PVcomBank cẩn trọng với rủi ro nợ xấu

Trong quý I/2025, “bức tranh” tài chính của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) được cho là “đẹp” khi lợi nhuận vượt 340% kế hoạch năm 2025 chỉ sau một quý. Tuy nhiên, tiềm ẩn sau đó là những rủi ro về nợ xấu đáng lo ngại.

Báo cáo tài chính quý I/2025 của PVcomBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 489 tỷ đồng (tăng 58,1% so với cùng kỳ và vượt 340,5% kế hoạch cả năm).

Đáng chú ý, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 4.054,5 tỷ đồng, tăng 15,6% so với quý 1/2024. Ở chiều ngược lại, chi phí lãi giảm 12,8% so với cùng kỳ về còn 2.841 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí trả lãi tiền gửi giảm 24,6% còn 2.033 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng từ đó đạt 1.214 tỷ đồng trong quý 1/2025, cao gấp gần 5 lần so với con số 249 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2024.

PVcomBank quý 1/2025 còn ghi nhận 199 tỷ đồng thu nhập từ hoạt động khác, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 58% lên 83,6 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, PVcomBank lãi trước thuế 489 tỷ đồng, tăng 58,3% so với quý 1/2024.

Trong năm 2025, PVcomBank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất đạt 111 tỷ đồng. Khoản lãi 489 tỷ đồng của quý 1 không những tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, mà còn vượt kế hoạch cả năm tới 340,5%.

Tuy nhiên, điểm lo lắng lớn nhất nằm ở chất lượng tài sản của ngân hàng. Khi tổng nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) của PVcomBank trong quý đạt 3.616 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 2.543 tỷ đồng – tương đương 70% rổ nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) trên tổng dư nợ cho vay 114.102 tỷ đồng là 3,12%, cao hơn đáng kể so với mặt bằng hệ thống các ngân hàng chỉ khoảng 1,93 – 2,22% trong năm 2024 và nhỉnh hơn mức 2,9 – 3% của nhiều ngân hàng quy mô tương đương.

Về bức tranh tài chính, tính đến 31/3/2025, tổng tài sản PVcomBank đạt 241.202 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tiền gửi và cho vay TCTD khác tăng 23,4% lên 45.265 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu tăng 6,23% lên 28.991 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chỉ nhích 0,82%, phản ánh chiến lược tăng trưởng “có chọn lọc” mà lãnh đạo ngân hàng đề cập tại ĐHĐCĐ ngày 18/4/2025. Phía bên kia bảng cân đối, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt 1.933 tỷ đồng – tương đương tỷ lệ bao phủ (LLR) khoảng 53%. Con số này thấp hơn xa mức 84,4% bình quân toàn ngành do Vietnam Report cập nhật và thậm chí kém xa ngưỡng an toàn 100% mà giới phân tích thường khuyến nghị.

Lý do được đưa ra là, chính sách trích lập dự phòng của ngân hàng giảm mạnh, chỉ có 7,4 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm tới 77% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm vỏn vẹn 1,5% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Khoản trích lập ít giúp lợi nhuận báo cáo cao hơn, nhưng đồng thời cũng báo động dự phòng phòng thủ của PVcomBank trước những rủi ro phát sinh sau khi Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực.

Thứ hai, cơ cấu nợ xấu – nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn. Cuối quý I/2025, khoản mục này chiếm tới 2.543 tỷ đồng, tương đương 70% tổng nợ xấu. Diễn biến này đi ngược xu thế chung của toàn ngành, nơi nợ nhóm 5 chỉ chiếm khoảng 1,25% dư nợ và chủ yếu tập trung ở các ngân hàng nhỏ có tài sản dưới 300.000 tỷ đồng. Khi các khoản nợ tái cơ cấu buộc phải phân loại lại sau ngày 1/1/2025, áp lực gia tăng nợ nhóm 5 sẽ còn lớn hơn, đòi hỏi PVcomBank phải dành nguồn lực dự phòng mạnh mẽ hơn.

Đối với các ngân hàng quy mô lớn (tài sản trên 1 triệu tỷ đồng) duy trì LLR trên 125%, thậm chí Vietcombank còn vượt mốc 200%. Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng dưới 300.000 tỷ đồng tài sản chỉ đạt LLR xoay quanh 38%. Với quy mô 241.202 tỷ đồng tổng tài sản, PVcomBank nằm giữa hai nhóm này, nhưng lại có tỷ trọng nợ nhóm 5 cao bất thường, khiến LLR chỉ đạt 53%.

Tình trạng trên gói gọn trong ba con số đáng chú ý: (i) tỷ lệ nợ xấu (NPL) 3,12% cao hơn mức bình quân ngành; (ii) nợ nhóm 5 chiếm 70% phản ánh “chất lượng” nợ xấu ở mức kém; và (iii) LLR 53% cho thấy bộ đệm rủi ro mỏng – yếu tố có thể bóp nghẹt biên lợi nhuận trong tương lai nếu ngân hàng buộc phải trích lập mạnh tay hơn.

Vì thế, trong kịch bản cơ sở, PVcomBank phải tăng cường trích lập để đưa hệ số LLR tiệm cận mặt bằng toàn ngành. Nếu tỷ lệ này được nâng từ 53% lên 80% cho khoản nợ xấu hiện hữu, ngân hàng sẽ phải bổ sung khoảng 980 tỷ đồng dự phòng, con số gần gấp đôi lợi nhuận trước thuế quý I/2025. Khoản chi bổ sung này khiến khả năng lặp lại đà lợi nhuận “bứt phá” của quý đầu năm trở nên mong manh, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ tái cơ cấu thời Covid-19 và tín dụng bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 18/4, ban lãnh đạo PVcomBank tái khẳng định mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ, củng cố quản trị rủi ro và duy trì hệ số an toàn vốn Basel II trong năm 2025. Việc sớm triển khai mở tài khoản qua VNeID, xây dựng Customer Data Platform trên nền tảng AWS và số hóa quy trình bằng CP4BA của IBM cho thấy ngân hàng đang dồn nguồn lực vào mảng ngân hàng số, lĩnh vực tiêu tốn ít vốn và rủi ro thấp hơn tín dụng truyền thống. Dù vậy, hiệu quả của chiến lược này rốt cuộc vẫn phụ thuộc vào khả năng tái cấu trúc danh mục tín dụng, đặc biệt là xử lý khối nợ nhóm 5 vốn chiếm tới 70% nợ xấu.

Nếu PVcomBank thành công nâng LLR lên vùng 70-80% ngay trong nửa đầu năm, lợi nhuận ngắn hạn có thể không “đẹp”, nhưng độ an toàn dài hạn được củng cố. Ngược lại, nếu tiếp tục duy trì hạn mức dự phòng ngấp, ngân hàng sẽ bị rơi vào vòng xoáy khi nợ tái cơ cấu rơi nhóm 3-5, làm biến động lợi nhuận mạnh các quý sau.

Điểm sáng nằm ở tốc độ tăng CASA và nguồn thu ngoài lãi. Dư địa tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn – hiện mới ở mức hai chữ số, sẽ giúp giảm chi phí vốn, tạo khoảng đệm bù cho chi phí dự phòng cao hơn. Đồng thời, chiến lược chuyển đổi số toàn diện hứa hẹn mở rộng cơ sở khách hàng tạo “đòn bẩy” để ngân hàng thu phí dịch vụ và bán chéo bảo hiểm (bancassurance) nhằm bù đắp rủi ro tín dụng.

Bảo Châu-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/pvcombank-can-trong-voi-rui-ro-no-xau/33540145

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *