Nếu kinh tế tăng trưởng hai con số, thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
Thị trường chứng khoán (TTCK) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân mà Nghị quyết 68 đặt ra.
Đây là nhận định của các chuyên gia đến từ Dragon Capital tại sự kiện Investor Day 2025 với chủ đề “Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng” được tổ chức sáng ngày 12/07.
Thị trường chứng khoán – Động lực tăng trưởng kinh tề bền vững
Bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Dragon Capital chia sẻ tại sự kiện.
|
Theo bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Dragon Capital, một nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững không thể chỉ phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn cần phải phát triển tương xứng.
Hiện, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mới đạt khoảng 50% GDP, trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là 120% GDP. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một kênh vốn quan trọng cho trung và dài hạn – cũng cần tăng từ mức 10-11% hiện tại lên tối thiểu 25% GDP.
Để đạt được những cột mốc này, Chính phủ đang đẩy mạnh 2 chiến lược chủ chốt: nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, và cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư (investment grade) – điều kiện then chốt để tiếp cận các dòng vốn quốc tế quy mô lớn.
Việc thực hiện thành công 2 mục tiêu này sẽ mở ra cánh cửa tiếp cận các quỹ đầu tư quy mô toàn cầu, giúp khơi thông dòng vốn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Câu chuyện nâng hạng thị trường đã được nhắc đến 10 năm, nhưng hiện tại, các hành động đang diễn ra quyết liệt và rõ ràng. Theo Dragon Capital, với tiến độ cải cách hiện nay, khả năng Việt Nam được nâng hạng thị trường có thể trở thành hiện thực ngay trong tháng 9/2025.
Ba trụ cột hành động đang được thúc đẩy đồng bộ gồm: Hoàn thiện thể chế pháp lý, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và tăng cường đối thoại với các tổ chức quốc tế.
Sự trở lại của dòng vốn ngoại cũng cho thấy niềm tin đang dần được khôi phục, sau 5 năm Việt Nam chứng kiến dòng vốn này bị rút ròng gần 10 tỷ USD kể từ năm 2020. Theo đó, nhiều tổ chức tài chính lớn như JP Morgan hay Commerzbank đã bắt đầu nâng đánh giá thị trường Việt Nam nhờ các yếu tố tích cực như tăng trưởng ổn định, định giá hấp dẫn và môi trường chính sách rõ ràng.
Nếu quá trình nâng hạng thị trường diễn ra cùng lúc với làn sóng IPO dự kiến bùng nổ trong giai đoạn 2026-2027, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, song hành với đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.
Nếu kinh tế tăng trưởng hai con số, thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
Theo ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Đầu tư, Dragon Capital, nếu Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hai con số trong 5-7 năm tới, kịch bản bùng nổ thị trường chứng khoán từng diễn ra ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Brazil… hoàn toàn có thể lặp lại.
Khi đó, tỷ lệ đầu tư trên GDP có thể tăng từ mức 30% hiện nay lên 35-40%, lợi nhuận doanh nghiệp bình quân tăng 25-30% mỗi năm. Điều này sẽ kéo theo mức định giá P/E thị trường được đẩy lên đáng kể, và chỉ số chứng khoán có thể tăng từ 2 đến 5 lần, thay vì chỉ tăng đơn lẻ theo phần trăm.
Trong kịch bản này, định giá P/E của thị trường sẽ được đẩy lên một mức hoàn toàn mới. Hiện tại, P/E dự phóng cho năm 2025 chỉ ở mức 11.6x, tăng trưởng EPS khoảng 12-13%, nhưng nếu kinh tế bứt phá, lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt sẽ kéo theo sự thay đổi lớn về định giá.
Ba nhóm ngành được kỳ vọng đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận gồm: Tài chính, bất động sản, và sản xuất công nghiệp – đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, công nghệ sinh học và chế tạo.
– 17:20 12/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/neu-kinh-te-tang-truong-hai-con-so-thi-truong-chung-khoan-se-ra-sao-830-1327715.htm