Ngành vận tải biển khởi đầu chậm quý 1
Sau 2 quý tích cực cuối năm 2024, ngành vận tải biển bước vào năm 2025 với diễn biến phân hóa. Mặc dù tổng doanh thu tăng nhẹ, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lại đi lùi do chịu tác động từ kỳ nghỉ Tết kéo dài, thị trường quốc tế suy yếu và chi phí sửa chữa, khấu hao tăng cao.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu của 23 doanh nghiệp vận tải biển (trên sàn chứng khoán HOSE, HNX, UPCoM) trong quý 1/2025 đạt gần 12.1 ngàn tỷ đồng, tăng 6.6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng toàn ngành hơn 1 ngàn tỷ đồng, tăng 10%, chủ yếu nhờ một số tăng trưởng vượt trội.
HAH và TOS dẫn đầu tăng trưởng
Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) tăng trưởng ấn tượng nhất quý này khi doanh thu đạt 1,169 tỷ đồng, tăng 66% và lợi nhuận gấp gần 4 lần cùng kỳ, lên tới 233 tỷ đồng. Điểm khác biệt với quý 1 năm ngoái là HAH đưa thêm 4 tàu vào khai thác. Bên cạnh đó, sản lượng và giá cước vận tải tăng là nguyên nhân tạo kết quả thuận lợi trong kỳ.
Dịch vụ biển Tân Cảng (UPCoM: TOS) cũng có quý đầu năm rực rỡ với doanh thu 881 tỷ đồng, tăng 73%; lãi ròng 206 tỷ đồng, tăng 474%. TOS cho hay, đã tăng đơn giá thuê so với cùng kỳ và triển khai hiệu quả các phương tiện ngoài khơi. Phần thanh lý tài sản cố định cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cuối cùng.
Không nhiều doanh nghiệp vận tải biển tăng trưởng lợi nhuận quý đầu năm 2025 (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Nhu cầu suy yếu, tàu hàng khô gặp khó
Dù tổng thể ngành tăng trưởng, vẫn có nhiều cái tên gặp thách thức lớn. Đáng chú ý là Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) khi doanh thu giảm tới 58% và từ lãi hơn 74 tỷ đồng cùng kỳ chuyển thành lỗ hơn 53 tỷ đồng. Theo VOS, thị trường tàu hàng khô và tàu dầu rất ảm đạm, giá cước chạm đáy quanh Tết Nguyên đán; trong khi nhiều tàu lớn lên đà sửa chữa định kỳ, không tạo ra doanh thu.
Tương tự, Vận tải Biển Vinaship (UPCoM: VNA) cho biết: thị trường tàu hàng khô quốc tế ảm đạm trong quý đầu năm do nhu cầu suy yếu, hoạt động bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ kéo dài, cộng thêm việc tàu Vinaship Unity phải sửa chữa trong tháng 1 khiến lợi nhuận giảm tới 70%.
Ở mảng vận tải nhựa đường, Vận tải Hóa Dầu VP (UPCoM: VPA) dù doanh thu tăng 32% nhưng vẫn lỗ hơn 6 tỷ đồng, do chi phí tài chính tăng mạnh vì biến động tỷ giá.
Giảm lợi nhuận do sửa chữa tàu
Quý 1, nhiều cái tên suy giảm lợi nhuận do tàu lên đà sửa chữa. Bên cạnh VOS và VNA, Vận Tải Và Tiếp Vận Phương Đông Việt (UPCoM: PDV) lãi giảm mạnh 47%, dù doanh thu tăng hơn 10%, do 1 tàu phải ngừng khai thác 10 ngày để bảo trì.
Cả doanh thu và lợi nhuận của Vận tải Xăng dầu đường Thủy Petrolimex (HOSE: PJT) giảm lần lượt 12% và 44%, do ảnh hưởng của hoạt động sửa chữa tàu và nhu cầu thị trường giảm.
Trong khi đó, Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (HOSE: PVP), dù có thêm tàu Pacific Pride đóng góp doanh thu, vẫn báo lãi giảm gần 13%, do chi phí vốn tăng và giá cước đi xuống.
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Một số xoay chuyển tình thế
Một vài doanh nghiệp ghi dấu ấn tích cực khi chuyển từ lỗ sang lãi. Điển hình là Vinafco (UPCoM: VFC) khi lãi ròng 8.6 tỷ đồng, đảo chiều so với khoản lỗ gần 4 tỷ đồng cùng kỳ, nhờ mảng dịch vụ vận tải và kho bãi tăng trưởng.
Logistics Vicem (HOSE: HTV) cũng quay lại có lãi 3.6 tỷ đồng, so với khoản lỗ quý 1 năm ngoái, nhờ doanh thu tăng và có thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản đã hết khấu hao.
– 08:02 16/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/nganh-van-tai-bien-khoi-dau-cham-quy-1-737-1309085.htm