Rủi ro thương mại mới nổi và hướng tiếp cận danh mục nửa cuối năm

Ba nhóm ngành chịu tác động chính

Việc chính thức áp thuế suất 20% đối với hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam vào Mỹ, cùng với mức 40% cho hàng hóa trung chuyển, sẽ tái định hình lại kỳ vọng lợi nhuận, dòng tiền và chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Dưới đây là ba nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhất.

Thứ nhất, đối với khu vực doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và nông sản chế biến, trước khi thỏa thuận mới được công bố, hàng Việt Nam thường được đánh giá cao về tỷ lệ giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, mức thuế mới sẽ bào mòn đáng kể biên lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, phụ thuộc mạnh vào thị trường Mỹ.

Cần lưu ý rằng, Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 26 -28% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Chỉ riêng năm 2024, xuất khẩu dệt may và giày dép sang Mỹ đạt hơn 46 tỷ USD. Việc bất ngờ chuyển sang khung thuế mới sẽ khiến nhiều doanh nghiệp không kịp điều chỉnh giá bán hoặc cơ cấu đơn hàng.

Với ngành thủy sản, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tôm, cá ngừ sang Mỹ (trị giá khoảng 2,5 – 3 tỷ USD mỗi năm) có nguy cơ đối mặt với tình trạng bị ép giá đầu vào hoặc chuyển đơn hàng sang các quốc gia có ưu đãi thuế tốt hơn. Tình trạng tương tự cũng đang được ghi nhận trong ngành gỗ nội thất và nông sản, nơi Mỹ chiếm từ 30 – 50% thị phần xuất khẩu của một số doanh nghiệp đầu ngành.

Thứ hai, với ngành logistics và cảng biển, khi đơn hàng sụt giảm, sản lượng container, lượng hàng hóa qua cảng và nhu cầu kho bãi cũng giảm theo, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đang niêm yết trong nhóm ngành này.

Tính toán sơ bộ cho thấy nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm 10%, thì tổng sản lượng hàng hóa qua các cảng lớn như Cát Lái, Hải Phòng, Cái Mép – vốn phụ thuộc đáng kể vào đơn hàng đi Mỹ – có thể giảm từ 6 – 8% trong quý III/2025. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp khai thác cảng và giao nhận quốc tế sẽ phải đối mặt với bài toán tăng chi phí vận hành, trong khi doanh thu giảm sút. Thêm vào đó, sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng do các đối tác Mỹ yêu cầu thay đổi tuyến vận chuyển, tránh trung chuyển qua Việt Nam, có thể khiến chi phí logistics bị đội lên đáng kể.

Thứ ba, với ngành khu công nghiệp, trong giai đoạn trước khi thỏa thuận thuế được công bố, nhiều nhà đầu tư nước ngoài – đặc biệt là các tập đoàn FDI đang có chuỗi sản xuất linh hoạt – đã đẩy nhanh quá trình ký hợp đồng thuê đất, mở rộng nhà xưởng tại các khu công nghiệp trọng điểm ở miền Bắc và miền Nam. Đây là một dạng “chốt đơn phút 89” trước khi chính sách thuế mới có hiệu lực toàn phần. Nhờ vậy, một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận lượng khách hàng mới tăng mạnh trong quý II/2025, giúp cải thiện tỷ lệ lấp đầy và hỗ trợ báo cáo tài chính ngắn hạn.

Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của nhóm này cần được đánh giá một cách thận trọng hơn. Việc Mỹ áp thuế cao có thể khiến một số tập đoàn quốc tế tái cơ cấu chuỗi cung ứng theo hướng phân tán sang nhiều quốc gia hơn.

Ngoài ra, chi phí vốn đầu tư mới vào khu công nghiệp cũng sẽ chịu áp lực nếu lãi suất toàn cầu và tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển nhà xưởng cho thuê. Trong bối cảnh đó, chỉ những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng khai thác, vị trí kết nối giao thông tốt và năng lực vận hành linh hoạt mới có khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh.

Gợi ý danh mục trong nửa cuối năm 2025

Trước những tín hiệu bất ổn từ môi trường thương mại toàn cầu và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, việc kiểm soát rủi ro và định hướng danh mục một cách linh hoạt trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các nhà đầu tư, đặc biệt trong nửa cuối năm 2025. Dưới đây là một số gợi ý mang tính tham khảo.

Củng cố năng lực phòng vệ cho danh mục đầu tư

Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, phân bổ lại tài sản theo hướng đa dạng hoá là bước đi cần thiết. Việc hạn chế quá tập trung vào các cổ phiếu có hệ số beta cao, hoặc phụ thuộc mạnh vào yếu tố chu kỳ hay yếu tố bên ngoài (như xuất khẩu, tỷ giá), có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu tổn thất khi thị trường đảo chiều.

Bên cạnh đó, giữ lại một tỷ trọng tiền mặt hợp lý hoặc đầu tư vào các công cụ có tính thanh khoản cao như trái phiếu ngắn hạn, chứng chỉ tiền gửi… cũng tạo nên lớp đệm giúp nhà đầu tư sẵn sàng tận dụng cơ hội mua vào khi thị trường điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn.

Thống kê từ các báo cáo quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho thấy, việc gia tăng tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đang là xu hướng phổ biến. Đối với nhà đầu tư cá nhân, cách tiếp cận tương tự – kết hợp với việc chốt lời một phần các vị thế đã sinh lợi – có thể hỗ trợ cân bằng rủi ro.

Hướng dòng vốn vào các ngành ít chịu ảnh hưởng từ rủi ro thương mại

Dưới tác động của căng thẳng thương mại và biến động vĩ mô toàn cầu, dòng tiền trên thị trường đang có xu hướng xoay chuyển sang các nhóm cổ phiếu phòng thủ, ít nhạy cảm với diễn biến bên ngoài và có sức chống chịu tốt hơn.

Một số ngành như tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm, tiện ích công (điện, nước), cơ sở hạ tầng thường được xem là lựa chọn an toàn trong các giai đoạn thị trường biến động mạnh. Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này, nếu có nền tảng tài chính vững chắc và kết quả kinh doanh ổn định, thường vẫn duy trì được sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư trung hạn.

Ngoài ra, ngành bán lẻ nội địa và dịch vụ tài chính – nếu được chọn lọc kỹ càng – cũng có thể trở thành điểm sáng, nhờ hưởng lợi từ tiêu dùng trong nước phục hồi và xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào các cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi trên vốn cao.

Đối với nhóm bất động sản và khu công nghiệp, dù chịu tác động nhất định từ yếu tố tỷ giá và chi phí vốn, nhưng vẫn có tiềm năng trong trung – dài hạn nếu gắn với các dự án đầu tư công, đô thị hóa hoặc thu hút FDI thực chất. Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, vị trí chiến lược và năng lực triển khai tốt, thay vì các cổ phiếu “theo sóng” hoặc mang tính đầu cơ.

Kết luận

Diễn biến mới nhất từ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã đặt thị trường chứng khoán nội địa vào trạng thái “tái định hình kỳ vọng”. Mức thuế suất 20% áp lên hàng hóa xuất khẩu – dù đã được đàm phán để thấp hơn kịch bản ban đầu – vẫn khiến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ… đối mặt với sức ép về lợi nhuận và biên cạnh tranh.

Ở chiều ngược lại, khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp – dù chịu áp lực định giá lại về trung hạn – vẫn được đánh giá là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trong bối cảnh doanh nghiệp toàn cầu cần tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Về tổng thể, thị trường cổ phiếu Việt Nam năm 2025 đang vận động trong trạng thái giằng co giữa kỳ vọng hồi phục nội tại và những rủi ro bên ngoài. Đáng chú ý, các yếu tố như tỷ giá, lãi suất toàn cầu và định hướng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc định hình dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong các quý còn lại.

Trong bối cảnh đó, sự chủ động, linh hoạt và kỷ luật đầu tư cần được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng rủi ro ở mức phù hợp, ưu tiên những ngành ít nhạy cảm với biến động toàn cầu, kết hợp luân chuyển vốn hợp lý theo nhịp thị trường. Việc giải ngân từng phần, tái cơ cấu danh mục định kỳ, đồng thời theo sát các tín hiệu vĩ mô và tiến triển đàm phán thương mại sẽ giúp nhà đầu tư giữ được thế chủ động trước các kịch bản bất định.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/rui-ro-thuong-mai-moi-noi-va-huong-tiep-can-danh-muc-nua-cuoi-nam-post372973.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *