QCG: Ông Nguyễn Quốc Cường: ‘Quốc Cường Gia Lai đã phải trả giá ở dự án Phước Kiển’

Ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, công ty này đã phải “trả giá” vì những sai lầm tại dự án Phước Kiển nên hạn chế đi vay. Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch đổi tên sau 30 năm tồn tại.

Ông Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: QC

Còn nợ hơn 2.800 tỷ đồng vì dự án Phước Kiển

Chiều 17/5, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai, mã: QCG) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025 với 100% tờ trình được thông qua.

Tại Đại hội, cổ đông nêu thắc mắc từ báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy công ty “chỉ” vay nợ hơn 268 tỷ đồng. Điều này là do công ty không vay được, hay chưa muốn vay?

Trước câu hỏi trên, ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng Giám đốc khẳng định công ty hạn chế vay.

“Không phải chúng tôi không vay được mà chủ động không vay. Trong khoảng 30 năm phát triển, chúng tôi luôn hướng đến sự an toàn tuyệt đối cho công ty. Đó là lý do vì sao chúng tôi hạn chế vay.

Thời điểm 2016 – 2017, khi quyết định bán dự án Phước Kiển cho Sunny Land với giá trị khoảng 2.882 tỷ đồng, chúng tôi kỳ vọng số tiền đó sẽ giúp cho công ty phát triển mạnh trong giai đoạn 2017 – 2020. Tuy nhiên, do nhiều biến động, điều đó đã không thành hiện thực.

Và rồi điều này lại trở thành khó khăn cho Quốc Cường Gia Lai. Chúng tôi đã phải trả giá rất nhiều tại dự án Phước Kiển này. Qua những biến động như vậy, chúng tôi không muốn vay quá nhiều trong bối cảnh thị trường chưa thực sự phục hồi tích cực. Đồng thời, công ty không muốn phụ thuộc vào một tổ chức tài chính nào, khi dòng tiền từ doanh thu những năm qua không đảm bảo để trả nợ vay”, ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định.

Theo Tổng Giám đốc, Quốc Cường Gia Lai chỉ vay “khi thực sự cần”, “rủi ro ở mức chấp nhận được”.

“Với tổng tài sản hiện nay, cùng quỹ đất lớn và pháp lý đang dần hoàn thiện, chúng tôi đủ điều kiện để vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, hoặc kêu gọi thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ vay khi thật sự cần và có phương án rõ ràng về dòng tiền, tính khả thi dự án, pháp lý hoàn chỉnh, kế hoạch bán hàng và thu tiền cụ thể. Lúc đó, không chỉ ngân hàng, mà cả nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước cũng sẽ sẵn sàng đồng hành.

Chúng tôi không ngại vay, không ngại huy động vốn, nhưng chỉ khi rủi ro ở mức chấp nhận được và hiệu quả tài chính rõ ràng”, ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Trả lời sâu hơn về 2.882 tỷ đồng phải thanh toán cho Sunny Land, vị Tổng Giám đốc cho biết, công ty có nhiều phương án thanh toán, trong đó có phương án trả góp trong 2 năm.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ quan thi hành án và đã đề xuất một số phương án thanh toán 2.882 tỷ đồng thi hành án. Trong đó có phương án trả góp, bắt đầu từ quý III/2025 và kết thúc chậm nhất vào quý II/2027. Như vậy, công ty buộc phải thoái vốn mảng năng lượng, thuỷ điện, nếu chiếu theo kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ năm 2025, để dồn tiền thanh toán khoản nợ này.

Ngoài ra, chúng tôi có xem xét thêm nhiều phương án khác và có khả năng thanh toán sớm hơn nếu kinh doanh tốt”, ông Cường khẳng định.

Với dự án Phước Kiển, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, đây là một dự án có quy mô lớn so với khả năng hiện tại của công ty, gần 100ha đất, nên công ty sẽ kêu gọi đầu tư chung

“Quy mô dự án này lớn so với khả năng hiện tại, QCG khó có thể tự triển khai. Ở khu Nam Sài Gòn, đây là dự án duy nhất còn sót lại. Với quy mô 100ha, dự án sẽ có khoảng 1,5 triệu m2 sàn, bằng khoảng 50% khu Phú Mỹ Hưng. Nhưng nên nhớ, Phú Mỹ Hưng mất khoảng 30 năm để lấp đầy như hiện tại.

Trong khi, Quốc Cường Gia Lai luôn muốn đảm bảo về tỷ lệ lấp đầy thay vì bán dự án bằng mọi giá gây lãng phí như nhiều chủ đầu tư hiện nay”, ông Cường nói.

Đổi tên công ty sau 30 năm

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, ông Cường cho biết, QCG đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 300 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 274% và 306% so với năm trước. Đây là mốc doanh thu cao nhất từ trước đến nay, còn lãi trước thuế chỉ thấp hơn hai năm 2010 và 2017.

“Chúng tôi dự kiến cơ cấu của kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng năm nay từ 3 nguồn thu chính, gồm 900 tỷ đồng đến từ việc xử lý và thoái vốn các dự án thủy điện; 700 tỷ đồng đến từ giai đoạn 1 dự án Marina Đà Nẵng, với 37 căn nhà phố đang xây dựng, đã có phép bán hàng; 400 tỷ đồng còn lại đến từ việc xử lý hàng tồn kho các sản phẩm chung cư”, ông Cường phân tích.

Một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các cổ đông công ty là việc đổi tên công ty sau 30 năm.

Đại diện công ty cho biết việc này phù hợp với bối cảnh hành chính mới khi các địa phương đang tiến hành sáp nhập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giao dịch với đối tác và mở rộng thị trường. HĐQT được ủy quyền quyết định tên mới và thời điểm đăng ký kinh doanh, nhưng không muộn hơn 12 tháng kể từ khi được thông qua.

“Việc thay đổi là cần thiết. Cái tên Quốc Cường Gia Lai đã tồn tại 30 năm với một hoài bão nhất định của nhà sáng lập. Hiện tại, bối cảnh đã khác, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đến nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội hợp tác trong và ngoài nước, chúng tôi mong muốn đổi thành một cái tên ngắn gọn hơn, súc tích hơn, dễ dàng lan tỏa hơn đến các đối tác trong và ngoài nước. Cái tên “Quốc Cường Gia Lai” đối với đối tác nước ngoài không phải dễ nhớ và dễ đọc”, ông Cường khẳng định.

Quý I/2025, công ty ghi nhận doanh thu thuần 111 tỷ đồng, tăng mạnh 188% so với cùng kỳ năm ngoái. QCG cho biết, doanh thu tăng so với cùng kỳ là do công ty đã đẩy mạnh công tác bán hàng và tăng bàn giao căn hộ cho khách hàng. Doanh thu từ bất động sản mang về 79,8 tỷ đồng cho QCG trong quý này.
Trừ chi phí, QCG lãi sau thuế 8 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lãi 651 triệu đồng cùng kỳ năm 2024.

Liên Thượng-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/qcg-ong-nguyen-quoc-cuong-quoc-cuong-gia-lai-da-phai-tra-gia-o-du-an-phuoc-kien/32473063

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *