Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định tác động tích cực từ các thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đối với thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Việt Nam đang đồng thời đẩy mạnh cải cách thị trường vốn nhằm gia tăng khả năng thích ứng và thu hút dòng vốn đầu tư.
Thị trường chứng khoán khởi sắc nhưng cần đánh giá khách quan
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan. Chỉ số VN-Index lần đầu vượt ngưỡng 1.400 điểm sau 3 năm, thanh khoản trung bình lên tới gần 30.000 tỷ đồng mỗi phiên. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng, với tổng giá trị giao dịch ròng trong 5 phiên gần nhất đạt hơn 7.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN, còn quá sớm để khẳng định đà tăng của thị trường xuất phát trực tiếp từ các tín hiệu tích cực liên quan đến thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông lưu ý rằng, các mức thuế mà Mỹ dự kiến áp dụng cho Việt Nam ở mức 20% và 40% với hàng trung chuyển, tuy có vẻ “nhẹ tay” hơn nhiều quốc gia khác, song những điều khoản cụ thể vẫn chưa được công bố.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, không có sản phẩm nào sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia. Vì vậy, việc xác định rõ đâu là hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, đâu là từ quốc gia khác sẽ là yếu tố then chốt để đánh giá tác động thực sự”, ông Hải chia sẻ.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đứng thứ hai khu vực chỉ sau Singapore. Vì vậy, bất kỳ thay đổi nào về chính sách thuế từ các nền kinh tế lớn đều tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, các ngành thâm dụng lao động như giày dép, may mặc, thuỷ sản hay bất động sản khu công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng rõ nét hơn.
Tuy vậy, một yếu tố đáng chú ý là phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 70%. Trong số này, không nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, do đó mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán là không quá lớn.
Ông Hải cũng nhấn mạnh rằng, bản thân người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu tác động từ các chính sách thuế đối ứng, khi chi phí tiêu dùng gia tăng có thể khiến nhu cầu nhập khẩu giảm, từ đó ảnh hưởng ngược trở lại tới xuất khẩu toàn cầu – trong đó có Việt Nam.
Cải cách mạnh mẽ thị trường vốn và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài
Song song với việc thận trọng đánh giá ảnh hưởng từ bên ngoài, Việt Nam đang thực hiện một loạt cải cách sâu rộng trong lĩnh vực thị trường vốn, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.
“Cả hệ thống đang thay đổi mang tính cách mạng”, ông Hải nhấn mạnh. Cụ thể, năm 2024, Luật Chứng khoán sửa đổi đã chính thức được thông qua. Trong năm 2025, nhiều nghị định quan trọng đang được cập nhật và hoàn thiện, bao gồm Nghị định 155, 156, quy định về tài sản số, giao dịch carbon và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, UBCKNN đang thực hiện rà soát nhằm giảm tối thiểu 30% các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Mục tiêu là đưa hệ thống pháp lý và cơ chế thị trường tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
Một bước ngoặt đáng chú ý là việc đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành trong năm nay. Hệ thống mới này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho các sản phẩm tài chính hiện đại như giao dịch T+0, bán khống, giao dịch phái sinh và các dịch vụ hậu mãi chất lượng cao.
Việc nâng hạng thị trường và thu hút dòng vốn quốc tế cũng đang được tập trung thúc đẩy. Nhiều thủ tục đã được đơn giản hóa triệt để: doanh nghiệp không cần nộp bản cứng khi đăng ký mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, toàn bộ quy trình có thể thực hiện online chỉ trong vòng một ngày. Các yêu cầu như công chứng giấy tờ hay cung cấp sinh trắc học cũng đã được loại bỏ.
Ngoài ra, các tổ chức nước ngoài không còn bắt buộc phải ký quỹ trước khi giao dịch, đồng thời các doanh nghiệp đại chúng hiện đã được yêu cầu công bố thông tin song ngữ nhằm bảo đảm minh bạch và công bằng hơn trong tiếp cận thông tin.
Trong thời gian tới, các quy định liên quan đến giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như khung pháp lý cho giao dịch tài sản số và carbon sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Dù chưa thể khẳng định những đợt tăng điểm gần đây của thị trường chứng khoán là do tác động từ thoả thuận Việt-Mỹ, giới chuyên gia đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam. Những thay đổi đồng bộ về pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đầu tư đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tăng sức cạnh tranh và khả năng thích ứng trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động.
“May mắn là chúng ta có được sự đồng hành rất lớn từ Chính phủ,” ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ. “Điều quan trọng lúc này là tiếp tục cải cách mạnh mẽ, bền vững và chuẩn mực, để nâng tầm thị trường vốn Việt Nam trong mắt nhà đầu tư toàn cầu”.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/pho-chu-tich-ubcknn-thoa-thuan-thue-quan-can-them-thoi-gian-de-danh-gia-tac-dong-den-thi-truong-chung-khoan-1389937.html