Quyền lực tài chính, ảnh hưởng chính trị: Rothschild, Brazil và bài học ESG thế kỷ 19
Cho vay tiền và tạo ảnh hưởng chính trị – đây chính là công thức quyền lực mà các ngân hàng lớn thế kỷ 19 đã thành thạo. Khi các quốc gia non trẻ như Brazil cần vốn để phát triển, họ không chỉ phải trả lãi suất mà còn phải chấp nhận những “lời khuyên” về cách điều hành đất nước. Một bức thư được cất giữ trong kho lưu trữ Rothschild từ năm 1886 đã vô tình hé lộ cách thức các ngân hàng lớn sử dụng quyền lực tài chính để định hình chính sách quốc gia.
Bức thư đề ngày 19/01/1886 trong kho lưu trữ các tài liệu liên quan tới gia tộc Rothschild ở London
|
Khi các Chính phủ phát hành trái phiếu, họ thường phải công bố nhiều thông tin nhằm thu hút nhà đầu tư. Ngày nay, những thông tin này thường bao gồm cả các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị – gọi tắt là ESG, một thuật ngữ đã trở nên phổ biến.
Nhưng nếu quay lại giữa thế kỷ XIX, khi nhiều quốc gia vẫn còn là chế độ chuyên chế và một số đang đối mặt với nội chiến xoay quanh những vấn đề như xóa bỏ chế độ nô lệ, liệu các nhà đầu tư thời đó có quan tâm đến những yếu tố này? Xét về mặt logic, có thể nghĩ rằng nhà đầu tư sẽ để ý đến những vấn đề như vậy.
Thực tế, bất ổn trong nước liên quan đến một thể chế như chế độ nô lệ – nhất là khi lao động nô lệ đóng vai trò thiết yếu trong các ngành kinh tế chủ chốt và có ảnh hưởng lớn về chính trị – chắc chắn sẽ tác động đến lợi suất trái phiếu. Tuy vậy, trong các nghiên cứu về chế độ nô lệ và nợ công, hầu như không thấy đề cập đến quan điểm về điều này, chứ chưa nói đến sự tham gia của nhà đầu tư trong việc giải quyết những vấn đề này. Vậy đây có thực sự là điều mà nhà đầu tư quan tâm?
Theo một bức thư năm 1886 tại kho lưu trữ các tài liệu liên quan tới gia tộc Rothschild ở London, ít nhất cũng có một số người quan tâm đến vấn đề này.
Trong hộp lưu trữ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu của Brazil ngày 26/02/1886, có một bức thư do ông Belisario, một quan chức Chính phủ Brazil, gửi Ngân hàng Rothschild tại London, nhằm trả lời các lo ngại của nhà đầu tư Anh về tiến trình xóa bỏ chế độ nô lệ ở Brazil.
Thông thường, các nhân viên ngân hàng sẽ lưu thư từ vào hộp mang nhãn “thư từ”. Tuy nhiên, bức thư này lại được lưu một cách đặc biệt trong hộp hợp đồng trái phiếu vốn là một điều hiếm gặp (các nhà lưu trữ thường giữ nguyên cách sắp xếp tài liệu gốc). Điều này cho thấy các chủ ngân hàng Rothschild đánh giá bức thư này là quan trọng và có liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư trái phiếu Brazil, dù tình hình tài chính của Brazil năm 1886 vẫn ổn định.
Dưới đây là phần trao đổi chính trong bức thư đề ngày 19/01/1886:
“Gửi các ông N.M. Rothschild & Sons,
Khi tôi bắt đầu đảm nhiệm công việc quản lý tài chính, tôi đã có ý định viết thư cho các ông để làm rõ một số nhận định mà, qua các thư từ trước đó, tôi hiểu rằng các ông đang có về tình hình kinh tế và tài chính của Đế quốc.
. . .
Một trong những vấn đề mà những người quan tâm đến tình hình Brazil thường nhắc đến là câu chuyện chế độ nô lệ, hay nói cách khác là quá trình chuyển đổi từ lao động nô lệ sang lao động tự do. Chủ đề này đã làm dư luận sôi động gần hai năm qua, nhưng đến nay đã được giải quyết một cách êm thấm và hòa bình, và chúng ta có thể coi là đã đi đến hồi kết. Luật mới vừa được thông qua đã tự đặt ra các biện pháp để xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ trong vòng 14 năm, một khoảng thời gian đủ dài để thực hiện thay đổi mà không gây xáo trộn hay tổn thất lớn. Với việc đảng bảo thủ vừa lên nắm quyền, có thể tin tưởng rằng sẽ có đủ thời gian để giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa, không có gì bất ngờ đáng lo ngại, hơn nữa ở một số tỉnh, tiến trình này còn đang được đẩy mạnh mà không gặp trở ngại nào”.
Vậy thực tế đang diễn ra điều gì? Vào thời điểm đó, việc tiếp cận thông tin chính xác về tình hình các quốc gia xa xôi như Brazil là rất khó khăn. Một trong những vai trò quan trọng mà nhà Rothschild đảm nhận cho khách hàng là thu thập và cung cấp thông tin, và với mối quan hệ lâu dài với Brazil từ những năm 1820, họ trở thành nguồn tin cậy cho các nhà đầu tư.
Có thể thấy, các nhà đầu tư rất quan tâm đến tiến trình xóa bỏ chế độ nô lệ ở Brazil đến đâu, và chính những bức thư trao đổi này phản ánh nỗ lực của Rothschild trong việc thu thập thông tin đó.
Vì sao nhà đầu tư lại chú ý đến vấn đề này? Không thể xác định rõ ràng từ bức thư, cũng như không tìm thấy tài liệu nào giải thích cụ thể mối lo ngại của Rothschild. Một khả năng là nhà đầu tư lo lắng về chi phí bồi thường cho các địa chủ ủng hộ chế độ nô lệ để họ chấp nhận việc xóa bỏ. Cần nhớ rằng chi phí 20 triệu Bảng cho Đạo luật Xóa bỏ Nô lệ năm 1833 của Anh tương đương khoảng 40% tổng thu nhập của Chính phủ năm đó.
Một khả năng khác là nhà đầu tư lo ngại về những bất ổn chính trị có thể phát sinh xung quanh việc xóa bỏ nô lệ. Năm 1886, ký ức về sự tàn phá của nội chiến Mỹ 1861-1865 vẫn còn mới mẻ. Hoàng đế Brazil Don Pedro II từ lâu đã muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng ông phải đối mặt với sự phản kháng quyết liệt từ các chủ đồn điền – những người vốn là trụ cột chính của chế độ quân chủ. Tình thế này khiến đất nước Brazil luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị.
Cuối cùng, một khả năng thú vị khác là các khách hàng, chủ yếu là người Anh, của Rothschild có thể muốn phản đối chế độ nô lệ và họ sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào trái phiếu Brazil nếu đất nước này thực hiện điều đó.
Thời điểm đó, tại Anh, làn sóng phản đối chế độ nô lệ rất mạnh mẽ, kể cả từ phía Chính phủ, đặc biệt là đối với Brazil. Như sử gia Niall Ferguson từng chỉ ra, nhà Rothschild sẵn sàng sử dụng lời hứa phát hành trái phiếu để gây áp lực buộc các quốc gia điều chỉnh chính sách phù hợp với quan điểm của các nhà đầu tư Anh.
Ví dụ điển hình là đợt phát hành trái phiếu năm 1818 tại London thay mặt cho Vương quốc Phổ. Để đảm bảo thành công, Nathan Mayer Rothschild – người đứng đầu chi nhánh London quyền lực của gia đình – đã yêu cầu thế chấp đất hoàng gia, đồng thời thúc đẩy việc ban hành sắc lệnh nợ, dành riêng nguồn thu để trả nợ cho Vương quốc Phổ và quy định rằng trần nợ chỉ được thay đổi “sau khi tham khảo ý kiến và có sự đảm bảo của” Nghị viện Vương quốc Phổ, cơ quan đại diện đầu tiên của nước này.
Có thể coi đây là một sự áp đặt tinh tế các tiêu chuẩn chính trị của Anh lên Vương quốc Phổ, và cũng là ví dụ về điều mà ngày nay gọi là ESG. Như Nathan Rothschild từng viết cho Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Phổ:
“Để thuyết phục các nhà tư bản Anh đầu tư vào khoản vay của một Chính phủ nước ngoài với các điều kiện hợp lý, điều quan trọng nhất là kế hoạch vay phải càng giống với hệ thống vay vốn phục vụ công ích ở Anh càng tốt, và trên hết là cần có một số bảo đảm, ngoài việc chỉ dựa vào thiện chí của Chính phủ… dành cho người cho vay.
…Không có một bảo đảm như vậy thì mọi nỗ lực huy động một khoản lớn ở Anh cho một Chính phủ nước ngoài sẽ là vô vọng; các khoản đầu tư gần đây của người Anh vào quỹ của Pháp dựa trên niềm tin rằng, nhờ hệ thống đại diện hiện đã được thiết lập ở nước này, việc Quốc hội phê chuẩn khoản nợ quốc gia do Chính phủ tạo ra mang lại sự đảm bảo cho chủ nợ công mà không thể có được nếu chỉ ký hợp đồng với một vị quốc vương nắm toàn quyền hành pháp”.
Đến năm 1886, dù Nathan Mayer Rothschild đã qua đời, nhưng gia đình ông đã góp phần quan trọng đưa London trở thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, và bản thân họ trở thành những nhà tài chính có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Khi đó, bất kỳ quốc gia nào muốn vay một khoản tiền lớn đều phải tìm đến London, và thường là thông qua Rothschild.
Dù nguyên nhân sâu xa của những lo ngại về Brazil là gì, có thể thấy người viết thư phía Brazil đặc biệt coi trọng việc trấn an Rothschild rằng tiến trình xóa bỏ chế độ nô lệ đang diễn ra một cách trật tự, hòa bình. Điều này được xem là yếu tố then chốt để duy trì niềm tin của nhà đầu tư. Không chỉ vậy, bức thư còn nhấn mạnh sức khỏe tốt của Hoàng đế Don Pedro II và kỳ vọng ông sẽ tiếp tục trị vì nhiều năm nữa, một thông điệp nhằm củng cố niềm tin vào sự ổn định chính trị của Brazil trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Vậy kết quả thực tế ra sao? Chỉ 2 năm sau ngày bức thư được gửi đi, thay vì 14 năm như dự kiến, Brazil đã chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên, lời hứa về sự ổn định chính trị lại không kéo dài. Năm 1889, một cuộc đảo chính đã lật đổ chế độ quân chủ, chấm dứt triều đại của Pedro II. Ông bị buộc phải rời khỏi đất nước và sống lưu vong tại Paris, nơi ông qua đời năm 1891.
Dù vậy, trong khi các cố vấn nước ngoài của chế độ cũ thường bị gạt sang một bên khi chính quyền thay đổi, mối quan hệ giữa Rothschild và Brazil vẫn tiếp tục. Thực tế, khi Brazil rơi vào khủng hoảng tài chính trong thập niên 1890 và có nguy cơ vỡ nợ các khoản trái phiếu trước đó, nhà Rothschild đã giúp Brazil huy động vốn mới để duy trì thanh toán cho nhà đầu tư.
Câu chuyện này có ý nghĩa gì với hiện tại? Nó cho thấy từ lâu các nhà đầu tư và các trung gian tài chính đã quan tâm đến việc các quốc gia vay vốn giải quyết những vấn đề xã hội lớn như thế nào, và họ có thể sử dụng sức mạnh tài chính để tác động tinh tế đến hành vi của các Chính phủ vay nợ.
Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư trái phiếu trước việc Tổng thống Donald Trump đe dọa sa thải Chủ tịch Fed và sau đó Trump phải rút lại lời đe dọa là một ví dụ điển hình ngày nay. (Hai vị giáo sư kinh tế Juan Flores và Mitu Gulati nghi ngờ rằng hiện vẫn có những trao đổi giữa lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn và chính quyền Trump kiểu như: “Chúng tôi lo ngại về những lời đe dọa sa thải Jerome Powell của ông”). Với nhà đầu tư trái phiếu, bức thư của Rothschild chính là phiên bản ESG của năm 1886.
Nhưng trên hết, chúng ta nghĩ đây đơn giản là một câu chuyện thú vị, hoàn hảo cho kỳ nghỉ dài ngày.
*Bài viết thể hiện quan điểm từ Juan Flores là giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Geneva. Mitu Gulati là giáo sư luật tại Đại học Virginia trên Financial Times.
– 19:00 27/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/quyen-luc-tai-chinh-anh-huong-chinh-tri-rothschild-brazil-va-bai-hoc-esg-the-ky-19-3355-1312474.htm