Sau những tháng ngày chật vật vì sức mua suy giảm và áp lực chi phí, ngành bán lẻ Việt Nam đã chính thức trở lại đường đua bằng những con số tăng trưởng ấn tượng trong quý đầu tiên của năm 2025. Lợi nhuận tăng vọt, tiêu dùng nội địa bùng nổ, nhiều “ông lớn” trong ngành lần lượt công bố kết quả kinh doanh đầy ấn tượng, mở ra kỳ vọng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Theo số liệu từ Cụ Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I đạt tới 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm áp đảo với hơn 1.311,7 nghìn tỷ đồng, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu mua sắm sau những tháng ngày thắt lưng buộc bụng.
Dẫn đầu trong bức tranh tươi sáng đó tiếp tục là Thế Giới Di Động (MWG). Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần quý I lên tới 36.135 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.548 tỷ đồng, trở thành quý có kết quả cao thứ hai trong lịch sử hoạt động. Thành công này đến từ việc kiểm soát tốt chi phí và tăng mạnh doanh thu tài chính, đạt gần 700 tỷ đồng – cao hơn 18% so với cùng kỳ. Đặc biệt, việc mở rộng ra thị trường quốc tế với chuỗi EraBlue tại Indonesia cũng bắt đầu mang lại những kết quả tích cực.
Bước vào năm 2025, MWG đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng. Chỉ sau quý I, doanh nghiệp đã nhanh chóng hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trên đường đua tăng trưởng, FPT Retail (FRT) cũng có quý kinh doanh bùng nổ. Doanh thu thuần đạt 11.670 tỷ đồng, tăng tới 29% so với cùng kỳ và lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là đầu tàu khi mang về 8.054 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng tới 46% và chiếm gần 70% tổng doanh thu toàn hệ thống. Trong khi đó, FPT Shop dù chịu sức ép cạnh tranh lớn nhưng vẫn duy trì ổn định với 3.682 tỷ đồng doanh thu. Đáng kể, kênh bán hàng online ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật 38%, đạt 2.146 tỷ đồng.
Nhờ duy trì biên lợi nhuận gộp quanh mức 20%, FRT ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 273 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ và hoàn thành 30% kế hoạch năm. Đây được xem là kết quả của chiến lược kiểm soát chi phí chặt chẽ và tập trung vào các mảng có biên lợi nhuận cao.
Digiworld (DGW) cũng không đứng ngoài xu thế tăng trưởng. Trong quý đầu năm, doanh thu thuần của DGW đạt 5.294 tỷ đồng, tăng 6%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, tăng 14%. Đáng chú ý, mảng thiết bị gia dụng trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng lên tới 90%, chủ yếu nhờ thương hiệu Philips được phân phối từ cuối năm 2024. Các mảng sản phẩm chủ lực như laptop, máy tính bảng và thiết bị văn phòng cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 16% và 20%.
DGW đặt mục tiêu đầy thách thức trong năm nay với doanh thu 25.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng – những con số cao nhất trong vòng ba năm gần đây. Với kết quả quý I, doanh nghiệp đã đi được 20% chặng đường.
Ở lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng thiết yếu, WinCommerce – đơn vị quản lý hệ thống WinMart và WinMart+ – sau giai đoạn tái cấu trúc kéo dài đã lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận dương trong quý I. Dù chưa công bố con số cụ thể, đây được xem là tín hiệu lạc quan cho mô hình kinh doanh mà Masan theo đuổi. WinCommerce cũng đặt kế hoạch mở thêm 1.000 cửa hàng trong năm nay, sẵn sàng trở lại đường đua bán lẻ hiện đại.
Trái ngược với không khí sôi động của phần lớn thị trường, PNJ lại có quý kinh doanh không mấy khởi sắc. Doanh thu thuần của “ông lớn” ngành bán lẻ trang sức giảm mạnh 23% xuống còn 9.635 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng hạ nhẹ về 678 tỷ đồng. Nguồn cung vàng miếng khan hiếm được cho là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Dù thị trường có sự phân hóa, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng ngành bán lẻ trong năm nay. Với FRT, chuỗi Long Châu tiếp tục được đánh giá là động lực tăng trưởng chủ lực, nhất là khi công ty đang mở rộng thêm mảng dịch vụ tiêm chủng. BVSC dự báo, đến cuối năm 2028, Long Châu có thể chạm mốc 3.000 nhà thuốc và cải thiện biên lợi nhuận nhờ tăng tỷ trọng sản phẩm ngoài thuốc.
Với MWG, triển vọng phục hồi mạnh mẽ tiếp tục được củng cố. Theo dự báo của MBS, doanh thu năm nay của MWG có thể đạt 147.567 tỷ đồng, tăng gần 10%, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 5.094 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Đáng chú ý, chuỗi Bách Hóa Xanh – sau khi đạt lãi trong năm 2024 – sẽ là mũi nhọn để MWG mở rộng thị phần, đặc biệt tại khu vực miền Trung.
Digiworld cũng được các chuyên gia đánh giá cao nhờ khả năng thích ứng nhanh và ít chịu tác động từ các chính sách thuế quốc tế. Vietcombank Securities (VCBS) dự phóng doanh thu năm 2025 của DGW đạt 25.164 tỷ đồng, tăng 14%, lợi nhuận sau thuế đạt 529 tỷ đồng, tăng 19%. Đáng chú ý, mảng sản phẩm ngoài công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 31% tổng doanh thu trong năm nay.
Nhìn lại quý I/2025, có thể thấy sự phục hồi của ngành bán lẻ không chỉ đến từ yếu tố thị trường mà còn nhờ vào những bước đi chiến lược, linh hoạt và đầy quyết đoán của các doanh nghiệp. Với đà tăng trưởng hiện tại, năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm bứt phá trên hành trình khẳng định vị thế của ngành bán lẻ Việt Nam.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nganh-ban-le-tang-toc-manh-me-va-not-tram-lang-le-tu-pnj-1378123.html