các yếu tố định tính, đó là nhận xét của nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tại thị trường Việt Nam.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam do đó có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong đánh giá điều kiện nâng hạng thị trường.
Đề cập đến mục tiêu nâng hạng thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán là một cột mốc kỹ thuật và là bước đi chiến lược để phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ngược lại, việc nâng hạng cũng mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư toàn cầu khi có thêm một thị trường chất lượng để lựa chọn.
“Quá trình làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi luôn nhấn mạnh nguyên tắc nâng hạng thị trường chứng khoán là quá trình mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên”, ông Nguyễn Đức Chi cho biết thêm.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nâng hạng được nhìn nhận là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam khi tăng khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, thị trường sẽ có mức vốn hóa đạt quy mô lớn, tính thanh khoản hấp dẫn ngang nhiều nước có trình độ phát triển tương tự. Điều này có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới năm 2030.
Ngược lại, với một thị trường phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cơ hội đáng kể.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital đánh giá: “Thế giới đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Những căng thẳng địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn vẫn còn bất ổn. Tuy nhiên, sự bền bỉ, lạc quan và quyết tâm tiến về phía trước, phát triển bền vững của Việt Nam vẫn tiếp tục mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế nhiều cơ hội hấp dẫn”.
PYN Elite, một tổ chức nước ngoài đã đầu tư tại Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Philippines song từ năm 2017, Quỹ đã chuyển toàn bộ danh mục đầu tư tập trung vào Việt Nam và ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
“Chúng tôi hài lòng với những thành quả đạt được, nhưng câu chuyện của Quỹ vẫn đang tiếp diễn. Mục tiêu của PYN Elite là tiếp tục đầu tư thành công tại Việt Nam cho đến khi đạt mục tiêu chỉ số VN-Index ở mức 2.500 điểm”, ông Petri Deryng, người đứng đầu PYN Elite chia sẻ.
Dragon Capital tin tưởng FTSE Russell sẽ công bố nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025, với hiệu lực chính thức từ tháng 3/2026.
Các tín hiệu tích cực gần đây cho thấy Việt Nam đang quyết liệt thực hiện các cải cách nhằm đáp ứng tiêu chí của các tổ chức xếp hạng quốc tế. Một trong những nút thắt lớn nhất là yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đã được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn quốc tế.
Đặc biệt, việc triển khai hệ thống công nghệ giao dịch mới KRX từ ngày 5/5/2025 là bước tiến mang tính nền tảng, giúp cải thiện tốc độ giao dịch, độ tin cậy thanh toán và tăng khả năng giám sát. Song song đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp với các công ty chứng khoán để chuẩn hóa quy trình hoạt động, cập nhật định nghĩa thông tin nhận dạng nhà đầu tư, ứng dụng xử lý tài liệu kỹ thuật số và tăng vai trò của thành viên lưu ký.
Các kế hoạch dài hạn hơn như xây dựng cơ chế thanh toán bù trừ đối tác trung tâm, phát triển nền tảng giao tiếp điện tử giữa công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký, hay triển khai tài khoản giao dịch tổng hợp cho nhà đầu tư ngoại… đang tiếp tục được đẩy mạnh. Những nỗ lực này không chỉ nâng cấp hạ tầng thị trường mà còn phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nang-hang-thi-truong-ky-vong-thang-9-post372576.html