Nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn

Nhằm tăng tính cạnh tranh cũng như có điều kiện mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động, nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng vốn từ nay đến cuối năm 2025.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa được Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ 6.700 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, theo phương án đã được đại hội cổ đông ngân hàng thông qua.

Cụ thể, ACB sẽ phát hành 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới).

Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 6.700 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên 51.367 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III-2025. Báo cáo mới nhất, ACB có vốn điều lệ 44.667 tỷ đồng, đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng quy mô vốn điều lệ toàn ngành.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng được chấp thuận tăng vốn gần 4.300 tỷ đồng, với việc phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng gần 4.171 tỷ đồng.

Cùng với đó, VIB cũng phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành việc tăng vốn trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, NCB phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ tối đa 7.500 tỷ đồng.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 11.780 tỷ đồng lên 19.280 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2024, NCB đã hoàn tất phát hành 617,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ nâng vốn điều lệ lên 11.780 tỷ đồng.

Nếu tính theo vốn điều lệ, hiện, ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng.

Đứng thứ 2 là Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng, tăng 100% so với cuối năm 2023. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), với vốn điều lệ lần lượt 57.004 tỷ đồng và 55.891 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đứng vị trí thứ 5, với vốn điều lệ đạt 53.700 tỷ đồng. Như vậy, sau khi kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng trên được hoàn tất, thứ hạng về vốn giữa các ngân hàng sẽ thay đổi và VietinBank sẽ là ngân hàng có vốn cao nhất.

Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ…

Nguồn vốn “mạnh” cũng đem lại nguồn lực cần thiết giúp ngân hàng ứng phó với những thách thức và biến động của nền kinh tế, cũng như hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Hà Linh-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/nhieu-ngan-hang-co-ke-hoach-tang-von/32668457

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *