Phiên giao dịch sáng 23/7: Rung lắc mạnh cuối phiên

Trong phiên giao dịch hôm qua (22/7), sau nửa phiên sáng giằng co quanh tham chiếu, thị trường bất ngờ nhận tín hiệu tích cực từ nửa cuối phiên để bứt lên. Sang đến phiên chiều, đà tăng càng được nới rộng và VN-Index dễ dàng chinh phục mốc điểm kháng cự quan trọng 1.500 điểm. Đóng góp cho cú bứt tốc vượt rào này của thị trường phải kể đến nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm qua đến từ cổ phiếu VJC khi cổ phiếu hãng hàng không này bất ngờ tăng vọt lên kịch trần với dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. VJC được kéo tăng trần bất chấp áp lực bán ra hàng chục triệu cổ phiếu của khối ngoại trong phiên thỏa thuận.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sau khi hóa giải được nút thắt 1.500 điểm, tâm lý nhà đầu tư đã hứng khởi hơn nên tự tin xuống tiền, giúp VN-Index mở cửa tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện hóa lợi nhuận nên bán ra, gây áp lực khiến VN-Index hạ nhiệt, lùi về gần tham chiếu.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cùng với những thông tin tích cực về đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn được công bố, “dòng tiền tham lam” nhập cuộc giúp VN-Index lấy lại đà tăng.

Về các nhóm cổ phiếu, trong khi nhóm ngân hàng đang chịu sức ép và phân hóa, thì nhóm chứng khoán tiếp tục khởi sắc, trong đó CTS tăng kịch trần và VIX cũng sát mức giá trần, số còn lại tăng ít nhất cũng hơn 2%. Tương tự, nhóm bất động sản trừ một số mã nhỏ và vừa tăng nóng thời gian qua tiếp tục chịu áp lực chốt lời nên giảm mạnh, thậm chí sàn như LDG, còn lại cũng đều đang giao dịch tích cực, đáng chú ý trong số đó là SJS hướng tới phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, hiện đang ở mức 140.000 đồng. Cổ phiếu SJS tăng mạnh có thể xuất phát từ thông tin Công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 159%.

Về cổ phiếu đơn lẻ, VJC tiếp tục bất ngờ tăng kịch trần lên 108.800 đồng và còn dư mua trần 1,5 triệu đơn vị. Trong khi SJS tăng có thông tin, thì VJC bay cao lại tạo ra chút bất ngờ, vì hiện chưa có thông tin gì liên quan tới hãng hàng không này được công bố.

Ở chiều ngược lại, thị trường đang chịu sức ép từ họ nhà Vin khi cả 3 mã VHM, VIC, VRE. Tuy nhiên, trong nửa cuối phiên sáng, dòng tiền chảy mạnh kéo hàng loạt mã đảo chiều hoặc nới đà tăng, trong đó có nhiều mã lớn trong nhóm ngân hàng, thép, trong khi đà giảm của nhóm Vingroup hãm lại, giúp VN-Index quay đầu bứt tốc, vượt qua ngưỡng 1.520 điểm, mức cao nhất gần 3 năm rưỡi.

Khi mọi người kỳ vọng VN-Index bay cao hơn nữa, thậm chí lên ngưỡng 1.530 điểm thì bất ngờ chỉ số này lại quay đầu giảm mạnh về tham chiếu, lý do chính là do sức ép từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup.

Theo đó, nhóm cổ phiếu này sau khi hãm bớt đã giảm đã nhận lực cung lớn, quay đầu giảm mạnh nhất rổ VN30. Trong đó, VHM giảm 2,41% xuống 93.200 đồng, VRE giảm 1,83% xuống 29.450 đồng, VIC giảm 1,62% xuống 115.600 đồng. Bộ 3 này đã lấy đi của VN-Index 3 điểm.

Lực bán từ nhóm này cũng lan sang một số mã lớn khác trong nhóm ngân hàng như TCB, CTG, BID, VCB…, khiến áp lực với VN-Index càng lớn hơn và chỉ có may mắn chỉ số này mới không đóng cửa trong sắc đỏ như VN30.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,71 điểm (0,05%), lên 1.510,25 điểm với 199 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 890,2 triệu đơn vị, giá trị 21.856,6 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,7 triệu đơn vị, giá trị 756,4 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, HDB tăng mạnh nhất 3,34% lên 26.300 đồng, tiếp đến là VPB tăng 2%, lên 22.950 đồng.

Trong khi nhóm công ty chứng khoán, VDS thay CTS ở sắc tím, lên 16.850 đồng, CTS đóng cửa tăng 6,54% lên 36.650 đồng, VIX tăng 3,63% lên 21.400 đồng, dù có lúc đã lên kịch trần 22.050 đồng.

Nhóm bất động sản, SJS vẫn giữ được phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp. Có mức tăng mạnh thứ 2 là VCG với 4,7% lên 24.500 đồng. Nhóm thép toàn bộ tăng giá, nhưng các mã dẫn dắt chỉ tăng nhẹ.

Về thanh khoản, VIX khớp lớn nhất 44 triệu đơn vị, tiếp đến là VPB khớp 36,4 triệu đơn vị, SHB khớp 35,9 triệu đơn vị, VND khớp 30,4 triệu đơn vị…

Tương tự, diễn biến trên sàn HNX và thị trường UPCoM cũng diễn ra rất tích cực khi sắc xanh chiếm thế áp đảo và các chỉ số chính đều bật tăng mạnh, sau đó hạ nhiệt về cuối phiên khi VN-Index rung lắc

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,97 điểm (+0,39%), lên 248,82 điểm với 89 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 92,8 triệu đơn vị, giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trên sàn này, SHS là mã có giao dịch sôi động nhất, khớp 26,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,3% lên 17.800 đồng. Tiếp đến là CEO khớp 15,4 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,34% xuống 22.100 đồng. MBS đứng thứ 3 khớp hơn 7 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu.

UPCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,59%), lên 104,63 điểm với 151 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,7 triệu đơn vị, giá trị 619 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1,9 triệu đơn vị, giá trị 42,6 tỷ đồng.

Hai mã ngân hàng là có thanh khoản tốt nhất UPCoM là ABB khớp 11,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 10,11% lên 9.800 đồng và BVB khớp 6,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,88% lên 14.300 đồng.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-sang-237-rung-lac-manh-cuoi-phien-post373569.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *