Năm 2002, thị trường chứng khoán Việt Nam còn là một khái niệm mới mẻ, chỉ vừa chạm mốc hai năm tuổi đời với lác đác vài doanh nghiệp niêm yết. Trong khi bạn bè cùng khóa tại Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn những bến đỗ an toàn như các cơ quan nhà nước, ngân hàng quốc doanh hoặc đi du học, Nguyễn Vũ Thùy Hương– một sinh viên ngành tài chính – ngân hàng, lại bị hút vào lĩnh vực chứng khoán.
Những tiếp xúc ban đầu qua hình ảnh trên truyền hình về các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế đầy náo nhiệt, nhà đầu tư giơ cao tờ phiếu lệnh, không khí sôi sục… đã đánh thức sự tò mò trong cô sinh viên năm cuối Nguyễn Vũ Thùy Hương. “Tôi muốn thử làm một cái gì đó mới, khác đi”, Hương chia sẻ khi nhớ lại khoảnh khắc lựa chọn nơi thực tập. Sự tò mò cộng thêm một chút gì đó duy tâm đã dẫn Hương đến một nơi thực tập ít người chọn lúc đó là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Trong khi chờ nhận bằng tốt nghiệp, cơ duyên tiếp theo lại đến khi một người bạn gửi thông báo từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tuyển dụng nhân sự cho việc thành lập chi nhánh Hà Nội. Ở phía Nam, SSI là CTCK có tiếng nhưng ở ngoài Bắc lại vô danh vào lúc đó. Nguyễn Vũ Thùy Hương vẫn mạnh dạn nộp hồ sơ ứng tuyển vì thấy các điều kiện mình đều đáp ứng đủ, chỉ thiếu… kinh nghiệm.
Sau nhiều vòng thi tuyển, cô sinh viên này được SSI tuyển vào vị trí giao dịch viên. Chưa kịp cầm bằng tốt nghiệp, Thuỳ Hương khăn gói vào TP.HCM thực tập, bắt đầu hành trình mà không ngờ sẽ kéo dài đến nay là hơn hai thập kỷ.
Khi ấy, SSI là CTCK tư nhân nhưng dẫn đầu thị phần môi giới, vượt xa nhiều đối thủ khác có công ty mẹ là tập đoàn hoặc ngân hàng lớn chống lưng. Học việc tại trụ sở chính, cô nhân viên mới bị cuốn vào không khí sôi sục của sàn chứng khoán. Nhìn các anh chị làm giao dịch ở sàn đông nghẹt người, nhà đầu tư liên tục viết phiếu lệnh, bảng điện nhấp nháy xanh đỏ… Hương cảm thấy rất hào hứng và tự nhủ: “Đây đúng là thứ mà mình thích!”. Với một sinh viên sắp tốt nghiệp, đó là một thế giới đầy năng lượng, nơi mọi thứ dường như có thể xảy ra.
Nhớ lại thời điểm đó, nữ lãnh đạo cấp cao của SSI cho biết, không hề nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với ngành chứng khoán. Với cô sinh viên Nguyễn Vũ Thuỳ Hương, đó chỉ là một chuyến phiêu lưu để khám phá một lĩnh vực mới mẻ.
Thực tế, SSI khi ấy chỉ có vốn điều lệ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, một con số quá nhỏ bé so với các ngân hàng lớn. Ngành chứng khoán lại đầy biến động, thiếu sự ổn định, trong khi nhiều người miền Bắc thời bấy giờ ưu tiên sự ổn định, an toàn. Thế nhưng, chính sự tò mò và niềm đam mê với ngành chứng khoán đã giữ chân cô gái trẻ “cứ ở mãi tại đây”, dù ban đầu chỉ là để thử cho biết.
Sau thời gian đào tạo, Nguyễn Vũ Thuỳ Hương quay lại làm việc với vị trí giao dịch viên ở Chi nhánh Hà Nội mới khai trương. Đội ngũ nhân sự của SSI được tuyển mới (trong đó có Hương) rất nhiệt huyết nhưng gặp phải thực tế nghiệt ngã là gần như không có mấy nhà đầu tư ở Hà Nội biết đến thị trường chứng khoán cũng như SSI.
Thêm một điểm bất lợi khác với thời điểm mở cửa chi nhánh Hà Nội của SSI, TTCK Việt Nam năm 2002 rơi vào giai đoạn thoái trào, chỉ số VN-Index từ đỉnh cao hơn 570 điểm hồi giữa năm 2001 tụt dốc vào năm 2002 và xuống đáy chỉ còn 137 điểm vào năm 2003.
Thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì Hương từng tưởng tượng. Không có sàn giao dịch đông người hay không khí sôi động hoặc náo nhiệt, chi nhánh Hà Nội của SSI trên phố Phan Chu Trinh luôn vắng tanh, không một bóng khách hàng trong nhiều ngày.
Những ngày ấy, cô sinh viên mới tốt nghiệp làm việc nhiều ngày trong cảm giác hụt hẫng vì TTCK bước vào giai đoạn suy thoái. Tại sàn giao dịch trên phố Phan Chu Trinh, các nhân viên của SSI luôn khao khát được nhìn thấy khách hàng tiềm năng ghé qua dù chỉ để nghe giới thiệu, tư vấn chứ không phải đến giao dịch.
Nữ lãnh đạo SSI kể lại kỷ niệm “thời trống vắng”: “Tôi thường ngồi ở quầy giao dịch và nhìn ra cầu thang của toà nhà. Mỗi khi có người đi qua chúng tôi lại mong đó là khách hàng đến SSI đặt lệnh, giao dịch. Có lần, khi nhìn thấy một bóng người đến, gần như cả chi nhánh chạy ra đón, vồn vã, vì cứ tưởng khách đến xem bảng điện hoặc giao dịch. Nhưng hoá ra là mừng hụt. Người ta là khách của VNPT ở văn phòng bên cạnh. Buồn ơi là buồn!”.
Một lần, chi nhánh Hà Nội tổ chức hội thảo để mời khách hàng tới nghe giới thiệu về TTCK và cơ hội đầu tư., Tổng Giám đốc SSI khi ấy đích thân từ TP.HCM ra thuyết trình. Vậy mà gần sát giờ bắt đầu, sàn giao dịch chỉ có khoảng 30 chỗ vẫn thiếu hơn nửa dù các nhân viên SSI đã làm mọi cách mời chào. Để lấp đầy số ghế còn lại, nhân viên SSI đã phải gọi điện “huy động khẩn cấp” người thân là bố, mẹ, anh, chị, em, thậm chí cả em rể, đến ngồi để lấp kín chỗ…
Dù vậy, những nhân viên nhiệt huyết của SSI khi đó không chịu bó tay. Họ tìm nhiều cách để tìm kiếm, quảng bá, giới thiệu SSI tới khách hàng tiềm năng. Trong số giải pháp, một cách là mở sổ danh bạ Những Trang Vàng (Yellow Pages) chọn và gọi từng số điện thoại nhà cá nhân, doanh nghiệp… ở Hà Nội, để giới thiệu SSI. Thế nhưng, một số câu trả lời bất ngờ từ khách hàng tiềm năng khi được nhân viên SSI giới thiệu “từ CTCK Sài Gòn” lại là: “Cái gì! Công ty Nước khoáng Sài Gòn á?” hay “Chìa khoá Sài Gòn á!”…, rồi vội vàng từ chối: “Ôi, tôi không có nhu cầu nhé!”…
Thời điểm đó, trong tâm trí của nhiều nhân viên SSI tại Hà Nội, thị trường chứng khoán dường như không có tương lai. Vì thế, nhiều đồng nghiệp tuyển dụng cùng đợt với Thuỳ Hương đã rời công ty sau khoảng một năm, chuyển sang lựa chọn an toàn hơn như làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc đi du học.
Trong một buổi chiều ngồi cà phê, Thùy Hương có cơ hội trò chuyện với ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Chứng khoán SSI. Nhìn vào cảnh vắng lặng kéo dài, cô giao dịch viên trẻ không ngần ngại chia sẻ suy nghĩ thẳng thắn: “Kinh doanh kiểu này lỗ quá, em nghĩ anh nên đóng cửa chi nhánh Hà Nội đi!”.
Khi ấy, chi nhánh gần như không có khách, doanh thu từ phí giao dịch mỗi ngày chỉ vài chục nghìn đồng, có ngày vỏn vẹn được 37 nghìn đồng, phiên nào sôi động chạm mốc vài trăm nghìn là cả chi nhánh đã vô cùng phấn khởi. Giao dịch ảm đạm, nhiều nhân viên thậm chí… ngồi chơi trong giờ. Trong khi đó, chi phí vận hành – từ tiền thuê nhà, điện nước, lương nhân viên – lên tới hơn 200 triệu đồng mỗi tháng, một khoản rất lớn thời đó.
Trước lời đề nghị thẳng thắn của cô giao dịch viên mới vào nghề, ông Nguyễn Duy Hưng bình thản đáp: “Em còn trẻ lắm, chưa nhận thức đầy đủ. Có những thứ ta làm không phải để kiếm tiền ngay mà là để tạo lập cho tương lai”.
Tuy ban đầu nghĩ đó chỉ là một lời động viên. Nhưng thay vì rời đi trong những ngày thị trường ảm đạm nhất, cô nhân viên SSI Thuỳ Hương quyết định ở lại. Cô tin vào trực giác, vào câu nói đầy niềm tin của vị Chủ tịch, và trên hết là vào một tầm nhìn dài hạn đang bắt đầu hình thành trong tâm trí: Thị trường rồi sẽ có ngày khởi sắc.
Sau đó, không lâu Thùy Hương được chuyển qua làm mảng tư vấn doanh nghiệp, bắt đầu bước sang một chương mới trong quãng đời làm nghề của mình. Nhìn lại, nữ lãnh đạo tâm sự rằng chính cơ hội được tham gia vào các dự án cổ phần hóa là một lý do lớn khiến cô nhân viên trẻ Thuỳ Hương khi đó chọn ở lại SSI. Nếu tiếp tục ngồi quầy giao dịch trong những ngày vắng bóng khách hàng, có lẽ cô nhân viên trẻ kia đã sớm chọn một lối đi khác.
Rẽ hướng sang mảng tư vấn doanh nghiệp, thương vụ đầu tiên cô nhân viên Thuỳ Hương tham gia là tư vấn cổ phần hóa cho một doanh nghiệp thủy điện trong Quy Nhơn, Bình Định. Không hợp đồng, không phí tư vấn, cô và sếp phụ trách vẫn vào tận nơi và quyết định ở lại một tuần để xây dựng và trình bày phương án cổ phần hóa cho doanh nghiệp.
Thế nhưng những ngày đầu thật không dễ dàng, không một ai chào đón, doanh nghiệp chỉ đồng ý ngồi nghe vì buổi tư vấn hoàn toàn miễn phí. Cuối cùng, sự kiên trì được đền đáp. Doanh nghiệp đồng ý để SSI làm đơn vị tư vấn và thương vụ đó trở thành một trong những IPO đầu tiên trên sàn HNX. Đội ngũ SSI phải làm gần như mọi thứ: xây dựng phương án cổ phần hóa, phương án đấu giá, tiếp cận Quỹ đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư cá nhân, gặp ngân hàng xin tín dụng tài trợ cho việc mua cổ phần…..
“Mong bán được hết cổ phần với giá khởi điểm là mừng lắm rồi” – nữ tướng SSI nhớ lại. Nhưng chỉ vài năm sau, cổ phiếu doanh nghiệp tăng gấp đôi, gấp ba, nhà đầu tư thắng lớn. SSI khẳng định được vị thế trên bản đồ tư vấn cổ phần hóa, từ một công ty môi giới đơn thuần trở thành định chế kết nối vốn chuyên nghiệp.
Từ sàn giao dịch vắng vẻ năm 2002, Thùy Hương chứng kiến thị trường chứng khoán bước vào thời kỳ sôi động chưa từng có. Năm 2006-2007, sau khi SSI Hà Nội chuyển trụ sở về đường Trần Bình Trọng, nhà đầu tư xếp hàng từ sớm, chen chúc từ ngoài cửa để mua cổ phần. Có người mang máy đếm tiền, ngồi dưới gốc cây hồng xiêm trao đổi giấy xác nhận trúng đấu giá IPO như một sàn OTC thu nhỏ.
“Thị trường khi ấy đúng nghĩa là nơi giao thoa giữa vốn, kỳ vọng và ước mơ làm giàu”, nữ lãnh đạo SSI kể lại. Trong dòng chảy đó, SSI thực sự trở thành một định chế kết nối các cơ hội với khách hàng, với doanh nghiệp, với ngân hàng. Nữ lãnh đạo tự hào khi mình đã trở thành một phần mật thiết, không tách rời trong cuộc hành trình đó.
Tới năm 2007, tại đúng đỉnh cao của thị trường chứng khoán, cơ hội tiếp tục tới khi ban lãnh đạo SSI quyết định cử Thùy Hương sang Úc du học thạc sĩ. Khoản đầu tư cho chuyến du học khi ấy không nhỏ: khoảng 3 tỷ đồng, tương đương giá trị 10.000 cổ phiếu SSI đang giao dịch trên thị trường với vùng giá gần 300.000 đồng/cp.
Chỉ vài tháng sau đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nổ ra, thị trường chứng khoán lao dốc và SSI phải vật lộn đối mặt với làn sóng bán tháo. Riêng Thùy Hương vẫn đang ở Úc hoàn tất chương trình học thạc sĩ của mình. Nữ tướng SSI bộc bạch: “Đến tận bây giờ, mọi người vẫn còn nhắc lại câu chuyện du học chỉ bằng 10.000 cổ phiếu SSI và khả năng “timing” chuẩn đến bất ngờ (cười)”.
Chuyến đi du học là dấu mốc quan trọng, giúp Thùy Hương khi đó có cái nhìn ngành tài chính cũng như chứng khoán từ một lăng kính quốc tế, để rồi mang theo tinh hoa trở về SSI và đồng hành xuyên suốt những bước chuyển tiếp theo.
Trải qua hơn hai mươi ba năm tại SSI, Nguyễn Vũ Thùy Hương đã kinh qua gần như mọi mảng hoạt động, từ một giao dịch viên không kinh nghiệm đến hiện tại là Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn & Kinh doanh Tài chính.
Với vị nữ lãnh đạo này, SSI chưa bao giờ chỉ là nơi làm việc. Đó là hành trình trưởng thành, nơi biến một cô giao dịch viên chưa có bằng tốt nghiệp thành người chèo lái những khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong chặng đường dài đó, niềm đam mê với thị trường chứng khoán là điều giúp nữ tướng SSI không rời đi trong những ngày thị trường ảm đạm nhất, chọn đặt niềm tin vào tầm nhìn dài hạn mà ban lãnh đạo SSI kiên định theo đuổi suốt hai thập kỷ qua.
Trong quan điểm của nữ lãnh đạo, đầu tư là nghệ thuật kiểm soát cảm xúc và phải học cách quản lý sự kỳ vọng. Dù thị trường lên hay xuống, luôn có cơ hội. Quan trọng là giữ được “vị thế tốt” – cả về tâm lý và tài chính – để có thể tuân thủ kỷ luật đầu tư.
Nữ lãnh đạo cũng tin rằng, thị trường xây dựng dựa trên hành vi con người, là tổng hòa tậm lý của số đông nhà đầu tư, do đó nó có đầy đủ cung bậc cảm xúc. Vì vậy, ngoài kiến thức về chuyên môn, nhà đầu tư cần phải có độ “nhạy”, phải gắn với hơi thở, nhip đập của thị trường hàng ngày để cảm nhận nó, để hiểu những thay đổi, thậm chí tính khí thất thường của nó. Hay nói một cách khác, đầu tư không chỉ đơn thuần là khoa học phân tích các số liệu, biểu đồ, mà hơn cả, đó còn là nghệ thuật kiểm soát cảm xúc và tâm lý. Dù hiện nay công nghệ như AI hay thuật toán và thống kê dữ liệu lớn được ứng dụng nhiều trong giao dịch, nhưng việc dự báo thị trường vẫn chưa bao giờ là dễ dàng, luôn luôn có điều gì đó chưa biết và chưa thể nắm bắt được. Nữ tướng SSI vẫn tin để có thể thành công trên thị trường thì kinh nghiệm và trực giác là yếu tố “người” không thể thiếu, phải rèn luyện và tích lũy trong quá trình đầu tư.
Một ngày làm việc đậm chất riêng Nguyễn Vũ Thuỳ Hương không có ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống. Nữ tướng cho biết mình có thể làm việc 24/7, chỉ khi ngủ mới đặt điện thoại xuống. Công việc không còn là gánh nặng mà trở thành một phần không thể tách rời, thay vì suy nghĩ “phải đi làm”, kể cả thứ 7 hay chủ nhật.
“Nhiều khi ban lãnh đạo SSI còn đùa rằng nếu không cho tôi làm việc, tôi sẽ bị ốm mất”, nữ tướng SSI cười tươi tâm sự.
Điều giúp nữ lãnh đạo thư giãn không tới từ việc hôm nay kiếm được bao nhiêu tỷ hay lợi lãi ra sao mà chính là các số liệu đo lường hiệu quả của các dự án mới đi vào vận hành như bao nhiêu tính năng được golive thành công, lượng truy cập, đăng ký của khách hàng tăng lên hàng ngày hay hiệu quả của sản phẩm đem lại cho khách hàng … Những điều tưởng rất bình thường nhưng đem lại cho nữ tướng SSI nhiều năng lượng, cảm thấy vui hơn rất nhiều.
Nữ lãnh đạo này cũng thường xuyên trao đổi với những người ngoài ngành để có góc nhìn mới mẻ. Bởi lẽ làm trong lĩnh vực đầu tư cần hiểu nhiều ngành nghề khác nhau, do đó nói chuyện với người ngoài ngành giúp nữ tướng SSI nhận ra những góc nhìn mà mình có thể bỏ sót. Thị trường không chỉ là nơi kiếm lợi nhuận mà còn là một trường học, nơi học cách lắng nghe, phân tích và hành động dựa trên cả lý trí lẫn trực giác. “Thị trường luôn đúng. Nếu mình nghĩ đúng mà thị trường nghĩ khác, thì có nghĩa là mình sai”, nữ lãnh đạo khẳng định.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 đang tiệm cận đỉnh lịch sử, không chỉ điểm số mà cả chất và lượng đều đã phát triển rất nhanh. Nhưng với nữ lãnh đạo SSI, có hai thứ không đổi đó là: thị trường luôn tạo cơ hội, và doanh nghiệp tốt sẽ luôn được trả giá xứng đáng trong dài hạn.
Nữ tướng SSI cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam mới tròn 25 tuổi, còn quá non trẻ nếu so sánh với các thị trường chứng khoán nổi tiếng trên thế giới đã tồn tại hàng trăm năm. Hành trình còn rất dài phía trước. Nữ lãnh đạo ví thị trường chứng khoán Việt Nam như một cuốn sách mang tên “Hành trình của những giấc mơ”, mang theo rất nhiều ước mơ, hoài bão của các nhân vật trong cuốn sách. Giấc mơ kiến tạo một thị trường chứng khoán ổn định, minh bạch của những người sáng lập; Giấc mơ trở nên giàu có của các nhà đầu tư cá nhân; Giấc mơ huy động vốn, tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết; Giấc mơ tạo dựng một nền kinh tế tăng trưởng, thịnh vượng của các nhà lập chính sách;….
25 năm qua mới chỉ là Chương mở đầu cho những giấc mơ; là sự gieo mầm, ươm hạt cho những khát vọng và ước mơ lớn hơn. Và phần hay nhất của cuốn sách có lẽ sẽ đang còn ở những chương kế tiếp. Còn với riêng nữ lãnh đạo gắn cả hành trình của bản thân với sự đi lên của ngành chứng khoán, ước mơ ấy chỉ là cùng góp phần đưa SSI trở thành một định chế tài chính trường tồn và thịnh vượng trăm năm.
Nguồn: https://cafef.vn/nu-tuong-ssi-ke-chuyen-tung-de-nghi-ong-nguyen-duy-hung-dong-cua-chi-nhanh-ha-noi-khi-con-la-giao-dich-vien-de-roi-lua-chon-o-lai-den-tan-hom-nay-18825072423265251.chn