Ngành phân bón tìm lại “mùa bội thu” sau thời gian dài trầm lắng

Sự trở lại ấn tượng của các doanh nghiệp chủ lực

Sau thời gian dài chịu áp lực từ giá nguyên liệu, nhu cầu suy yếu và cạnh tranh gay gắt, bức tranh tài chính quý II/2025 của ngành phân bón bất ngờ sáng lên khi nhiều doanh nghiệp đồng loạt công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Có đơn vị báo lãi kỷ lục trong lịch sử, có đơn vị vượt xa kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng. Lợi nhuận ròng tăng tới ba chữ số đã thắp lại kỳ vọng về chu kỳ tăng mới, dù vẫn còn những tín hiệu cần thận trọng.

Phân bón
Một điểm chung đáng chú ý trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 là nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng

Không chỉ phục hồi sau một năm 2024 đầy khó khăn, nhiều doanh nghiệp phân bón còn cho thấy khả năng bật tăng ngoạn mục về lợi nhuận. Một trong những điểm sáng đáng chú ý là Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển. Trong quý II năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lãi sau thuế lên tới 40,5 tỷ đồng, cao gấp gần bốn lần cùng kỳ, đồng thời lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong suốt lịch sử hoạt động. Tỷ suất lợi nhuận ròng cải thiện rõ rệt, từ mức 3,1% năm ngoái lên 11,7%.

Lợi nhuận sau thế
Nguồn: Tổng hợp

Không kém cạnh, Công ty CP DAP – VINACHEM cũng có một quý kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận sau thuế đạt 153,3 tỷ đồng, tăng gần 140% so với cùng kỳ năm 2024. Cơ cấu doanh thu tập trung chủ yếu vào sản phẩm phân bón DAP – mặt hàng đang được hưởng lợi từ giá bán tăng và sản lượng tiêu thụ khả quan. Đáng chú ý, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã vượt gần 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm, cho thấy khả năng nắm bắt thị trường rất kịp thời.

Trong khi đó, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc gây bất ngờ khi đảo chiều hoàn toàn so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2024, công ty này từng lỗ hơn 137 tỷ đồng, nhưng đến năm nay đã ghi nhận khoản lãi sau thuế 42 tỷ đồng. Đây không chỉ là kết quả của việc cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 6,1% lên 13%, mà còn đến từ nỗ lực kiểm soát chi phí tài chính, vốn từng là gánh nặng lớn đối với Đạm Hà Bắc.

Cuộc so găng thầm lặng về biên lợi nhuận

Không chỉ doanh thu hay lợi nhuận ròng, quý II/2025 cũng là thời điểm các doanh nghiệp ngành phân bón “khoe” được hiệu quả trong sản xuất thông qua chỉ số biên lợi nhuận gộp, một thước đo phản ánh khả năng kiểm soát chi phí đầu vào và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Trong nhóm các doanh nghiệp phân lân, Công ty CP Phân lân Ninh Bình nổi bật với biên lợi nhuận gộp đạt 23,9%, cao nhất trong số những công ty đã công bố báo cáo tài chính. Đây là kết quả của việc nâng giá bán trung bình lên hơn 14%, đồng thời gia tăng nhẹ sản lượng tiêu thụ cả phân lân lẫn NPK. Công ty cũng khéo léo tận dụng được thị trường quốc tế, khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản và Úc.

Biên lợi nhuận
Nguồn: Tổng hợp

Với Văn Điển, biên lợi nhuận gộp trong quý cũng được cải thiện rõ rệt, tăng từ 20,1% lên 23,6%. Điều này xuất phát từ việc sản phẩm phân lân nung chảy tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm đến 82,5% doanh thu, đồng thời có tỷ suất lợi nhuận cao hơn mặt bằng chung.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng duy trì được “phong độ”. Dù doanh thu tăng gần 79%, Supe Lâm Thao lại chứng kiến biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh từ 26,4% xuống chỉ còn 14,7%, khiến lợi nhuận sau thuế quý II giảm gần 24%. Nguyên nhân đến từ chi phí giá vốn tăng quá nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, cho thấy không phải cứ doanh thu cao là lợi nhuận sẽ đi cùng.

Vượt kế hoạch sớm, nhưng chưa chắc đã “an toàn”

Một điểm chung đáng chú ý trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 là nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng.

DAP – VINACHEM là một ví dụ khi đạt 275 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt hơn 27% kế hoạch cả năm. Phân lân Văn Điển cũng đã hoàn thành hơn 81% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận. NFC – Phân lân Ninh Bình còn gây ấn tượng mạnh khi vượt 35% kế hoạch lợi nhuận, nhờ không chỉ tăng trưởng kinh doanh cốt lõi mà còn có dòng tiền tài chính dồi dào, với khoản lãi tiền gửi tăng tới 668% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, cũng có những cái tên chưa hoàn toàn vững chắc. Đạm Hà Bắc dù đã thoát lỗ nhưng mới chỉ đạt hơn 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Supe Lâm Thao chỉ hoàn thành khoảng 60% kế hoạch, dù vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Sự phân hóa này cho thấy ngành phân bón đang bước vào giai đoạn sàng lọc, nơi chỉ những doanh nghiệp có chiến lược giá hiệu quả, kiểm soát tốt đầu vào và sở hữu mạng lưới phân phối mạnh mới có thể duy trì đà tăng trưởng.

Cẩn trọng với những biến số phía trước

Dù quý II mang lại tín hiệu tích cực, triển vọng nửa cuối năm vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. Một trong những rủi ro lớn nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là than, amoniac và lưu huỳnh – những yếu tố có thể khiến giá vốn bị đẩy lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Ngoài ra, cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc, cùng với diễn biến khó lường về thời tiết và mùa vụ trong nước cũng là những yếu tố không thể xem nhẹ. Với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, diễn biến kinh tế toàn cầu, tỷ giá và chính sách của các nước nhập khẩu sẽ tác động đáng kể đến hoạt động tiêu thụ.

Tuy vậy, điểm sáng là những doanh nghiệp có sản phẩm chuyên biệt, như phân lân nung chảy hay DAP, vẫn đang giữ lợi thế nhất định nhờ ít bị thay thế và có chỗ đứng rõ nét trong thị trường nội địa.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nganh-phan-bon-tim-lai-mua-boi-thu-sau-thoi-gian-dai-tram-lang-1392973.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *