Nghịch lý: Chỉ số tăng, nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ

Chứng khoán toàn cầu chịu áp lực điều chỉnh

Tâm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua vẫn là cổ phiếu họ Vingroup khi VIC tăng hơn 16%, VHM tăng 18% và VRE tăng 4,7%. Nhìn rộng ra toàn thị trường, đa phần cổ phiếu đạt mức tăng tốt là những mã riêng lẻ, điển hình như HAH, GEX, CII, HVN, DPG, EIB. Vì lẽ đó, thị trường chung và VN30 tuy tăng điểm nhưng mức tăng chỉ được đóng góp chính bởi một số ít cổ phiếu, nhất là các mã họ Vingroup.

Khối ngoại sau 2 tuần mua ròng đã quay bán ròng trở lại, với tổng giá trị 569 tỷ đồng. Khối này bán mạnh nhất các mã VHM, FPT, VCB, MSN, HCM. Ngược lại, họ mua ròng STB, HVN, VIX, VIC. Như vậy, trái ngược với kỳ vọng của đa số nhà đầu tư vào một xu hướng mua ròng mạnh mẽ, khối ngoại dường như cho thấy họ đang có ý đồ “lướt sóng” nhiều hơn là duy trì xu hướng mua ròng dài hạn.

Trên thị trường tài chính toàn cầu, tình trạng rung lắc mạnh xuất hiện tại không ít thị trường, dưới sức ép từ “cơn bão trái phiếu” bắt nguồn tại Mỹ. Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công quy mô lớn – một bước đi được cho là sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách vốn đã phình to của nền kinh tế số 1 thế giới.

Nhà đầu tư lo ngại rằng, nếu Chính phủ Mỹ phát hành thêm lượng lớn trái phiếu để bù đắp thâm hụt, trong khi nhu cầu lại đang giảm thì áp lực lên lãi suất sẽ càng lớn. Thực tế, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã bật tăng lên trên 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007, sau khi một phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm ghi nhận lực cầu yếu chưa từng thấy. Cùng lúc đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng lên đỉnh 13 năm. Trong bối cảnh này, nhiều dòng vốn có xu hướng rút khỏi các tài sản rủi ro, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn.

Về kịch bản sắp tới, tuần giao dịch cuối tháng 5 nhiều khả năng sẽ chứng kiến những phiên rung lắc mạnh hơn. Chúng tôi dự báo, VN-Index sẽ có phiên rũ bỏ nhanh về vùng 1.260 – 1.270 điểm, quanh MA200, sau đó cân bằng trở lại.

Chỉ số tăng, nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây chứng kiến một hiện tượng khá lạ: VN-Index hồi phục mạnh sau một số phiên lao dốc đầu tháng 4, thậm chí đã tiệm cận vùng điểm số cũ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn ngậm ngùi nhìn danh mục “đỏ rực”, tình trạng thua lỗ kéo dài, bất chấp thị trường tăng.

Đồ thị thống kê tỷ lệ cổ phiếu nằm trên các đường trung bình động MA20, MA50 và MA200 cho thấy sự phân kỳ rất rõ giữa chỉ số và độ rộng. Cụ thể, trong khi đường MA20 (màu xanh dương) – đại diện cho xu hướng ngắn hạn – đã bật tăng trở lại, thì hai đường quan trọng hơn về trung và dài hạn là MA50 (màu cam) và đặc biệt là MA200 (màu xám) vẫn ở mức rất thấp. Tỷ lệ cổ phiếu nằm trên MA200 hiện chỉ quanh mức 25 – 30%, tức là chỉ khoảng một phần tư thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn.

Điều này phản ánh một thực tế: Sự hồi phục hiện tại chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu trụ, có vốn hóa lớn và sức ảnh hưởng mạnh tới chỉ số. Ngược lại, phần lớn các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ -nơi tập trung dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân – vẫn đang trong trạng thái phục hồi yếu, hoặc chưa thoát khỏi xu hướng giảm.

Chính vì vậy, thị trường có khả năng xuất hiện một nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại. Đó là lúc rũ bỏ một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng tạo cơ hội đón những dòng tiền mới tham gia thị trường khi có mức giá chiết khấu hấp dẫn.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nghich-ly-chi-so-tang-nhieu-nha-dau-tu-van-lo-post369926.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *