Chỉ số VN-Index chốt phiên cuối tuần 23/5 tại 1.314,46 điểm, tăng khiêm tốn 0,62 điểm (+0,05%) sau khi có thời điểm lùi sâu về vùng 1.309 điểm – mức thấp nhất trong phiên. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,22% còn 216,32 điểm, trong khi UPCoM-Index tăng nhẹ 0,08% lên 96,22 điểm.
Dù giữ được sắc xanh, thị trường lại ghi nhận sự suy yếu đáng kể về thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn giảm gần 35%, còn khoảng 18.770 tỷ đồng, phản ánh tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau chuỗi phiên hồi phục ngắn hạn.
Theo nhận định từ Chứng khoán SHS, VN-Index vẫn giữ được đà tăng trên vùng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm, tuy nhiên áp lực bán đã gia tăng rõ rệt khi chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũ quanh 1.320–1.340 điểm – vốn là vùng kháng cự mạnh từ tháng 3/2025.
Thanh khoản suy giảm nhanh trong phiên cuối tuần cho thấy dòng tiền ngắn hạn đã có dấu hiệu rút lui, đặc biệt khi lực cầu giá cao không còn mạnh mẽ như những phiên đầu tuần. Dù một số mã trụ vẫn thể hiện sức bật tốt, mặt bằng chung của thị trường đang dần bộc lộ dấu hiệu phân hóa rõ rệt.
SHS khuyến nghị đây không phải là vùng giá lý tưởng để giải ngân mới, bởi mức định giá hiện tại đã tiệm cận các vùng đỉnh ngắn hạn, trong khi bối cảnh đàm phán thương mại Việt – Mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.
Dưới góc nhìn thận trọng hơn, Chứng khoán ACB (ACBS) lưu ý rằng đà bán ra mạnh trong phiên chiều – đặc biệt tại các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup như VIC, VPL – đã kéo chỉ số VN-Index lùi xuống dưới vùng đỉnh ngắn hạn.
Đáng nói, lực bán đi kèm với thanh khoản gia tăng, một tín hiệu không mấy tích cực khi kết hợp với diễn biến giằng co. ACBS cho rằng nhịp điều chỉnh đã bắt đầu hình thành và thị trường có thể bước vào pha giảm điểm, đưa chỉ số quay về vùng hỗ trợ 1.280 – 1.300 điểm trong ngắn hạn.
Cùng quan điểm thận trọng, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường đang bước vào vùng tích lũy ngắn hạn với tín hiệu từ dòng tiền và chỉ báo tâm lý. Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.295 – 1.300 điểm, với rủi ro điều chỉnh gia tăng khi động lượng tăng đã suy yếu.
Yuanta duy trì đánh giá xu hướng ngắn và trung hạn vẫn ở mức TĂNG, tuy nhiên trong bối cảnh thiếu động lực bứt phá, chiến lược phù hợp là dừng mua mới, đồng thời xem xét chốt lời một phần tại các cổ phiếu đã tăng mạnh để bảo toàn thành quả đầu tư.
Về trung hạn, vùng hỗ trợ 1.270 điểm được đánh giá là mốc kỹ thuật quan trọng nếu thị trường điều chỉnh sâu hơn trong những tuần tới.
Trong khi đó, báo cáo từ Chứng khoán TPBank (TPS) cho rằng, VN-Index đang giao dịch tại vùng kháng cự mạnh 1.313 – 1.354 điểm, và các chỉ báo động lượng đều cho thấy thị trường đang ở vùng quá mua. Việc điều chỉnh trong ngắn hạn được xem là cần thiết để tái cân bằng trạng thái kỹ thuật.
Tuy nhiên, TPS vẫn đánh giá thị trường trong trung hạn là ổn định và tích cực, nhờ yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền nội ổn định và kỳ vọng chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục được nới lỏng.
Nhìn chung, giới phân tích đồng thuận rằng tuần tới thị trường có thể cần thêm thời gian để “nghỉ ngơi” và điều chỉnh lành mạnh trước khi bước vào một xu hướng rõ ràng hơn. Việc giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, hạn chế mua đuổi, và ưu tiên cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững chắc sẽ là chiến lược phù hợp cho giai đoạn hiện tại.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhan-dinh-chung-khoan-phien-26-5-dau-hieu-dieu-chinh-bat-dau-xuat-hien-1380612.html