Sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp đầy hưng phấn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạm dừng đà leo dốc với phiên điều chỉnh ngày 16/5. VN-Index kết phiên giảm 11,81 điểm, tương ứng 0,9%, dừng ở mốc 1.301,39 điểm. Áp lực chốt lời xuất hiện mạnh mẽ tại vùng kháng cự quanh 1.313 điểm, khiến thị trường không giữ được sắc xanh dù thanh khoản duy trì tích cực. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn giảm 17% so với phiên liền trước, đạt 23.049 tỷ đồng – một tín hiệu cho thấy sự thận trọng bắt đầu lan rộng trong tâm lý nhà đầu tư.
Bước sang phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/5, giới phân tích cho rằng nhịp điều chỉnh có thể tiếp diễn. Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, VN-Index có khả năng sẽ lùi về vùng hỗ trợ 1.250 – 1.280 điểm trong ngắn hạn để tích lũy trở lại. Các chỉ báo tâm lý hiện vẫn ở vùng lạc quan quá mức, làm gia tăng rủi ro điều chỉnh kỹ thuật. Dù vậy, xu hướng ngắn và trung hạn vẫn được đánh giá là tăng, do đó Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu nhưng nên dừng mua mới hoặc cân nhắc chốt lời từng phần để bảo toàn thành quả.
Cùng quan điểm thận trọng, Chứng khoán TPBank (TPS) nhận định, áp lực chốt lời đang gia tăng tại vùng kháng cự kỹ thuật quan trọng. Đồ thị kỹ thuật của VN-Index xuất hiện bộ ba nến đảo chiều, kết hợp với việc chạm ngưỡng Fibonacci mở rộng 161,8% – thường là vùng kháng cự ngắn hạn. Trong bối cảnh các chỉ báo động lượng như RSI, MACD tiến sâu vào vùng quá mua, khả năng điều chỉnh ngắn hạn là hiện hữu. TPS xác định vùng hỗ trợ gần nhất là 1.260 – 1.274 điểm, được củng cố bởi hệ thống các đường trung bình động (MA).
Ở một góc nhìn tích cực hơn, Chứng khoán SHS cho rằng, chỉ số vẫn đang trong xu hướng phục hồi và có thể kiểm tra lại vùng đỉnh cũ tháng 3/2025 quanh 1.320–1.340 điểm. Tuy nhiên, SHS cũng lưu ý rằng việc VN-Index đã tăng gần 230 điểm từ vùng đáy 1.080 – 1.130 điểm khiến vùng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn cho các quyết định giải ngân mới. Nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ lưỡng và ưu tiên những cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng theo triển vọng cơ bản.
Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá áp lực bán trong phiên vừa qua chủ yếu tập trung tại nhóm cổ phiếu VN30, đặc biệt là những mã tăng mạnh thời gian gần đây như FPT và BID – hai cổ phiếu ghi nhận lực bán chủ yếu từ khối ngoại. Dù vậy, ACBS kỳ vọng xu hướng tăng vẫn chưa kết thúc, và chỉ số có thể sớm quay lại đà tăng, hướng tới mốc 1.320 – 1.340 điểm nếu dòng tiền lớn quay trở lại.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là giao dịch của khối ngoại đang có dấu hiệu đảo chiều, trở thành lực bán tại một số mã dẫn dắt. Đây là yếu tố cần theo dõi sát trong các phiên tới, đặc biệt khi thị trường đang nhạy cảm với diễn biến đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Báo cáo của SHS cũng nhấn mạnh, dù kết quả đàm phán ra sao, khả năng áp thuế vẫn sẽ được thực thi và tác động đến cân đối vĩ mô, cũng như hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng hợp các quan điểm từ các công ty chứng khoán lớn cho thấy, thị trường đang bước vào giai đoạn giằng co quanh vùng 1.300 điểm, với áp lực chốt lời ngắn hạn ngày càng rõ nét. Xu hướng tăng vẫn được duy trì, nhưng độ bền của sóng tăng sẽ phụ thuộc vào động lực mới từ kết quả kinh doanh quý II, chính sách vĩ mô và dòng tiền khối ngoại.
Với bối cảnh hiện tại, chiến lược đầu tư hợp lý là hạn chế mua đuổi, linh hoạt cơ cấu danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để giải ngân có chọn lọc. Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu tốt, trong khi nhà đầu tư ngắn hạn cần cẩn trọng với rủi ro điều chỉnh khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhan-dinh-chung-khoan-phien-19-5-rui-ro-dieu-chinh-sau-chuoi-tang-manh-1379311.html