Nhiều tín hiệu khởi sắc xuất hiện, nhà đầu tư nên mạnh tay hay thận trọng?
Thị trường chứng khoán thời gian qua đón nhận nhiều thông tin tích cực, nổi bật là các dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thuế quan hay khối ngoại mua ròng trở lại. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị nên hướng đến các cổ phiếu đã tạo đáy và còn cách xa vùng điều chỉnh.
Đó là những chia sẻ của ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 12/05.
Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS)
|
Trump đang “xuống thang” sau nhiều thiệt hại
Trong giai đoạn gần đây, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có xu hướng “xuống thang” sau giai đoạn leo thang khốc liệt. Thuế quan đưa ra với nhiều quốc gia là không tưởng tượng được, chẳng hạn Việt Nam 46%, Trung Quốc là hơn 200%. Theo thống kê, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm sút nhanh chóng, hàng qua cảng container giảm sâu, lượng khách du lịch từ Canada, châu Âu, Nam Mỹ, châu Á đến Mỹ cũng tụt nhanh. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nhất định do leo thang thương mại.
Trung Quốc đã chuyển đổi từ nhập khẩu dầu thô từ Mỹ sang Canada. Đến hết tháng 3, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ xuống mức rất thấp, khiến các nhà xuất khẩu của Mỹ chịu thiệt hại. Đồng thời, các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ (đậu tương, thịt bò) chịu ảnh hưởng khi Trung Quốc chuyển sang nhập từ Mexico, Brazil. Liên quan đến sản xuất công nghiệp, Trung Quốc cũng ngừng nhập máy bay của Boeing.
Sau chuỗi hành động như vậy, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ rất rõ ràng. Tuy nhiên, yếu tố này có thể có độ trễ và sẽ được phản ánh vào số liệu tháng 5 – 6 sắp tới.
Vì vậy, việc “xuống thang” sẽ tác động tích cực đến hoạt động thương mại của Mỹ với các quốc gia khác. Tính đến hết tháng 3, Mỹ đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại tăng nhập từ các quốc gia khác. Gần đây, để tránh đà tăng giá cả, Mỹ phải giảm thuế đối ứng cho một số mặt hàng như thiết bị điện tử về gần bằng 0, bởi đây là hàng hóa được doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc và buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ thuế suất khoảng 10% với những mặt hàng trên.
Việc Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Anh cũng là bước xuống thang rõ ràng. Trong thỏa thuận này, với ô tô, thuế nhập khẩu từ Anh vào Mỹ đã giảm từ 27% xuống còn 10%, thép và nhôm cũng như động cơ, linh kiện hàng không được miễn. Trong khi đó, Anh cam kết mua 10 tỷ USD máy bay Boeing và chịu thuế 10% với những mặt hàng khác.
Còn với Trung Quốc, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm rất sâu, khoảng 18% đến cuối tháng 3. Những mặt hàng như máy móc thiết bị, dệt may, kim loại cơ bản, nhựa và cao su… đã giảm 14 – 33%. Trong tháng 4, số liệu này có thể sẽ còn thấp hơn nữa. Tính đến tháng 3, chưa đến 9% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc – mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008 và 2020 và tương đương giai đoạn 2001-2002.
Ảnh hưởng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức rất lớn, vì vậy ông Sơn kỳ vọng Mỹ sẽ có những thỏa thuận nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất phục hồi về bình thường.
Khối ngoại mua ròng trở lại
Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng được khoảng 4 tuần. Kể từ sau thời điểm mà hầu hết các thị trường giảm mạnh do chính sách thuế quan của Mỹ, các nhà đầu tư quốc tế có dấu hiệu quay lại các thị trường mới nổi, cận biên.
Sau các tuyên bố của Chính quyền Trump, USD đã giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là giới phân tích nhận định rằng các tài sản được định giá bằng USD sẽ kém hấp dẫn hơn, bên cạnh việc nhận thấy những chính sách thương mại của Mỹ là rất khó đoán. Để đảm bảo an toàn cho tài sản, họ đã giảm bớt tỷ trọng đầu tư tại Mỹ. Khi USD giảm thì tiền tệ của các thị trường mới nổi có dấu hiệu tăng giá trở lại, kể đến Yên Nhật, Won Hàn Quốc, Bảng Anh, Euro.
So sánh tương quan cho thấy, kể từ đáy tháng 4, S&P 500 vận động rất kém, giảm gần 4% so với đầu năm, trong khi thị trường mới nổi, cận biên, cũng như MSCI châu Âu phục hồi nhanh chóng và đang tăng hơn 5% so với đầu năm 2025. Điều này cho thấy sự phân bổ dòng tiền đã quay trở lại ở các thị trường này.
Trong bối cảnh đó, thị trường Việt Nam cũng được mua ròng hơn 1,000 tỷ trên cả ba sàn, cho thấy tín hiệu từ khu vực đang tạo ra hiệu ứng rất tích cực. Ông Sơn cũng kỳ vọng chuỗi mua ròng này sẽ kéo dài trong thời gian tới, khi Việt Nam và một loạt quốc gia khác đang chờ đón câu chuyện đàm phán với Mỹ.
Vừa qua, Anh đã có kết quả đàm phán sơ bộ khá tích cực. Hay ở bước đầu, đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp hai bên giảm bớt thiệt hại. Đối với Việt Nam, ông Sơn kỳ vọng sớm có kết quả tích cực để hỗ trợ thị trường.
Kỳ vọng Fed hạ lãi suất thêm 3 lần trong phần còn lại của năm 2025
Trong kỳ họp đầu tháng 5 của Fed, ông Sơn đánh giá có tín hiệu tích cực, bởi nếu Fed đưa ra chính sách nới lỏng vào tháng 6 hoặc 7 sẽ gây ra phản ứng ngược cho thị trường, với việc nghĩ rằng Fed xác nhận nền kinh tế Mỹ có vấn đề. Dễ thấy, khi Fed gần như giữ nguyên chính sách lãi suất ở 4.25 – 4.5%, thị trường phản ứng rất tích cực.
Riêng với mức giảm 0.3% của GDP quý 1, Fed nhấn mạnh nguyên nhân do hoạt động nhập khẩu nhanh chóng, trong đó có khoảng 45% hàng hóa nhập khẩu vào thời điểm kết thúc tháng 3. Còn lại, chi tiêu nội địa và chi tiêu tiêu dùng cá nhân vẫn tăng khoảng 3%. Thị trường lao động vẫn rất mạnh, thất nghiệp duy trì ở mức 4.2% và lượng việc làm mới bình quân khoảng 155,000 việc làm một tháng. Một yếu tố khác là báo cáo lạm phát cho thấy các tín hiệu tích cực.
Trong bài phát biểu của mình, ông Jerome Powell bày tỏ lo ngại về rủi ro lạm phát có thể tăng lên thời gian tới, phản ánh hậu quả của chiến tranh thương mại. Vì vậy, đây là lý do mà Fed sẽ chờ đợi thêm những thông tin về thị trường lao động, cũng như tác động của chiến tranh thương mại đối với lạm phát, để đưa ra lộ trình tiếp theo.
Chuyên gia VPBankS dự báo trong trường hợp không có những ảnh hưởng đáng kể, Fed có thể hạ lãi suất lần lượt vào tháng 7, 10 và 12.
Cổ phiếu đã tạo đáy và cách xa vùng điều chỉnh là lựa chọn hợp lý
Theo ông Sơn, trạng thái của thị trường giai đoạn vừa qua có thể chia làm hai nhóm. Đầu tiên là nhóm đã lấy lại được các đường trung bình quan trọng, kể đến nhóm hóa chất, logistic hay nhóm ngân hàng đã gần như quay trở lại trạng thái “uptrend”.
Giai đoạn này, những nhà đầu tư đang tìm điểm mua mới thì có thể tìm những cổ phiếu có nền giá tốt, đã thực sự tạo đáy ở giai đoạn vừa qua và còn cách khá xa so với vùng bắt đầu điều chỉnh, có thể kể đến như bất động sản khu công nghiệp, với chiến lược mua chiết khấu và đón sóng hồi. Thứ hai, nhà đầu tư cũng có thể chú ý những cổ phiếu đã giảm sâu và tạo đáy, bật tăng trở lại như là công nghệ. Đây là giai đoạn các cổ phiếu đang phục hồi khi Mỹ và các đối tác thương mại lớn quay trở lại bàn đàm phán.
Trong ngắn hạn, ông Sơn nghiêng về kịch bản nhóm ngân hàng sẽ dẫn sóng. Dịp nghỉ lễ vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã chững lại, nhưng gần đây lấy lại đà tăng.
– 10:43 13/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/nhieu-tin-hieu-khoi-sac-xuat-hien-nha-dau-tu-nen-manh-tay-hay-than-trong-145-1307769.htm