Ngày 1/7/2025, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) tiếp tục công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc kéo dài kỳ hạn một lô trái phiếu thêm 36 tháng.
Theo thông tin từ Novaland, lô trái phiếu có mã NVLB2123012, phát hành từ tháng 1/2022 với tổng mệnh giá tối đa 1.300 tỷ đồng, vốn dự kiến đáo hạn vào tháng 7/2025. Sau khi được người sở hữu trái phiếu chấp thuận, kỳ hạn mới được gia hạn thành 78 tháng, tức dự kiến kéo dài đến ngày 20/7/2028. Lãi suất áp dụng cho phần thời gian gia hạn được ấn định ở mức 11,5%/năm.
Trước đó, doanh nghiệp đã nhiều lần lấy ý kiến trái chủ để thay đổi điều khoản, điều kiện trái phiếu. Việc chốt được thỏa thuận kéo dài kỳ hạn thêm ba năm phản ánh nỗ lực tái cấu trúc nợ trong bối cảnh không dễ huy động nguồn tiền mới. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ của bức tranh nghĩa vụ nợ đang bủa vây Novaland. Ngoài lô trái phiếu được kéo dài kỳ hạn, công ty vẫn đang chậm trả gốc của nhiều khoản vay khác.
Theo kế hoạch, ngày 29/6/2025 Novaland sẽ thanh toán hơn 267,7 tỷ đồng gốc trái phiếu của lô NVLH2123006. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới chỉ thanh toán chậm được hơn 2,8 tỷ đồng, còn lại gần 264,9 tỷ đồng chưa được thanh toán.
Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Novaland cho biết chưa thu xếp được nguồn tiền và đang tiếp tục thương thảo với nhà đầu tư để tìm giải pháp trả nợ. Lô trái phiếu NVLH2123006 được phát hành từ tháng 6/2021, kỳ hạn 2 năm, tổng giá trị phát hành 300 tỷ đồng, mục đích phục vụ mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản và quỹ đất.
Vẫn khó giải bàn toán nợ
Được biết, tính đến hết quý 1/2025, Novaland đang gánh hơn 59.000 tỷ đồng dư nợ. Đáng chú ý, gần như toàn bộ hàng tồn kho, chủ yếu là quỹ đất, dự án bất động sản đã được doanh nghiệp dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay và phát hành trái phiếu.
Để duy trì thanh khoản, tháng 5/2025, Novaland đã phải bán hoặc cầm cố thêm khoảng 1.000 ha đất dự án để huy động hơn 4.500 tỷ đồng trả nợ. Các chuyên gia cảnh báo, khối lượng tài sản bảo đảm khổng lồ này chính là “quả bom hẹn giờ” nếu doanh nghiệp không kịp xoay dòng tiền tái cấu trúc nợ, các chủ nợ có quyền phát mãi để thu hồi vốn.
Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi những thay đổi về pháp lý sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian tới. Cụ thể, Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành từ năm 2017 và gia hạn đến hết ngày 31/12/2023, là cơ chế thí điểm trao quyền cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn. Trong nhiều năm, quy định này đã giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Từ ngày 1/1/2024, Nghị quyết 42 chính thức hết hiệu lực, tạo khoảng trống pháp lý khiến việc thu giữ và phát mãi TSĐB trở lại phức tạp như trước. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng, chính thức luật hóa các nội dung then chốt của Nghị quyết 42. Luật mới khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tài sản trong thi hành án và hoàn trả tài sản tang vật.
Luật này sẽ có hiệu lực từ 15/10/2025, sau khi Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết. Điều này đồng nghĩa, từ cuối năm nay, ngân hàng có đầy đủ cơ sở pháp lý để phát mãi tài sản bảo đảm theo quy trình rút gọn, không còn phụ thuộc vào thỏa thuận kéo dài nợ quá lâu.
Đối với các chủ đầu tư đang dùng gần như toàn bộ quỹ đất, dự án tồn kho làm tài sản bảo đảm, đây là cú siết vô cùng đáng ngại. Với Novaland, khối dư nợ khổng lồ và nghĩa vụ trái phiếu chưa thanh toán triền miên, quy trình phát mãi rút gọn đồng nghĩa: Hoặc xoay được dòng tiền để tất toán nợ, hoặc đối mặt kịch bản ngân hàng phát mãi dự án với mức chiết khấu sâu để thu hồi vốn.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/novaland-se-doi-dien-nhieu-thay-doi-sau-hon-3-thang-nua-1388655.html