Sao Ta báo cáo tăng trưởng doanh số 43% nửa đầu năm
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) vừa công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với doanh số đạt 135.6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này tương đương hơn 3.5 ngàn tỷ đồng và thực hiện khoảng 54% mục tiêu cả năm, dù con số chính thức vẫn chờ xác nhận theo quy định kế toán.
Trong nửa đầu năm, sản lượng tôm tiêu thụ của Sao Ta đạt 11,452 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ. Sản xuất tôm đạt 14,260 tấn, tăng 32%. Ở mảng nông sản, sản lượng tiêu thụ giảm 23%, còn 481 tấn. Công ty cho biết đang tiếp tục thu hoạch tôm tại các vùng nuôi, với hiệu quả sản xuất tốt giúp kiểm soát chi phí và tăng sản lượng chế biến.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong giai đoạn Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất hàng trước thời điểm 09/07 – mốc mà chính sách thuế mới dự kiến có hiệu lực.
Tuy vậy, Doanh nghiệp chưa công bố lợi nhuận. Trong quý 1, lãi trước thuế thu về chỉ bằng 8.6% kế hoạch năm, phản ánh áp lực chi phí đầu vào tăng cao và biên lợi nhuận thấp hơn khi xuất khẩu sang Mỹ – thị trường đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng có biên lợi nhuận thấp nhất. Lãnh đạo Công ty cho biết ưu tiên hiện tại là duy trì việc làm và nhịp độ sản xuất trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Đầu tháng 6, ngành tôm Việt Nam chịu cú sốc khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ trong kỳ rà soát POR19. Sao Ta nằm trong nhóm 22 doanh nghiệp bị áp mức thuế 35.29% – ngang với mức dành cho Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), dù không phải bị đơn bắt buộc.
Trong bài viết gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực bày tỏ bất ngờ khi Công ty Thông Thuận – lần đầu bị rà soát – lại được áp mức thuế 0%, trong khi Stapimex có bề dày 20 năm kinh nghiệm ứng phó lại nhận mức thuế hơn 35%.
* VASEP: Bất ngờ với mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam lên tới 35% từ Mỹ
Trước những lo ngại của cổ đông và thị trường, ông Lực khẳng định đây mới chỉ là mức thuế sơ bộ và chưa có hiệu lực. Ông dẫn chứng tiền lệ kỳ POR12 hơn 10 năm trước, khi Sao Ta từng bị áp mức sơ bộ 25.76% nhưng sau cùng được điều chỉnh xuống 4.58%.
Trong BCTC hợp nhất năm 2024, Sao Ta đã chủ động trích trước gần 103 tỷ đồng chi phí thuế này, căn cứ trên tỷ lệ 4.58% từng áp dụng trong quá khứ để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, nếu mức thuế 35.29% được giữ nguyên, khoản trích lập hiện tại sẽ không đủ bù đắp và tạo áp lực lớn lên lợi nhuận vốn đang khiêm tốn của Công ty. Lo ngại cũng được ông Lực chia sẻ công khai trên website Doanh nghiệp, cho rằng bối cảnh hiện nay phức tạp hơn trước, với nguy cơ bị áp dụng các quyết định thiếu khách quan từ phía chính quyền Mỹ.
Việc đẩy mạnh giao hàng sang Mỹ gần đây cũng nằm trong tính toán của Sao Ta, nhằm chuẩn bị nếu trở thành bị đơn bắt buộc trong kỳ rà soát tiếp theo (POR20). Lãnh đạo kỳ vọng có thể đạt được mức thuế hợp lý hơn, vừa bảo vệ lợi ích Công ty, vừa góp phần giữ lợi thế cho ngành tôm Việt Nam.
Trong bức tranh toàn ngành, theo dữ liệu của VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 5.2 tỷ USD, tăng gần 19%. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2.07 tỷ USD, tăng 26%. Tuy nhiên, đà tăng đang chậm lại do ảnh hưởng chính sách thuế từ Mỹ. Xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 6 đã giảm 26% sau khi tăng mạnh trước đó.
Triển vọng nửa cuối năm của ngành phụ thuộc lớn vào chính sách thuế đối ứng từ Mỹ sau ngày 09/07. Nếu thuế ở mức 10%, VASEP ước tính xuất khẩu cả năm có thể giảm còn khoảng 9.5 tỷ USD, nhưng nếu vượt 10% và lên đến 46%, giá trị có thể giảm sâu xuống còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Trong kịch bản xấu nhất, các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh.
Ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2025. Nguồn: Tổng hợp từ VASEP
|
* Sao Ta tăng doanh số tháng 4 và 5 nhờ “nước rút thuế”
– 15:58 03/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/sao-ta-bao-cao-tang-truong-doanh-so-43-nua-dau-nam-737-1324724.htm