Đại diện Tập đoàn Nam Long kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ cụ thể hóa chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng quỹ đất và thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long tại tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế – Khơi thông nguồn lực tư nhân”. Ảnh: BTC.
Tại tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế – Khơi thông nguồn lực tư nhân” do VTV tổ chức ngày 27/5, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long cho rằng kể từ khi Nghị quyết 68 được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã được nhìn nhận đúng vai trò, tiếp thêm năng lượng và củng cố niềm tin.
“Đây là một bước ngoặt mới, giúp doanh nghiệp tự tin hơn, đặc biệt là khi làm việc với các đối tác quốc tế”, bà nhấn mạnh.
Do vướng mắc pháp lý, vốn FDI vào bất động sản chưa như kỳ vọng
Thực tế, với hơn 33 năm hoạt động, bà Hương cho biết phần lớn dự án của Nam Long đều kêu gọi vốn từ nước ngoài. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh nghiệp liên tục nỗ lực để khơi thông dòng vốn, có dự án tỷ lệ vốn nước ngoài lên tới 50%.
Vị này nhận định đối với các nhà đầu tư quốc tế, yêu cầu quan trọng nhất khi tham gia một dự án là sự rõ ràng về pháp lý và cam kết về tiến độ triển khai.
Tuy nhiên, trong 3-4 năm qua, việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản khiến dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đổ vào Việt Nam như kỳ vọng, dù các đối tác quốc tế vẫn dành sự quan tâm lớn và sẵn sàng đầu tư dài hạn.
“Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần lỡ hẹn với các nhà đầu tư. Có thời điểm chúng tôi hoàn toàn bất lực bởi những yếu tố khách quan bên ngoài”, bà Hương chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, đại diện Tập đoàn Nam Long cho rằng giá trị lớn nhất mà Nghị quyết 68 mang lại chính là niềm tin. Đây là yếu tố gián tiếp củng cố uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các đối tác nước ngoài.
“Chúng tôi rất mong chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa. Khi các nguồn lực được khơi thông, việc tham gia các dự án lớn, như phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ trở nên khả thi hơn”, bà nói.
Theo bà, chỉ cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, nguồn vốn đầu tư sẽ tăng mạnh, bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, nhất là các dự án TOD. “Họ sẵn sàng tham gia ngay khi cơ chế được triển khai minh bạch và kịp thời”, bà Hương nhấn mạnh.
Bà Hương cũng cho biết trong quá khứ, đối với các doanh nghiệp bất động sản, khâu chuẩn bị đầu tư có thể kéo dài vài năm chỉ để hoàn thiện pháp lý. Với hệ thống thể chế mới, bà hy vọng thời gian này sẽ được rút ngắn, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bà Hương đánh giá cao một trong những chính sách trụ cột vừa được đề xuất, đó là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực quan trọng như quỹ đất và vốn.
“Đối với doanh nghiệp bất động sản, quỹ đất là yếu tố then chốt. Việc mở cửa cạnh tranh công bằng sẽ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận các nguồn lực này. Chúng tôi mong các chính sách trụ cột sắp tới sẽ sớm được thể chế hóa cụ thể để doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận được quỹ đất”, bà chia sẻ.
Trông chờ những hành động cụ thể
Thực tế, không chỉ Tập đoàn Nam Long, nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đều kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68 cũng như các chính sách liên quan nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và khơi thông nguồn lực phát triển.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – phân tích các chính sách mới trong Nghị quyết 68, Nghị quyết 139 cùng với các hành động cụ thể của Chính phủ đã mở ra nhiều hướng tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp.
Về đất đai, có thể kể đến việc tái khai thác các quỹ đất công chưa được sử dụng, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo được thuê đất trong khu công nghiệp với diện tích tối thiểu.
Về vốn, chính sách hướng tới việc đa dạng hóa các kênh tín dụng, khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sửa đổi luật để mở rộng đối tượng được hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn.
Tuy nhiên, ông Thành nhìn nhận vấn đề “điểm nghẽn” hiện nay nằm ở thực thi. Theo ông, việc ban hành chính sách là chưa đủ, điều quan trọng là chính sách đó có tạo được cơ chế tiếp cận nguồn lực công bằng và hiệu quả cho doanh nghiệp hay không.
TS Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: BTC.
Ở góc nhìn khác, ông Từ Tiến Phát – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng nguồn vốn vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều biến động và chi phí tài chính ngày càng gia tăng. Theo ông, để khu vực kinh tế tư nhân có thể bứt phá, cần thiết kế một hệ thống chính sách tài chính linh hoạt, thực chất và đồng bộ.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phát cho biết ACB đang phục vụ hơn 1 triệu doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá thể – những thành phần rất nhạy bén nhưng cũng dễ bị tổn thương trước các biến động của thị trường và thay đổi trong chính sách.
“Là một ngân hàng tư nhân, chúng tôi thấu hiểu quá trình chuyển dịch của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư, đổi mới, nhưng họ cần thấy rõ sự cụ thể, minh bạch trong chính sách”, ông Phát nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch HĐQT Secoin, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhấn mạnh Nhà nước nên để doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì áp dụng cách làm hạn chế. Đồng thời, cần xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
“Chúng tôi rất thấm thía tư duy ‘không quản được thì cấm’. Điều này đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông nói.
Ông Kỳ lấy ví dụ việc TP.HCM ban hành quy định cấm hoạt động Airbnb trong thời gian gần đây. Theo ông, đây là một minh chứng rõ ràng cho việc “không quản được thì cấm”, trong khi mô hình này đang được áp dụng phổ biến và hiệu quả tại nhiều quốc gia.
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm “Gỡ điểm nghẽn thể chế – Khơi thông nguồn lực tư nhân”. Ảnh: BTC.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty T&T Vina cũng phản ánh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sáng kiến và nhu cầu đầu tư đang bị bó hẹp bởi tư duy quản lý này.
Đối với ngành trồng sầu riêng, ông cho biết nông dân cần vốn lớn để đầu tư ban đầu bởi 1-2 năm đầu không có thu hoạch. Đồng thời, tài sản hình thành trên đất không thể được sử dụng làm tài sản thế chấp.
Vì không thể tiếp cận tín dụng chính thống, nông dân buộc phải tìm đến các kênh tín dụng bên ngoài, hoặc lệ thuộc vào các công ty cung cấp phân bón. Điều này khiến chi phí sản xuất đội lên và rủi ro tài chính tăng cao.
“Người ta phải mua phân bón với giá cao hơn bình thường, hoặc chấp nhận mức lãi suất rất cao. Trong khi đó, họ có tài sản hình thành trên đất nhưng không được công nhận để thế chấp”, ông Tùng bổ sung.
Do vậy, ông đề xuất Nhà nước cần công nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp là đối tượng được thế chấp, thay vì chỉ dựa vào sổ đỏ như hiện nay.
“Nghị quyết thì đã có, tinh thần cũng rất tiến bộ, nhưng nếu không đi sâu vào đời sống thì doanh nghiệp và người dân sẽ không ‘hấp thụ’ được. Chúng tôi rất mong cơ chế sẽ sớm được cụ thể hóa ở cấp thực thi”, ông Tùng nói.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/nlg-nam-long-ky-vong-them-quy-dat-va-von-quoc-te-nho-nghi-quyet-68/32675341