Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX) được thành lập vào năm 1956, tiền thân là Cục Xăng dầu thuộc Bộ Thương nghiệp. Trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu và sáp nhập, đến năm 2011, Petrolimex chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Năm 2017, PLX niêm yết trên sàn HOSE, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quá trình đại chúng hóa và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Petrolimex là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành phân phối xăng dầu Việt Nam, với hệ thống hơn 5.500 cửa hàng bán lẻ trực thuộc và hàng nghìn đại lý nhượng quyền trên cả nước. Theo số liệu tổng hợp mới nhất, Petrolimex đang chiếm khoảng 48% – 55% thị phần xăng dầu nội địa, bỏ xa các đối thủ như PV OIL, Saigon Petro hay Mipec.
Xét về kết quả hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt có giá trị 284.042,78 tỷ đồng và 3.163,22 tỷ đồng, tăng trưởng 3,6% và 1,98% so với năm 2023.
Sang Q1/2025, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 67.861,03 tỷ đồng và 210,77 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ do giá dầu thế giới có sự sụt giảm.
Xét về cấu trúc tài chính, kết thúc quý 1 năm 2025, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của PLX có giá trị hơn 20 nghìn tỷ đồng (chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn), chiếm khoảng 25% tổng tài sản của doanh nghiệp và cũng là khoản mục có tỷ trọng lớn nhất.
Mặc dù vậy, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của DN là hơn 20.000 tỷ đồng. Hệ số mức độ đòn bẩy tổng nợ/ vốn chủ sở hữu của PLX tính đến thời điểm cuối Q1/2025 lên tới 1,71 lần (> 1), chủ yếu là các khoản vay nợ ngắn và dài hạn.
Hệ số đòn bẩy của doanh nghiệp được đánh giá ở mức tương đối cao và tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu được dự báo sẽ có sự sụt giảm ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận sau thuế.
Bên cạnh đó, với lợi nhuận hàng nghìn tỷ mỗi năm, tuy nhiên, tỷ lệ chi trả cổ tức tiền của doanh nghiệp có vẻ chưa thực sự phản ánh đúng kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Năm 2024, PLX đã không thực hiện chia cổ tức tiền hoặc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Có thể thấy, kể từ năm 2021, giá trị DPS (Dividends Per Share – Giá trị cổ tức tiền/ cổ phiếu) chỉ bằng một nửa so với giá trị EPS (Earnings Per Share – Lợi nhuận sau thuế/ cổ phiếu).
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, ông Phạm Văn Thanh là người giữ chức Chủ tịch HĐQT, trong khi vị trí Tổng Giám đốc do ông Đào Nam Hải đảm nhiệm.
Trong diễn biến mới nhất, ông Đào Nam Hải – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của Petrolimex – vừa bị Bộ Tài chính tạm đình chỉ chức vụ đại diện phần vốn nhà nước tại tập đoàn. Quyết định này có hiệu lực cho đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Trước khi đảm nhiệm vị trí CEO Petrolimex từ tháng 3/2022, ông từng có thời gian dài công tác tại PJICO. Ông giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT tại PJICO từ năm 2014 đến đầu năm 2022. Quá trình công tác của ông trải dài trong hệ sinh thái Petrolimex.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/petrolimex-lai-suat-tien-gui-co-du-bu-chi-phi-vay-no-ngan-han-1378092.html