Nhịp đập Thị trường 15/05: Bất động sản gây sức ép nhưng đã có cứu tinh ngân hàng

Nhịp đập Thị trường 15/05: Bất động sản gây sức ép nhưng đã có cứu tinh ngân hàng

Sau khi chịu nhiều áp lực trong phiên sáng, mốc 1,300 lập tức thể hiện xuất sắc vai trò hỗ trợ khi lực cầu bắt đầu xuất hiện tại đây, giúp VN-Index lập tức hồi phục và kết phiên tại 1,313.2 điểm, tương ứng tăng 3.47 điểm. Điểm nhấn là hai ngành vốn hóa lớn gồm ngân hàng và bất động sản có diễn biến hoàn toàn trái ngược.

Sắc xanh cũng hiện diện trên HNX-Index khi tăng 0.4 điểm lên 219.28 và UPCoM-Index tăng 0.65 điểm lên 95.54.

Quy mô giao dịch nhỉnh hơn 28,000 tỷ đồng, nhích nhẹ so với phiên hôm qua và cao hơn đáng kể bình quân các phiên gần đây.

Thị trường ghi nhận 410 mã tăng giá hôm nay, bao gồm 28 mã tăng trần, trong khi số lượng giảm giá cũng không thua kém quá nhiều, với 358 mã, trong đó có 5 mã giảm sàn. Còn lại, thị trường có 844 mã đứng giá.

Bức tranh thị trường chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ, với phần lớn động lực tăng điểm hôm nay đến từ nhóm ngân hàng. Những cổ phiếu “vua” tăng giá nổi bật hôm nay kể đến SHB tăng 5.38%, MBB tăng 2.24%, ACB tăng 3.02%, VIX tăng 1.95%, LPB tăng 3.78%, MSB tăng 3.9%, STB tăng 1.75%.

Dòng tiền thúc đẩy ngành ngân hàng hôm nay không thể không nhắc đến khối ngoại, với lực mua ròng hơn 554 tỷ đồng tại MBB, gần 293 tỷ đồng tại SHB, hơn 122 tỷ đồng tại VPB, gần 77 tỷ đồng tại BID, hơn 54 tỷ đồng tại STB hay hơn 45 tỷ đồng tại LPB.

Ngoài ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng tăng giá tích cực, nổi bật là VIX tăng 1.95%, SHS tăng 2.34%, HCM tăng 1.14%.

Ngoài hai ngành kể trên, các ngành còn lại ghi nhận nhiều sự phân hóa, kể đến như thực phẩm, bán lẻ, hóa chất.

Ngược lại, nhóm bất động sản có diễn biến không tích cực, khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá, kể đến hàng loạt ông lớn như VHM giảm 3.97%, VRE giảm 2.23%, TCH giảm 1.94%, NVL giảm 1.22%. Ngược lại, CII tăng 1.89%, CEO tăng 1.54%, HDC tăng 1.71% hay loạt cổ phiếu tăng trần như BCR, API, NRC, CCL.

Đáng nói hơn, bất động sản cũng là ngành giảm mạnh thứ hai thị trường hôm nay, chỉ sau dịch vụ chuyên biệt và thương mại. Với quy mô vốn hóa lớn của mình, không khó nhận ra bất động sản là một trong những áp lực chính của thị trường hôm nay.

Sức ép ở nhóm bất động sản có tác động của khối ngoại, đặc biệt là tại VHM và VRE, lần lượt bị bán ròng hơn 639 tỷ đồng và hơn 237 tỷ đồng.

Sự phân hóa trong hành động của khối ngoại tạo ra kết quả mua ròng nhẹ không quá lớn, gần 193 tỷ đồng, ngày càng nhỏ đi trong các phiên, gần đây. Tuy nhiên, điểm tích cực là khối ngoại đã có 3 phiên liên tiếp mua ròng, điều hiếm khi xảy ra trong suốt thời gian dài đã qua.

Khối ngoại mua ròng phiên thứ ba liên tiếp

Với các diễn biến kể trên, không khó hiểu khi các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản hiện diện ở hai đầu chiến tuyến về độ ảnh hưởng lên VN-Index. Ở top 10 tác động tích cực nhất, có đến 8 cổ phiếu ngân hàng, còn lại VNM và “tân binh” VPL của Vingroup. Trong khi ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản hiện diện, dẫn đầu bởi VHM – thành viên khác trong hệ sinh thái Vingroup.

Ngân hàng và bất động sản đối lập trong đóng góp vào VN-Index

Phiên sáng: Hồi phục tại hỗ trợ 1,300

VN-Index dành phần lớn phiên sáng để điều chỉnh và đã có lúc giảm hơn 8 điểm về sát mốc 1,300. Tuy nhiên, lực cầu trở lại kịp thời tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng giúp chỉ số hồi phục đôi chút, để rồi kết phiên sáng tại 1,306.72, tương ứng giảm hơn 3 điểm.

Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng tạm nghỉ trưa trong sắc đỏ, với việc giảm 0.89 điểm về 217.99, riêng UPCoM-Index tăng 0.47 điểm lên 95.36. Quy mô giao dịch toàn thị trường đạt 14,206 tỷ đồng, cao hơn so với các phiên trước.

Nguồn: VietstockFinance

Sự phân hóa được thể hiện rõ nét trong phiên sáng, khi nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền và đa số cổ phiếu tăng giá, nổi bật là MBB tăng 2.04%, SHB tăng 2.31%, ACB tăng 2.22%, LPB tăng 2.66%, STB tăng 0.63% hay VCB tăng 0.51%. Trong đó, MBB, SHB cũng đang là hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, lần lượt hơn 456 tỷ đồng và hơn 178 tỷ đồng.

Sắc xanh cũng hiện diện trên nhóm chứng khoán nhưng ở mức độ nhẹ hơn, nổi bật là HCM tăng 1.14%, VCI tăng 0.4%, VND tăng 0.33%, SSI tăng 0.21%.

Ngược lại, ngành bất động sản đa phần giảm giá, “lĩnh xướng” bởi bộ ba VHM giảm 4.47%, VRE giảm 4.86% và VIC giảm 1%, hoàn toàn trái ngược với thành viên cùng họ vừa chào sàn HOSE là VPL đang tăng trần 7%. Chính VHM và VRE cũng đang nằm trong nhóm bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất, lần lượt hơn 211 tỷ đồng và gần 157 tỷ đồng.

Các nhóm khác cũng ghi nhận nhiều sắc đỏ là kim loại và khai khoáng, bán lẻ, thiết bị điện, phần mềm.

10h30: Tăng nhanh giảm sốc, VN-Index thay sắc đỏ

Sau những phút đầu tiên đầy hứng khởi, VN-Index nhanh chóng chịu áp lực điều chỉnh để rồi chuyển sang sắc đỏ. Tại thời điểm 10h30, chỉ số giảm 2.28 điểm về 1,307.45, bên cạnh HNX-Index cũng giảm 0.91 điểm về 217.97, riêng UPCoM đang tăng 0.53 điểm lên 95.42.

Nguồn: VietstockFinance

Trong khi đa số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán vẫn giữ được trạng thái sắc xanh chiếm đa số thì nhiều nhóm ngành khác đang chịu áp lực điều chỉnh. Trong đó, nhóm bất động sản nổi bật với bộ ba VHM giảm 2.81%, VRE giảm 4.25% và VIC giảm 1.13%, bên cạnh nhiều cổ phiếu khác như TCH giảm 1.66%, VPI giảm 3.32%, DXG giảm 1.22%.

Nhiều ngành khác cũng đang giảm điểm, dễ thấy là thép với HPG giảm 0.76%, thực phẩm với DBC giảm 1.08%, phần mềm với FPT giảm 1.03%, bán lẻ với MWG giảm 0.78% và PNJ giảm 1.98%, hay thiết bị điện với GEX giảm 2.76%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 403 triệu cp được giao dịch, tương ứng quy mô gần 9,026 tỷ đồng xét về giá trị, nhìn chung cao hơn phiên hôm qua và trung bình giai đoạn gần đây.

Trong bối cảnh đó, khối ngoại tạm thời mua vào gần 1,367 tỷ đồng và bán ra gần 876 tỷ đồng, qua đó mua ròng gần 491 tỷ đồng. Lực mua chủ yếu tại nhóm ngân hàng, gồm MBB hơn 403 tỷ đồng, SHB hơn 95 tỷ đồng, VPB gần 79 tỷ đồng, STB gần 40 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ nhóm ngân hàng tránh bị điều chỉnh mạnh hơn ở thời điểm hiện tại, thậm chí nhiều cổ phiếu vẫn đang giữ được mức tăng tốt.

Ngược lại, nhóm bất động sản đang bị bán ròng mạnh, dẫn đầu bởi bộ ba VHM, VRE và VIC với quy mô lần lượt hơn 91 tỷ đồng, hơn 68 tỷ đồng và hơn 42 tỷ đồng.

Mở cửa: Sắc xanh tràn ngập, VPL tạm lập “hat-trick” tăng trần

Tính đến 9h30, sắc xanh tràn ngập phiên sáng, VN-Index tăng 4.46 điểm lên 1,314.19, nổi bật trên bản đồ thị trường xét theo khối lượng giao dịch là nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây dựng.

Thị trường ghi nhận 303 mã tăng, bao gồm 18 mã tăng trần, nổi bật trong đó là VPL tăng 7% hay nhóm BCG tăng 7%, BCR tăng 15% và TCD tăng 7%. Ở chiều ngược lại, chỉ 160 mã giảm.

Sắc xanh tràn ngập đầu phiên

Nguồn: VietstockFinance

VPL tiếp tục “ghi bàn” với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp kể từ khi niêm yết trở lại trên HOSE, đồng thời mang lại nhiều điểm số nhất cho VN-Index, với gần 2.8 điểm. Tiếp đến là một loạt cổ phiếu ngân hàng, gồm VCB gần 1.8 điểm, ACB gần 0.9 điểm, MBB gần 0.8 điểm, TCB gần 0.5 điểm, VPB gần 0.4 điểm, LPB hơn 0.2 điểm, STB gần 0.2 điểm. Tổng thể, top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index đóng góp hơn 8 điểm.

Dù VPL tăng trần, nhưng bộ ba cùng họ Vingroup còn lại là VHM, VIC và VRE lại đồng loạt mang sắc đỏ và nằm trong nhóm lấy đi nhiều điểm số nhất, lần lượt gần 0.7 điểm, hơn 0.6 điểm và hơn 0.3 điểm.

Nguồn: VietstockFinance

Nhìn sang các thị trường châu Á, diễn biến mở cửa trái chiều, với những Hang Seng, Singapore Straits Times tăng nhẹ, trong khi All Ordinaries, Nikkei 225, Shanghai Composite giảm điểm.

Ở Mỹ đêm qua, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/05, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng điểm, trong khi Dow Jones đi xuống. Với S&P 500, chỉ số này đã lấy lại những gì đã mất trong năm.

Những thay đổi của hệ thống KRX

STT

Thay đổi

Hệ thống hiện tại

Thay đổi ở hệ thống mới

1

Lệnh giao dịch

– Lệnh ATO, ATC được ưu tiên trước lệnh giới hạn (LO) khi so khớp
                                                – Bảng giá hiển thị 3 mức giá chào mua bán tốt nhất của tất cả các lệnh đặt trong đợt khớp lệnh định kỳ
                                                – Bảng giá có ký hiệu lệnh ATO, ATC
                                                – Lệnh PLO từ 14h45-15h: Khớp lệnh liên tục

– Lệnh ATO/ATC sẽ không được ưu tiên trước lệnh LO mua giá trần và lệnh LO bán giá sàn đã nhập vào hệ thống trước đó khi thực hiện so khớp
                                                – Bảng giá hiển thị 3 mức giá dư mua/dư bán tốt nhất còn lại sau khi dự kiến khớp
                                                – Các lệnh ATO, ATC còn dư sẽ được hiển thị tại mức giá xác định như lệnh LO
                                                – Lệnh PLO từ 14h45–14h50: Khớp lệnh định kỳ. Lệnh PLO từ 14h50–15h: khớp lệnh liên tục

2

Sửa/Hủy lệnh

Cho phép sửa đồng thời cả giá và khối lượng trong một lần sửa

Không được đồng thời sửa cả giá và khối lượng cùng một lúc

3

Giao dịch lô lẻ

– Khớp lệnh lô lẻ: 09h15–11h30 và 13h00–14h30 (Khớp lệnh liên tục)
                        – Thỏa thuận lô lẻ: 09h15–11h30 và 13h00–15h00

– Khớp lệnh lô lẻ: 09h00–11h30 và 13h00–14h45 (Khớp lệnh liên tục và định kỳ)
                        – Thỏa thuận lô lẻ: Phiên trong giờ 09h00–11h30 và 13h00–14h45 // Phiên sau giờ 14h45–15h00

4

Lệnh Thị trường

Lệnh MP giao dịch tại giá thị trường, phần chưa khớp chuyển lệnh LO

Lệnh MP được thay thế thành MTL, trong đó giao dịch tại giá thị trường, phần chưa khớp chuyển lệnh LO

5

Cổ phiếu bị hạn chế

Chỉ giao dịch trong phiên chiều: 13h00–15h00

Được giao dịch cả ngày, nhưng áp dụng phương thức giao dịch khớp lệnh định kỳ nhiều lần PCA (mỗi đợt kéo dài 15 phút)

6

Giao dịch thỏa thuận

– Chỉ bên bán được nhập lệnh
                                                – Được phép sửa lỗi trong giờ giao dịch
                                                – Lệnh thỏa thuận được giao dịch và khớp từ 9h00–15h00

– Bên bán và bên mua đều có thể khởi tạo giao dịch thỏa thuận
                                                – Không được phép hủy/sửa lệnh đã thực hiện
                                                – Bao gồm phiên Thỏa thuận trong giờ (9h00–14h45) và Thỏa thuận sau giờ (14h45–15h)
                                                – Các lệnh thỏa thuận nhập phiên Trong giờ sau 14h45 sẽ bị hết hiệu lực. Khi đó cần nhập lệnh mới cho phiên thỏa thuận Sau giờ

7

Giao dịch chứng khoán của NĐTNN

Room ngoại sẽ giảm khi lệnh Mua của NĐTNN được khớp

Room ngoại sẽ giảm ngay khi lệnh Mua của NĐTNN được nhập mới hoặc sửa tăng khối lượng

8

Thay đổi mã hợp đồng phái sinh

Ví dụ mã VN30F2403

Tên hợp đồng phái sinh theo chuẩn quốc tế, ví dụ 41l1F3000

8

VSDC thu phí bù trừ thay thế cho phí quản lý vị thế đối với giao dịch phái sinh

VSDC thu phí quản lý vị thế 2,550 đồng/hợp đồng/đêm

Không thu phí quản lý vị thế. Thay vào đó thu phí bù trừ với mức cụ thể 2,550 đồng/hợp đồng được khớp

9

Thay đổi mốc thời gian kiểm soát giá trị ký quỹ

VSDC kiểm soát giá trị ký quỹ theo thời gian thực. NĐT muốn giao dịch phải ký quỹ trước lên VSDC. NĐT đóng vị thế, tiền được hoàn trả ngay

Mốc thời gian kiểm soát giá trị ký quỹ của VSDC chuyển sang T+1

Huy Khải

FILI

– 15:50 15/05/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/nhip-dap-thi-truong-1505-bat-dong-san-gay-suc-ep-nhung-da-co-cuu-tinh-ngan-hang-1636-1308800.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *