Sau sáp nhập, Hưng Yên ráo riết gỡ vướng cho dự án điện khí LNG 47.000 tỷ đồng

Dự án điện khí LNG Thái Bình: Động lực mới cho lưới điện quốc gia

Ngày 23/7, tại cuộc họp UBND tỉnh Hưng Yên do Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Quang Hưng chủ trì, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra, trong đó nổi bật là việc thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình với tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng, cùng các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Thái Bình cũ.

lng.png
Dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình được UBND tỉnh Thái Bình (trước sáp nhập) chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 12/2023 và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để khởi công trong tháng 9/2025

Theo báo cáo của Sở Tài chính, Dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình có công suất thiết kế 1.500MW, do liên danh ba nhà đầu tư gồm Tokyo Gas (Nhật Bản), Tập đoàn Kyuden (Nhật Bản) và Công ty CP Công nghiệp Trường Thành Việt Nam triển khai. Dự án sử dụng khoảng 269,43ha đất và mặt nước, với tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Trong đó, phần vốn góp chiếm 15% (tương đương 298,6 triệu USD), chia theo tỷ lệ 40% – 30% – 30% giữa ba nhà đầu tư; phần còn lại là vốn huy động.

Dự án được UBND tỉnh Thái Bình (trước sáp nhập) chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 12/2023 và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để khởi công trong tháng 9/2025.

Về công nghệ, nhà máy sử dụng tua-bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT), vận hành khoảng 6.000 giờ/năm, dự kiến sản xuất khoảng 9 tỷ kWh điện mỗi năm. Theo báo cáo, công nghệ CCGT có mức phát thải CO₂ và NOx chỉ bằng một nửa so với công nghệ nhiệt điện than hiện đại, không phát thải SO₂, góp phần đáng kể vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết quốc gia (NDC).

Nhiên liệu chính của dự án là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, với sản lượng dự kiến khoảng 1,2 triệu tấn mỗi năm; nhiên liệu dự phòng là dầu diesel, tiêu thụ khoảng 17.000 tấn/năm từ nguồn nội địa. Nhà đầu tư cho biết LNG sẽ được nhập từ các nước xuất khẩu lớn như Úc, Qatar, Mỹ, Nga nhằm đảm bảo giá cạnh tranh.

Về tiến độ thực hiện, đến ngày 22/7, nhiều thủ tục quan trọng như đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi, quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế bản vẽ thi công đã được hoàn tất hoặc đang trong quá trình thẩm định. Tuy nhiên, khâu giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm: mới chỉ chi trả được khoảng 2,2ha/57ha đất trên bờ; các loại đất còn lại như đất nuôi trồng thủy sản, đất 5%, đất dân cư… đang tiếp tục được kiểm đếm, xác minh nguồn gốc và lập hồ sơ bồi thường.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hưng yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Thái Bình chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, bảo đảm đủ điều kiện khởi công trong tháng 9/2025.

Nhiều dự án nhà ở tại thành phố Thái Bình cũ cũng vào guồng

Ngoài dự án điện khí, cuộc họp cũng thảo luận về tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở thương mại và nhà ở xã hội tại thành phố Thái Bình cũ – khu vực đang được tỉnh định hướng thành hạt nhân phát triển đô thị mới.

Cụ thể, có ba dự án trọng điểm về nhà ở thương mại đang được triển khai gồm:

• Khu dân cư xã Đông Hòa: đã giải phóng mặt bằng hơn 80% diện tích đất nông nghiệp, di dời phần lớn mộ, đang hoàn thiện phương án bồi thường phần còn lại.

• Khu đô thị mới xã Tân Bình và phường Tiền Phong: đã giải phóng gần 99% diện tích đất nông nghiệp; gặp khó khăn ở khâu di dời doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phong Phú và xử lý rác thải.

• Khu đô thị mới Kiến Giang: đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai khu tái định cư tại thôn Lạc Chính; hàng trăm hộ dân đã đồng thuận bàn giao đất trước thời hạn.

Về nhà ở xã hội, hiện có ba dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích gần 3,5ha, dự kiến xây dựng 7 tòa nhà cao tầng, cung cấp hơn 1.500 căn hộ. Các chủ đầu tư đang hoàn tất thủ tục pháp lý, đất đai, thiết kế… để có thể khởi công trong tháng 8/2025. Ngoài ra, 5 khu đất nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của các dự án thương mại cũng đã được quy hoạch và bố trí theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề về nguồn gốc đất, giải phóng mặt bằng và phê duyệt hồ sơ đầu tư. Chính quyền các địa phương nơi có dự án cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất số 2, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để đảm bảo tiến độ khởi công trong quý III/2025.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/sau-sap-nhap-hung-yen-rao-riet-go-vuong-cho-du-an-dien-khi-lng-47-000-ty-dong-1392854.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *