Bangladesh và Campuchia nằm trong số những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thuế quan Mỹ.
Một số quốc gia ở châu Á đã nhận được thông báo về mức thuế quan mới do Mỹ áp dụng có hiệu lực từ ngày 1/8
Trên khắp châu Á, các liên đoàn lao động và hiệp hội ngành hàng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với công nhân ngành may mặc.
Theo họ, thuế suất cao có thể buộc các công ty phải đóng cửa hoặc chuyển sang các nước láng giềng có mức thuế thấp hơn, dẫn đến mất việc làm hàng loạt.
“Nguy cơ mất việc sẽ khiến thu nhập của người lao động giảm mạnh và ảnh hưởng đến khả năng duy trì cuộc sống hằng ngày của họ,” ông Ath Thorn, Phó Chủ tịch Liên minh Công đoàn Dân chủ Công nhân May mặc Campuchia, đại diện cho 80.000 lao động tại 40 nhà máy, nhận định.
Một số quốc gia châu Á đã nhận được thông báo về mức thuế mới của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, sau khi thời gian tạm hoãn kéo dài 90 ngày kết thúc.
Các trung tâm sản xuất như Bangladesh và Campuchia sẽ đối mặt với mức thuế cao lần lượt là 35% và 36%, trong khi các nước láng giềng vẫn đang đàm phán với chính quyền Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế mới thông qua thư chính thức đăng trên nền tảng mạng xã hội của ông, Truth Social vào ngày 8/7.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Bangladesh. Năm ngoái, xuất khẩu từ Bangladesh sang Mỹ đạt 8,4 tỷ USD, trong đó hàng may mặc chiếm tới 7,34 tỷ USD.
Theo số liệu hải quan Campuchia, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 đạt gần 10 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của cả nước. Hơn một nửa hàng hóa Campuchia xuất sang Mỹ là hàng may mặc, giày dép và đồ du lịch như vali, túi xách, lĩnh vực chiếm gần một nửa doanh thu xuất khẩu và sử dụng hơn 900.000 lao động.
Các tổ chức công đoàn và hiệp hội ngành cảnh báo rằng nhóm lao động này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu mức thuế cao buộc doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển sang quốc gia có mức thuế thấp hơn.
Dù Campuchia đã giảm được thuế suất từ mức 49% hồi tháng 4, ngành dệt may, một trong những trụ cột kinh tế chủ chốt của quốc gia này, vẫn chìm trong lo lắng.
Tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với hàng dệt may làm gia tăng bất ổn trong toàn bộ chuỗi cung ứng ngành may mặc châu Á. Ảnh: CNBC
Nỗi lo này cũng được cảm nhận rõ tại Bangladesh, quốc gia phải chịu mức thuế 35%. Giáo sư kinh tế Selim Raihan của Đại học Dhaka cảnh báo rằng nếu các đối thủ của Bangladesh như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có mức thuế thấp hơn, nước này sẽ rơi vào thế bất lợi cạnh tranh nghiêm trọng.
“Sự bất lợi đó có thể khiến việc ra quyết định trong chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn và làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư lẫn khách hàng”, ông Selim Raihan nói và nhấn mạnh, khi chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận bị thu hẹp do thuế, nhiều nhà máy dệt may có thể buộc phải cắt giảm quy mô hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Tại Bangladesh, mức thuế mới 35% của Mỹ cao hơn hơn gấp đôi mức hiện tại là 15%. Theo ông Mohiuddun Rubel, cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), hiện là Phó Tổng Giám đốc hãng Denim Expert: “Với mức thuế tăng hơn gấp đôi, bạn có thể hình dung giá thành sản phẩm sẽ tăng thế nào không?”
Câu hỏi lớn đặt ra là mức thuế áp cho các đối thủ chính như Ấn Độ và Pakistan sẽ ra sao? Mỹ hiện đang đàm phán thương mại với Ấn Độ, trong khi chưa công bố mức thuế tương hỗ cho Pakistan.
Các chuyên gia thương mại cảnh báo, tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với hàng dệt may không chỉ gây chấn động tại Bangladesh và Campuchia mà còn làm gia tăng bất ổn trong toàn bộ chuỗi cung ứng ngành may mặc châu Á, nơi chiếm hơn 60% tổng xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu.
Việc tái định hình dòng chảy thương mại do thuế quan chênh lệch giữa các nước đang khiến các nhà đầu tư rơi vào thế bị động, đồng thời đẩy nhiều quốc gia châu Á vào thế cạnh tranh để giữ chân các đơn hàng lớn.
Tiến sĩ Deborah Elms, Giám đốc điều hành Tổ chức Thương mại Châu Á (Asian Trade Centre) tại Singapore nhận định: “Khi Mỹ dùng chính sách thuế như công cụ địa chính trị, châu Á trở thành chiến trường thương mại mới. Các nước buộc phải đàm phán song phương hoặc nhượng bộ chính sách để bảo vệ năng lực xuất khẩu của mình, thay vì hướng tới hợp tác đa phương như trước.”
Bà cho biết thêm, sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế với các quốc gia có năng lực sản xuất tương đồng sẽ chỉ khiến chuỗi cung ứng toàn khu vực trở nên mong manh hơn, đồng thời làm trầm trọng thêm sự bất ổn cho hàng triệu lao động phụ thuộc vào ngành may mặc.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng làn sóng chuyển dịch đơn hàng có thể không mang lại lợi ích dài hạn cho các nước được hưởng thuế thấp hơn. Thay vào đó, điều này có thể kích thích một chu kỳ mới của cuộc đua “lao động giá rẻ”, khiến các tiêu chuẩn về quyền lợi người lao động, môi trường và an sinh xã hội bị xói mòn.
Nhận định về vấn đề này, ông Rajeev Desai, chuyên gia chính sách tại Liên minh Dệt may bền vững Châu Á cho rằng: “Thay vì cạnh tranh bằng thuế suất, khu vực nên hướng tới một chiến lược phối hợp để đàm phán lại điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ, với trọng tâm là phát triển bền vững và bình đẳng thương mại.”
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/nganh-may-mac-chau-a-loay-hoay-ung-pho-voi-thue-quan/33873018