Nếu quá ưu ái thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không muốn lớn

Bộ trưởng Bộ Tài chính băn khoăn nếu ưu ái quá đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì họ cũng không muốn lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc ứng xử hài hoà lợi ích giữa các nhóm doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Đông

Chiều 15.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối tượng của dự thảo bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nói về việc ứng xử để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp Nhà nước và người dân; giữa các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ việc này.

Theo Bộ trưởng, để triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ tập trung xây dựng Nghị quyết với tất cả vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết triển khai các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Như vậy, để hiện thực hóa Nghị quyết 68 sẽ có hai nghị quyết.

“Với 5 triệu hộ kinh doanh, chúng ta mong muốn những hộ kinh doanh có thể lớn để sẵn sàng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà có thể lớn được, có cơ hội lớn được thì người ta cũng sẵn sàng phấn đấu để trở thành những doanh nghiệp vừa và lớn”, Bộ trưởng nói.

Do đó, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã có chính sách hỗ trợ cả những doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn.

“Chúng tôi cũng rất lo, nếu ưu ái quá đối với hộ kinh doanh thì người ta cũng không muốn lớn nữa. Hay ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ quá thì người ta cũng không muốn lớn”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, trong quá trình tham mưu, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.

Theo tư lệnh ngành Tài chính, hiện nay cơ chế chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết đang cố gắng “kéo” các chính sách ưu tiên giữa hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào với nhau.

“Trước đây ứng xử với hộ kinh doanh như thế nào thì bây giờ cũng phải có những quy định rõ ràng hơn để tránh việc lợi dụng và để hộ kinh doanh hoạt động minh bạch hơn”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội quan tâm đến quy định xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Song cần nâng lên quy định cấm bởi xử lý nghiêm thì chưa đủ tính răn đe.

“Không dùng từ xử lý nghiêm mà nên thay bằng từ nghiêm cấm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”, đại biểu nêu.

Liên quan đến cơ chế ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo), miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 3 năm đầu, đại biểu cho rằng cơ chế này so với các ưu đãi của Nhà nước dành cho FDI hiện nay vẫn chưa tương xứng.

Hiện, chúng ta miễn thuế thu nhập doanh nghiệp FDI trong 4 năm đầu và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo. Vậy mức ưu đãi doanh nghiệp đổi mới sáng tạo so với FDI là chưa tương xứng. Vì vậy, cân nhắc có ưu đãi cao hơn.

Về mức miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hùng cho rằng cần có chế tài để lường trước doanh nghiệp lập ra hoạt động 3 năm rồi phá sản, sau đó lập thêm nhằm lạm dụng chính sách.

PHẠM ĐÔNG

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/neu-qua-uu-ai-thi-ho-kinh-doanh-doanh-nghiep-nho-va-vua-se-khong-muon-lon/32442411

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *