Sau khi thiết lập đỉnh lịch sử, chuyên gia dự báo VN-Index rung lắc trong ngắn hạn
Tại hội thảo với chủ đề “Tái thiết tăng trưởng, định hình chiến lược đầu tư” diễn ra vào sáng ngày 26/07, các chuyên gia cùng cho biết kỳ vọng vào bức tranh sáng cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2025. Tuy nhiên, VN-Index trong ngắn hạn có thể xuất hiện các nhịp rung lắc sau khi thiết lập đỉnh lịch sử.
Bức tranh kinh tế sáng trong nửa cuối năm 2025
Mở đầu phiên tọa đàm, ông Lê Duy – thành viên HĐQT, Giám đốc Đầu tư Cao cấp quỹ VOF (thuộc VinaCapital) đánh giá bức tranh kinh tế Việt Nam đang khá tích cực. Với những con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt hơn 7.5%, đầu tư công tăng hơn 40%, VinaCapital vẫn giữ quan điểm lạc quan rằng GDP năm 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 7.5 – 8% và năm 2026 cũng duy trì mức tăng trưởng tương tự.
Về bối cảnh quốc tế, vấn đề thuế quan hiện nay đã tạm thời ổn định. Việt Nam có khả năng được áp dụng mức thuế khoảng 20%, mức khá cạnh tranh nếu so với con số 36% của Thái Lan. Nhìn một cách tổng thể, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Ngoài yếu tố thuế quan, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố cạnh tranh khác như chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi và nền văn hóa tương đồng với Trung Quốc, giúp Việt Nam nổi bật trong chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Theo ông Duy, trong 4 cấu phần của GDP, hiện Nhà nước đang làm rất tốt ở phần đầu tư công. Với đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tạo ra việc làm mới, từ đó tăng thu nhập và kích thích tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sau quá trình tạm hoãn một số dự án lớn để chờ đợi tình hình thuế quan ổn định thì đến thời điểm hiện tại đã triển khai trở lại. Các doanh nghiệp này tiếp tục giải ngân vào sản xuất phục vụ giai đoạn cuối năm của Mỹ sẽ là tin tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Lê Duy – thành viên HĐQT, Giám đốc Đầu tư Cao cấp quỹ VOF (bên phải) chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải
|
Theo ông Nguyễn Việt Nam – Giám đốc Ban Quan hệ nhà đầu tư Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và mới đây đã nâng lên mức 8.3 – 8.5% không phải là con số không thể đạt được. Với các nghị quyết, chính sách được ban hành cụ thể hơn trong thời gian tới, dòng vốn sẽ được khơi thông và hỗ trợ tăng trưởng.
Về tỷ giá, biến động hiện nay phần lớn do chính sách lãi suất của Mỹ. Trong khi Mỹ giữ lãi suất cao, các ngân hàng Trung ương khác đã bắt đầu hạ lãi suất. Dự kiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể giảm lãi suất hai lần trong nửa cuối năm nay, giúp cân bằng tỷ giá. Ngoài ra, cuối năm thường có dòng kiều hối và nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu, giúp tỷ giá ổn định hơn. Ông Nam cho rằng tỷ giá có thể dao động quanh mức 5% so với đầu năm.
Ông Nguyễn Việt Nam – Giám đốc Ban Quan hệ nhà đầu tư VIB chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải
|
Nhà đầu tư sẽ dần chấp nhận định giá VN-Index cao hơn trung bình
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng rất tốt trong những tháng gần đây. Phiên 25/07, VN-Index đóng cửa tại 1,531.13 điểm, phá vỡ kỷ lục mọi thời đại kể từ khi thị trường thành lập.
Đánh giá về nhịp tăng mạnh mẽ vừa qua, theo ông Lê Duy dẫn chứng P/E thị trường hiện tại ở mức hợp lý khoảng 13 lần, thấp hơn các giai đoạn tăng điểm mạnh mẽ những năm trước. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm nay khoảng hơn 15% và năm sau cũng tương đương, do đó P/E năm sau sẽ chỉ còn dưới 12 lần.
Cũng chia sẻ về chủ đề định giá thị trường, ông Trịnh Duy Viết – Giám đốc Phân tích Chứng khoán KAFI cho biết, P/E thị trường hiện tại đang ở đúng mức trung bình (tính từ năm 2012 đến nay). Thông thường, khi P/E chạm ngưỡng trung bình, thị trường sẽ có xu hướng điều chỉnh.
Tuy nhiên, vẫn có những giai đoạn đặc biệt hơn, ví dụ như từ 2016 đến 2018, khi P/E đã vượt lên trên mức trung bình và tiến sát đến hai lần độ lệch chuẩn. Để điều đó xảy ra một lần nữa, nhà đầu tư phải nhìn thấy một tương lai tươi sáng, chắc chắn về tăng trưởng lợi nhuận và sự bền vững trong tăng trưởng kinh tế. Yếu tố quan trọng nằm ở việc phải đặt khu vực kinh tế tư nhân vào đúng vị trí. Nếu khu vực này được thúc đẩy và hỗ trợ đúng cách sẽ tăng trưởng rất nhanh.
Theo Giám đốc Phân tích KAFI, về mặt logic đầu tư, thị trường có thể sẽ xuất hiện những nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ dần chấp nhận mức định giá cao hơn trung bình, nhất là trong nửa cuối năm 2025 và kéo dài đến các năm 2026, 2027.
Ông Trịnh Duy Viết – Giám đốc Phân tích KAFI chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải
|
Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản được “chọn mặt gửi vàng”
Về các nhóm ngành triển vọng để đầu tư trong thời gian tới, ông Lê Duy nhắc đến ngân hàng và bất động sản.
Cụ thể, nhóm ngân hàng hiện đang giao dịch với P/B chỉ khoảng 1.3 – 1.4 lần, trong khi quá khứ có lúc là 1.7 – 1.8 lần. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay có thể tăng 15 – 20%, năm sau vẫn duy trì được tốc độ này. Như vậy, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn còn hấp dẫn để đầu tư dài hạn.
Ngành thứ hai là bất động sản. Chu kỳ kinh tế đang phục hồi, tăng trưởng tín dụng tốt, đồng thời Nhà nước cũng đang tháo gỡ nhiều vướng mắc về pháp lý, tạo điều kiện cho ngành bất động sản phục hồi bền vững.
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo lắng bất động sản Việt Nam sẽ giống Trung Quốc. Nhưng theo tôi, xác suất đó rất thấp. Trung Quốc thì dư cung, còn Việt Nam thì đang thiếu cung nhà ở, nhất là tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội. Trong 2 – 3 năm qua gần như không có dự án mới ra thị trường” – ông Duy chia sẻ.
Đại diện VinaCapital đánh giá thị trường bất động sản sẽ phục hồi bền vững và vẫn có thể đầu tư chọn lọc vào các doanh nghiệp có pháp lý rõ ràng, quỹ đất tốt. Khi bất động sản phục hồi thì sẽ kéo theo các ngành liên quan, điển hình là vật liệu xây dựng.
Từ góc độ của quỹ đầu tư như VinaCapital, phương pháp ưa thích là bottom-up, hướng đến các doanh nghiệp có câu chuyện riêng, định giá hấp dẫn, và có tiềm năng tăng trưởng thực sự.
Nhận định về ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Việt Nam bày tỏ kỳ vọng lớn. Về tín dụng, với mục tiêu GDP năm nay có điều chỉnh tăng nhẹ, dự đoán tăng trưởng tín dụng có thể đạt 17 – 18%, thậm chí có thể lên đến 20% nếu cần thiết. Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa.
Lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm có thể đã chạm đáy và 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng đáng kể, dao động khoảng 10 – 20% tùy nội lực mỗi ngân hàng.
Về định giá, P/E ngành ngân hàng hiện dao động khoảng 1.3 – 1.4 lần, trong khi ROE trung bình 20 – 25%. Như vậy, nếu đầu tư vào ngân hàng hiện tại thì sau hai năm có thể thu hồi vốn. Ông Nam cho rằng ngành ngân hàng đang bị định giá thấp và sẽ có bước bứt phá rõ rệt sắp tới.
“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn kinh tế mới – mở rộng thị trường, nguồn lực – thì không thể tiếp tục đánh giá bằng các mức định giá thấp trong quá khứ. Mức P/E hợp lý hơn có thể là 1.8 – 2 lần, phản ánh đúng bản chất nền kinh tế Việt Nam hiện tại” – ông Nam cho biết.
Chia sẻ về chiến lược đầu tư của KAFI, ông Trịnh Duy Viết cho biết dựa trên 3 trụ cột chính, gồm chính sách vĩ mô, câu chuyện ngành và yếu tố thương mại, một phần liên quan tới thuế quan, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ.
Từ đó, KAFI chọn danh mục dựa trên định giá. Các ngành đang ưu tiên gồm ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán, bán lẻ, năng lượng. Việc chọn cổ phiếu cụ thể sẽ tùy từng thời điểm.
Khối ngoại đã sẵn sàng cho giai đoạn mua ròng bền vững
Trong bối cảnh khối ngoại đang rất tích cực mua ròng trong những tuần gần đây, ông Lê Duy cho rằng động thái này có tính bền vững. Thứ nhất, định giá thị trường Việt Nam hiện nay rất rẻ so với khu vực, mà vẫn có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận 15 – 16%.
Thứ hai, khả năng Việt Nam được nâng hạng đang rất cao. FTSE gần đây rất tích cực sang Việt Nam gần như hàng tháng, thay vì chỉ vài lần mỗi năm như trước, nhằm gặp gỡ quỹ đầu tư, công ty chứng khoán hay mới đây là gặp Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo ông Duy, Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng và hiện tại FTSE đang lấy ý kiến các khách hàng lớn. Nếu mọi thứ suôn sẻ, có thể Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9.
Nếu điều này xảy ra, dòng tiền từ các quỹ thụ động có thể đổ vào thị trường trên 1 tỷ USD. Ngoài ra, với lãi suất tiết kiệm hiện nay chỉ khoảng 5 – 6%, nhà đầu tư trong nước cũng sẽ cân nhắc rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào thị trường.
– 10:27 27/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/sau-khi-thiet-lap-dinh-lich-su-chuyen-gia-du-bao-vn-index-rung-lac-trong-ngan-han-145-1333257.htm