Ông Lê Viết Hải: “Cổ phiếu HBC không chỉ dừng lại ở đỉnh cao trước đây mà còn vượt qua đỉnh ấy”
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UCoM: HBC) nói về tiềm năng của thị trường xây dựng quốc tế và thái độ của HBC trong hành trình thu hồi nợ từ các chủ đầu tư.
Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025
|
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức chiều ngày 25/04/2025, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải nhận định triển vọng của thị trường xây dựng trong nước rất lớn, tuy nhiên hiệu quả lợi nhuận lại không cao vì tính cạnh tranh khốc liệt.
Thị trường trong nước để đạt được biên lợi nhuận gộp 5-10% là rất khó khăn. Dù biên lợi nhuận thấp nhưng ông Hải cho rằng HBC vẫn phải trụ vững tại thị trường trong nước để đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho thị trường quốc tế.
Chủ tịch HBC đánh giá ở nước ngoài những năm gần đây vẫn có sự tăng trưởng nhất định, quy mô thị trường xây dựng lên đến 15 ngàn tỷ USD, lợi nhuận gộp 20-30% là điều bình thường. Nếu kết hợp với doanh nghiệp địa phương, mức lợi nhuận sẽ còn tăng cao hơn.
Đặc biệt, có những thị trường lợi thế thuộc về nhà thầu do cung không đủ cầu, nhờ đó lợi nhuận của nhà thầu rất cao. Năng lực cạnh tranh của HBC có thể thay thế các nhà thầu truyền thống trên thị trường quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ hay Úc. HBC có cạnh tranh về giá rất cao, chất lượng công trình cao hơn nhưng giá thấp hơn.
HBC muốn thay thế nhà thầu Trung Quốc ở những thị trường truyền thống của họ. Dù chỉ chiếm một phần tại các thị trường thì cũng lớn hơn so với quy mô trong nước.
Hàng hóa Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng hiện nay đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Các nhà máy sản xuất của Việt Nam đều còn rất mới. Những nước lâu đời chưa chắc có dây chuyền hiện đại nhất. Còn HBC, ông Hải cho biết có lợi thế dây chuyền sản xuất hiện đại, thỏa mãn yêu cầu xây dựng của những nước phát triển. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước rất dồi dào.
Mặt khác, chuỗi cung ứng của Việt Nam có lợi thế về logistics, dọc theo đất nước, khu vực nào có khu công nghiệp đều có cảng kế cận. Bên cạnh đó là lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ phục vụ sản xuất. Ngay cả Trung Quốc cũng không thể cạnh tranh với Việt Nam ở những lợi thế này.
Nhà sáng lập HBC khẳng định lại một lần nữa về sự phát triển nước ngoài của Công ty như sự phát triển của cây tre. Trong 3 năm đầu chỉ có cắm rễ xuống đất rất sâu nhưng trong 3 tháng tiếp theo sẽ phát triển hàng chục mét. Hiện nay, HBC đã có Phó tổng chuyên trách về thị trường nước ngoài.
Cổ phiếu HBC sẽ trở lại thời đỉnh cao?
Chủ tịch HBC chia sẻ nhiều năm qua, dù khó khăn, HBC vẫn duy trì quan hệ với các đối tác nước ngoài để khi có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thị trường đó. Sự chuẩn bị cho thị trường này của HBC đã chín muồi nên cần nguồn vốn tương đối lớn để phát triển.
Theo đó, ĐHĐCĐ HBC đã thông qua phương án chào bán 200 triệu cp riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10,000 đồng/cp. Số tiền thu được dự tính 2 ngàn tỷ đồng. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Với số tiền huy động được HBC sẽ vừa giải quyết các khoản nợ, vừa đủ tài chính phát triển ra nước ngoài và đầu tư những lĩnh vực HBC nhận thấy có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối. Sau khi củng cố năng lực tài chính, HBC sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng 5 năm tăng 5 lần.
Nếu năm nay Công ty đạt được kế hoạch như dự kiến với doanh thu 9 ngàn tỷ đồng thì sau 5 năm sẽ đạt 45 ngàn tỷ đồng. Đó là mục tiêu HBC phải thực hiện nếu phát hành cổ phiếu thành công.
Ông Hải trấn an cổ đông, việc phát hành với giá chênh lệch sẽ không làm thiệt hại cho cổ đông, khi pha loãng giá trị của HBC sẽ tăng lên thông qua book value.
Chủ tịch HBC kỳ vọng giá cổ phiếu của Công ty có thể hồi phục lại thời kỳ đỉnh cao, như 33,000 đồng/cp hồi sau đại dịch. Ban Điều hành phải làm thế nào để đạt kết quả kinh doanh tốt, triển khai chiến lược thành công, mang lại hiệu quả cao nhất. HBC đã có kế hoạch phát triển sau khi giải quyết khó khăn về tài chính.
“Tôi tin là nếu phương án kinh doanh của HBC khi triển khai sẽ mang lại hiệu quả chắc chắn. Cổ phiếu HBC không chỉ dừng lại ở đỉnh cao trước đây mà còn vượt qua đỉnh ấy” – ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.
5 năm qua không nhận thêm công trình phục vụ du lịch nào
Nhắc đến khó khăn của Công ty những năm trở lại đây, ông Lê Viết Hải chia sẻ 5 năm qua Công ty đi lùi vì cách hành xử trong kinh doanh của HBC với chủ đầu tư khác với các công ty cùng ngành. HBC không muốn chủ đầu tư trong khủng hoảng phải ngưng thi công, vì hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, Công ty muốn hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành công trình để có tiền thanh toán, cũng như tạo điều kiện cho nhà thầu phụ có việc làm, nhân viên không phải nghỉ việc.
Chủ trương HBC là dùng năng lực của mình để chia sẻ, hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư, nhà thầu phụ và CBCNV, tuy nhiên có những rủi ro không lường hết được. Sau COVID-19, thị trường hồi phục nhanh chóng nhưng cuộc chiến tại Đông Âu xảy ra làm cả thế giới điêu đứng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngành du lịch bị tác động nặng nề, đến nay mới tạm hồi phục. Trong 5 năm qua, HBC không nhận thêm 1 công trình khách sạn hay công trình phục vụ du lịch nào.
Phó Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hiếu cũng thể hiện quan điểm, việc thu hồi nợ không chỉ là công ty xây dựng áp lực chủ đầu tư mà phải phối hợp với chủ đầu tư thông qua nhiều phương án, có thể cùng chủ đầu tư triển khai dư án và bàn giao. Bên cạnh đó, HBC còn phối hợp với các tổ chức tài chính giúp chủ đầu tư giải quyết các dự án khả thi nhưng chỉ vướng vấn đề tài chính.
Mỗi dự án có tính chất khác nhau, mỗi chủ đầu tư cũng khác nhau, khi gặp chủ đầu tư không hợp tác thì HBC mới phải kiện, đây là con đường tốn kém cả thời gian lẫn chi phí. Tuy nhiên, tất cả vụ kiện của HBC đều đòi được cả gốc và lãi.
“Việc thu hồi nợ là vấn đề về thời gian, những gì HBC làm có chứng từ rõ ràng, đây không phải việc khó“, ông Hiếu nói.
– 11:08 26/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/ong-le-viet-hai-co-phieu-hbc-khong-chi-dung-lai-o-dinh-cao-truoc-day-ma-con-vuot-qua-dinh-ay-737-1301786.htm