Quỹ đầu tư tranh thủ “bắt đáy”

Nhà đầu tư cá nhân dao động

Rủi ro thị trường là điều không thể tránh khỏi khi đầu tư chứng chỉ quỹ, vì giá của chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào giá thị trường của các tài sản mà quỹ đầu tư mua vào và giá trị này có thể giảm mạnh khi thị trường diễn biến tiêu cực. Theo đó, khi giá cổ phiếu đi xuống, giá chứng chỉ quỹ của các quỹ mở đầu tư cổ phiếu cũng xuống dốc.

Đầu tháng 4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng trên diện rộng. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngay lập tức chao đảo. Trên bảng điện tử, cổ phiếu giảm sàn hàng loạt, “bốc hơi” 14 – 30% giá trị chỉ sau vài phiên, trong đó có những mã thuộc nhóm VN30.

Khi các cổ phiếu lớn trong danh mục lần lượt nằm sàn, những quỹ cổ phiếu từng tăng trưởng mạnh nhất cũng nằm trong nhóm giảm giá nhiều nhất.

Chẳng hạn, bộ 3 quỹ mở cổ phiếu của VinaCapital, bao gồm VEOF, VESAF, VDEF – thuộc nhóm có hiệu suất đầu tư cao nhất thị trường năm 2024, có quỹ đạt mức tăng trưởng hơn 30%, đã rơi vào tăng trưởng âm trong thời gian qua. Tính tới ngày 16/4/2025, hiệu suất đầu tư của VEOF, VESAF và VDEF lần lượt là -12,94%, -12,96% và -13,55% (theo dữ liệu của Fmarket).

Với những nhà đầu tư tham gia thị trường chứng chỉ quỹ vào năm 2024 – thời điểm các quỹ đầu tư tăng trưởng tích cực, không ít người chứng kiến tài khoản âm 20 – 30%. Vốn tìm đến thị trường quỹ như một kênh đầu tư với độ an toàn cao, các nhà đầu tư cá nhân không khỏi cảm thấy dao động và liên tục đặt câu hỏi về việc nên xử lý như thế nào với tình trạng thua lỗ hiện tại.

Một lý do khác khiến các nhà đầu tư cá nhân cảm thấy “sốt ruột” hơn nữa là các quỹ thường chỉ khớp giao dịch 1-2 ngày trong tuần và kết quả giao dịch ghi nhận trong 2-3 ngày làm việc. Theo đó, nhà đầu tư có cảm giác không thể xử lý nhanh khi có diễn biến bất ngờ, nhất là khi đã quen với nhịp độ giao dịch tại thị trường chứng khoán. Điều này càng thúc đẩy nhà đầu tư có quyết định vội vàng như đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ ngay lập tức, rút vốn sai thời điểm…

Nhà đầu tư quỹ mở phải chấp nhận thực tế rằng việc rút vốn khỏi quỹ không thể diễn ra tức thì và thường có độ trễ. Ví dụ, nếu thị trường giảm mạnh trong ngày, họ chỉ có thể đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ và chờ đến ngày giao dịch của quỹ để lệnh được thực hiện theo giá tại thời điểm đó (thay vì giá tại thời điểm đặt lệnh).

Quỹ cổ phiếu bình tĩnh trong “nhiễu động”

Trước cú sốc của thị trường, các nhà quản lý quỹ đã lên tiếng để “trấn an” nhà đầu tư cũng như có chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược đầu tư của các quỹ trong giai đoạn biến động.

Các quỹ mở cổ phiếu cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ mặc dù tiêu cực hơn nhiều so với kỳ vọng nhưng đây là cơ hội hấp dẫn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 11,6 lần, thấp hơn khoảng 25% so với mức trung bình 15,5 lần trong giai đoạn 2016 đến nay, thấp hơn giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ – Trung (2018 – 2019), khi P/E dao động từ 16 – 20 lần. Điều này cho thấy cơ hội đầu tư khi thị trường được định giá ở vùng hấp dẫn hiếm có.

Dragon Capital nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn về mặt trung và dài hạn. Với lợi nhuận kỳ vọng của năm 2025, mức P/E cũng như P/B có thể về vùng thấp nhất trong vòng 10 năm.

“Đợt bán tháo vừa qua tạo cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn”, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết.

Tương tự, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định, nhiều cổ phiếu chất lượng đang giao dịch gần vùng đáy 1 – 3 năm. Đội ngũ quản lý quỹ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược đầu tư thận trọng, ưu tiên doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững và ít chịu tác động từ rủi ro thuế quan nhằm tối ưu hóa hiệu quả các quỹ mở VCBF.

Thị trường tài chính với các nhiễu động ngắn hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả đầu tư của các quỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần tránh “lướt sóng” chứng chỉ quỹ, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn mà nên có kế hoạch đầu tư dài hạn.

Biến động ngắn hạn là bản chất của thị trường chứng khoán. Giá trị cổ phiếu sẽ bị dao động mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố như tin tức bất ngờ, những thay đổi từ chính sách vĩ mô hoặc tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường đang giao dịch dưới mức định giá hợp lý, trong khi Việt Nam vẫn có một nền tảng vĩ mô ổn định.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều đợt rung lắc dữ dội khi liên tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như đại dịch Covid-19, mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu, những thay đổi trong chính sách kinh tế tại nhiều quốc gia…, dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn tăng trung bình 13,82%/năm.

Cũng trong giai đoạn này, nhiều quỹ mở đạt lợi nhuận bình quân 5 năm rất tích cực. Dẫn đầu lợi nhuận trung bình 5 năm (2020 – 2025) là Quỹ VESAF, với lợi nhuận đạt 26,45%/năm. Tiếp đến là SSI-SCA, đạt 25,07%/năm; VEOF, đạt 22,9%/năm; VCBF-BCF, đạt 21,38%/năm; DCDS đạt 20,88%/năm. Các quỹ này cho hiệu suất đầu tư cao hơn nhiều so với đà tăng trưởng của VN-Index trong cùng khoảng thời gian (13,82%/năm).

Một thống kê khác cho thấy, trong một số thời điểm nhất định, mức giảm mạnh nhất trong năm không ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu suất đầu tư của cả năm. Chẳng hạn, Quỹ VCBF-BCF từng giảm 31% trong quý I/2020 nhưng tổng kết năm vẫn tăng trưởng 17%. Theo đó, trong giai đoạn tiêu cực của thị trường, nhà đầu tư quỹ mở nên tập trung vào mục tiêu bảo toàn hiệu quả trong dài hạn và tránh các quyết định nóng vội.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/quy-dau-tu-tranh-thu-bat-day-post367826.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *