Rạng Đông Holding không còn “hold”?
Việc một doanh nghiệp niêm yết không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên ở lần đầu không phải chuyện xa lạ, nhưng với Rạng Đông Holding (HOSE: RDP), đại hội bất thành vào ngày 22/04 vừa qua cho thấy nhiều bất thường trong nội tại của doanh nghiệp khi không lãnh đạo nào xuất hiện, còn các công ty liên quan đều âm thầm thay người đứng tên.
* ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Rạng Đông Holding bất thành, lãnh đạo không ai xuất hiện
“Tiền trảm hậu tấu”?
Sơ sài, thiếu tôn trọng cổ đông, từ bỏ trách nhiệm, thất vọng… có lẽ là những từ ngữ của rất nhiều cổ đông thốt lên khi xuất hiện tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của RDP. Sáng 22/4, trong tiết trời nóng nực, một cổ đông không quản ngại đường xa vượt quãng đường hơn 2 ngàn cây số từ Hà Nội vào TPHCM để dự cuộc họp quan trọng nhất trong năm của doanh nghiệp mà ông đã đầu tư nhiều năm. Những tưởng sẽ được gặp lãnh đạo doanh nghiệp để lắng nghe, tìm câu trả lời về những biến cố vừa qua. Nhưng không một bóng dáng lãnh đạo nào xuất hiện, thậm chí người đứng ra nói chuyện với cổ đông cũng chỉ là một… chuyên viên hỗ trợ pháp lý.
Địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 là hội trường tại trụ sở chính của RDP nhưng không được trang trí, kính nhìn ra ngoài có nhiều vết bẩn – Ảnh: Thượng Ngọc
|
Ngay cả những tài liệu cơ bản nhất cho sự kiện quan trọng nhất của doanh nghiệp cũng không có – từ báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, báo cáo quản trị hay những con số cơ bản nhất cho kế hoạch kinh doanh cũng bỏ trống.
Thay vào đó, tài liệu RDP công bố chỉ bao gồm những quy chế, tờ trình mang tính chung chung, có thể lấy từ các năm trước như quy chế làm việc; tờ trình về cử người đại diện phần vốn góp của RDP tại các công ty con/công ty liên kết; tờ trình lựa chọn công ty kiểm toán độc lập; tờ trình thông qua hợp đồng/giao dịch với người có liên quan; tờ trình thù lao HĐQT; quy chế bầu thành viên HĐQT.
Mọi thứ mờ mịt, cổ đông thì hỗn loạn, không biết liệu khoản đầu tư của mình sẽ đi về đâu. Một cổ đông cho biết, đã trung bình giá khi cổ phiếu RDP về dưới 2,000 đồng/cp vì nghĩ Công ty sẽ vực dậy mạnh mẽ như một doanh nghiệp trên sàn khác cũng từng bị đối tác nộp đơn xin phá sản lên tòa, nhưng giờ đây niềm hy vọng đã không còn, thay vào đó là nỗi hoang mang tột độ.
Chuyên viên hỗ trợ pháp lý/nhân viên RDP chỉ có thể trả lời rằng Công ty sẽ phản hồi qua mail trước những bức xúc của cổ đông về việc đại hội bất thành và lãnh đạo không xuất hiện – Ảnh: Thượng Ngọc
|
Một trong những tài liệu đáng chú ý được gửi đến tay cổ đông chính là tờ trình thông qua hợp đồng/giao dịch với người có liên quan, nhắc đến 3 công ty con của RDP gồm CTCP Nhựa Rạng Đông Long An, CTCP Rạng Đông Films và CTCP Trading Rạng Đông; cùng 2 công ty liên kết – CTCP Rạng Đông Healthcare và CTCP Tiếp vận Song Dũng.
Đây cũng chính là mấu chốt cho thấy phần nào vì sao không một lãnh đạo này của RDP xuất hiện trong ngày 22/4. Có lẽ họ đã chuẩn bị cho việc “vắng mặt” này từ trước…
Trong BCTC gần nhất, RDP công bố (BCTC hợp nhất quý 2/2024) và BCTC hợp nhất kiểm toán gần nhất (BCTC hợp nhất kiểm toán 2023), Rạng Đông Healthcare được nhắc đến là bên liên quan của RDP.
Ở thời điểm thành lập, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, RDP nắm 30% Rạng Đông Healthcare, ông cựu Chủ tịch RDP Hồ Đức Lam nắm 50%. Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 cho biết, ông Lam giữ chức Chủ tịch HĐQT đơn vị này. ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Lam) giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Phó Tổng giám đốc RDP Trần Minh Dũng cũng góp mặt với vai trò Thành viên HĐQT.
Mặt khác, HĐQT RDP ngày 28/03/2024 đã thông qua chuyển nhượng toàn bộ 45% vốn đang nắm tại Công ty Song Dũng với giá gần 6.3 tỷ đồng (tương đương 10,000 đồng/cp) trong tháng 3-4/2024, nhưng đến nay đơn vị này vẫn được ghi nhận là công ty liên kết của RDP.
Cho cá nhân sinh năm 1998 đứng tên doanh nghiệp
Đáng chú ý, 4 trong số 5 doanh nghiệp kể trên đã nhanh chóng thay đổi người đại diện pháp luật trong những tháng đầu năm 2025, dù tờ trình về việc cử người đại diện phần vốn góp của RDP tại các công ty con/công ty liên kết chỉ mới được nêu trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên và chưa được thông qua. Phía RDP từ đầu năm 2025 cũng không công bố thông tin về vấn đề này.
Cụ thể, ngày 09/01/2025, Rạng Đông Long An thay đổi vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật từ ông Trần Minh Dũng sang ông Phan Huy Hoàng. Hơn 1 tháng sau, vào 20/2, chức vụ chuyển cho ông Dương Tấn Trị (sinh năm 1998).
Cùng ngày 09/01, Rạng Đông Healthcare thay vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật từ ông Hồ Đức Dũng sang ông Hoàng. Ngày 14/01, Trading Rạng Đông thay vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật từ ông Trần Minh Dũng sang ông Hoàng.
Ít ngày sau, trong tháng 2, chức vụ của ông Hoàng ở 2 doanh nghiệp đều chuyển sang cho ông Trị.
Tại Rạng Đông Films, ngày 24/03 cũng đã nhanh chóng đổi Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật từ ông Nguyễn Quang Thanh sang ông Phạm Duy Ánh (sinh năm 1990, thường trú ở Gia Lai).
Song song với quá trình thay đổi người đứng tên ở các công ty con/liên kết là việc dàn lãnh đạo của RDP nộp đơn từ nhiệm. Cụ thể, RDP thông báo nhận được đơn xin từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT từ ngày 24/2, bao gồm Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam và 4 thành viên HĐQT là ông Hồ Đức Dũng, ông Hồ Văn Tuyên, ông Nguyễn Trần Vinh, ông Bùi Đắc Thiện. Lý do được đưa ra là công việc cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhận chức vụ. 24/2 cũng là ngày ông Trị ngồi vào ghế Tổng Giám đốc của 3 đơn vị gồm Rạng Đông Long An, Rạng Đông Healthcare và Trading Rạng Đông.
Xuất hiện một “Rạng Đông” mới
Trong bối cảnh các công ty con/công ty liên kết của RDP có dấu hiệu thay “chủ” mới, thị trường ghi nhận sự xuất hiện của một “Rạng Đông” mới là CTCP Nhựa Rạng Đông HĐ. Doanh nghiệp này chỉ mới thành lập vào ngày 17/01/2025. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sản phẩm từ plastic.
Rạng Đông HĐ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do 3 cá nhân góp, gồm ông Phạm Duy An 20%, ông Võ Văn Anh 30% và ông Huỳnh Thanh Tú (sinh năm 1998, giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) góp nhiều nhất 50%. Chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 20/3, vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Rạng Đông HĐ chuyển cho ông Hoàng Văn Trung (thường trú tại Nghệ An).
Được biết, ông Phan Huy Hoàng đề cập ở trên cũng ở Nghệ An. Ông Duy An (cổ đông sáng lập Rạng Đông HĐ) và ông Duy Ánh (Tổng Giám đốc hiện tại của Rạng Đông Films) cùng ở thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. |
Rạng Đông HĐ lúc mới thành lập đăng ký trụ sở tại 63 Võ Văn Bích, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM. Đây chính là trụ sở hiện tại của Rạng Đông Films. Đến đầu tháng 3, Công ty 2 tháng tuổi này chuyển đến lô H1, H2, H3, H4, H7, H8, H9 đường số 3, 8, 9, KCN Tân Đô, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là địa chỉ trụ sở của Rạng Đông Long An.
Trên một website tuyển dụng, Rạng Đông HĐ giới thiệu là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên, nhập khẩu các thiết bị hiện đại từ Nhật Bản, Đài Loan để sản xuất các loại giả da PVC, PU xốp, khăn trải bàn… Bên cạnh đó, Công ty đang trong quá trình tuyển dụng một số vị trí như nhân viên kinh doanh và kế toán tổng hợp tại khu vực TPHCM, đặc biệt là nhân viên hành chính nhân sự tại nhà máy ở Long An.
Thông tin tuyển dụng nhân sự của Rạng Đông HĐ trên một website
(Ảnh chụp màn hình)
|
Qua hình ảnh đăng trên website tuyển dụng, có thể thấy logo của Rạng Đông HĐ có phần tương đồng với logo của Rạng Đông Long An.
So sánh logo Rạng Đông HĐ và Rạng Đông Long An
|
– 12:00 05/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/rang-dong-holding-khong-con-hold-737-1304435.htm