Không phải cho đến hiện tại, khi các mẫu VinFast, BYD, Tesla, MG, Wuling… tràn ngập khắp đường phố Việt Nam, người ta mới nói về sự phát triển của thị trường ô tô điện. Kỳ thực, thị trường ô tô trăm triệu dân đã có sự chuyển dịch rõ rệt sang xu hướng xanh hoá từ rất lâu, và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hai chữ số nhờ vào chính sách, hạ tầng sự nỗ lực của các hãng và cơ cấu tiêu dùng trẻ.
Đã có hơn 200.000 xe điện lăn bánh tại thị trường Việt Nam trong 7 năm qua. Ảnh minh hoạ: VF.
Thị trường tô điện “bứt tốc”
Theo các chuyên gia, năm 2025, ô tô điện sẽ là phân khúc “gánh” thị trường ô tô Việt Nam, với bước nhảy vọt. Thực tế, sự chuyển dịch của thị trường là điều đã diễn ra suốt thời gian qua, khi không chỉ các khách hàng là người dùng cá nhân mà ngay cả ngành vận tải taxi tại Việt Nam cũng tham gia vào công cuộc “xanh hoá”.
Cùng với đó, loạt chính sách có hiệu lực như Quyết định 876 của Chính phủ, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% taxi sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh, cũng sẽ góp phần giúp ô tô điện “bứt tốc”, với sự cạnh tranh của VinFast, BYD, TMT, Hyundai, Wuling… và nhiều thương hiệu lớn khác. Điều này là có cơ sở khi nhìn vào sự chuyển dịch của thị trường ô tô Việt suốt 6 tháng đầu năm 2025 và quãng thời gian trước đó.
Cụ thể, dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số cộng dồn của các hãng xe thành viên (Toyota, Ford, Honda, Suzuki…) và một số đơn vị nhập khẩu không thuộc VAMA đạt 226.500 chiếc, tăng tới 70,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là sản lượng rất cao, thể hiện nỗ lực lớn của các nhà sản xuất ô tô trong nước trong nửa đầu năm 2025.
Trong khi đó, VinFast, “ông lớn quốc dân” của ngành ô tô điện đã cho lăn bánh 67.569 chiếc ô tô điện trong nửa đầu năm 2025, chiếm khoảng 30% tỷ trọng thị phần toàn thị trường.
Những con số nói lên tiềm năng lớn của ô tô điện và xu thế chuyển dịch của thị trường. Có thể thấy, đây là xu thế tất yếu nhất là khi các hãng xe điện đều tăng tốc mở rộng thị phần bằng nhiều chương trình ưu đãi như hạ giá, miễn phí sạc.
Đơn cử như VinFast đã bứt tốc từ đầu năm khi tung chính sách miễn phí sạc tại trạm V-Green cho khách mua xe đến ngày 30/6/2027, và điều chỉnh giá bán của nhiều mẫu xe. Mới đây nhất, hãng này được cho là gặt hái thành công ngoài mong đợi với chương trình đổi xe xăng lấy xe điện.
7 năm, hàng trăm ngàn xe điện “lăn bánh”
Kirin Capital dẫn số liệu của Bộ Giao thông Vận tải (nay là bộ Xây dựng), cho biết, từ năm 2018 tới 7/2023, thị trường Việt Nam có hơn 20.000 xe ô tô điện. Nếu làm một phép tính đơn giản, có thể thấy sức tăng trưởng của thị trường ô tô điện là kinh khủng ra sao chỉ trong 5 năm, với số lượng hàng chục ngàn lần. Đáng chú ý, chỉ trong 2 năm từ 2021 – 2023, số lượng ô tô điện tại Việt Nam tăng vọt từ 167 lên 12.585 xe.
Một dữ liệu khác từ Mordorintelligence cho thấy, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,93 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 6,69 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18% trong giai đoạn dự báo (2025-2030). Sức tăng trưởng càng lớn, phản ánh thị trường cạnh tranh càng khốc liệt.
Số liệu riêng của Nhadautu.vn cho thấy, tính đến hiện tại, tháng 7/2025, thị trường ô tô điện Việt Nam đang phát triển mạnh với hàng chục ngàn chiếc xuất xưởng mỗi năm, đưa quy mô thị trường ở thời điểm hiện tại xoay quanh mốc 250.000 – 300.000 chiếc ô tô điện.
Con số này, có thể không là gì nếu so với ô tô chạy bằng nhiên liệu thông thường, xăng, dầu. Nhưng, nên biết, nếu tính từ cột mốc VinFast khánh thành nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên vào tháng 7/2018, tính đến hiện tại, thị trường ô tô điện tại Việt Nam mới chính thức bước vào tuổi thứ 7.
Kể từ đó, thị trường ô tô điện ở quốc gia trăm triệu dân đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ngoài thành công của hãng xe quốc dân mang tên VinFast, có thể kể đến sự tham gia của Wuling, BYD hay Mercedes-Benz, Audi, Porsche, Tesla… ở phân khúc hạng sang.
Triển vọng thị trường
“Trong ngắn hạn, ô tô điện vẫn là phân khúc chủ đạo khi xe xăng đang dần mất đi sức hút. Tuy nhiên, ở một vài phân khúc, như bán tải, xe điện sẽ khó vượt qua xe xăng, dầu khi phân khúc này đòi hỏi động cơ mạnh mẽ và nhiều kỹ thuật đặc thù. Tuy nhiên, về cơ bản, xe điện đang nắm bắt rất tốt thị hiếu của khách hàng khi đang dần lấp đầy mảng xe đô thị, với kích thước và giá cả hợp lý, phục vụ được đại đa số nhu cầu của khách hàng trẻ”, ông Nguyễn Trần Quân, quản lý một showroom ô tô ở TP.HCM cho biết.
Trong trung hạn, từ đây đến 2030, thị trường ô tô điện sẽ còn được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các chính sách. Trong khi đó, hạ tầng đang dần được đảm bảo và các thương hiệu xe điện đang hiện diện ngày một hiệu quả hơn vào các phương thức vận tải công cộng, các loại hình xe công nghệ, cũng là một lợi thế.
“Nhưng về cơ bản, vẫn là câu chuyện trạm sạc. Ô tô điện đòi hỏi một hạ tầng trạm sạc quy củ và lớn hơn hiện tại rất nhiều. VinFast đang cho thấy sức bật từ các trạm sạc, nhưng còn các hãng khác thì sao. Cũng nên nhớ, phần lớn trạm sạc xe điện ở Việt Nam hiện tại đáp ứng cho xe máy điện, còn ô tô thì không quá nhiều”, ông Quân phân tích.
Theo vị chuyên gia này, một trong những giải pháp của các hãng ô tô điện là cung cấp cục sạc cầm tay cho phép khách hàng chủ động trong việc thực hiện sạc pin tại bất kỳ đâu trước khi di chuyển. Tuy nhiên, không nhiều hãng thực hiện tốt việc này. Ngoài ra, là nguy cơ cháy nổ khi sạc điện qua đêm không kiểm soát.
“Nếu làm tốt những điều này, có thể khẳng định thị trường ô tô điện tại Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, khi cơ cấu dân số của chúng ta đang trẻ hoá. Những người tiêu dùng trẻ gắn liền với sự am hiểu công nghệ và nhận thức môi trường sẽ là nhân tố chính thức đẩy thị trường ô tô điện trăm triệu dân tăng trưởng 2 chữ số”, ông Quân phân tích.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/o-to-dien-tai-viet-nam-7-nam-va-trien-vong-tang-truong-2-chu-so/33675690